Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc khởi sắc: Lòng thành hay phép thử đắt giá nhất thời?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều có những nguyên do chiến lược sâu xa trong việc nối lại quan hệ. Có thể thấy, hai bên đang thử lẫn nhau và thử cả các đối tác bên ngoài.

Tình hình đáng chú ý

Năm 2018 bắt đầu với những bất ngờ cho cả thế giới. 

Đấy là bất ngờ về chuyện biểu tình ở Iran và bất ngờ về những biểu hiện xích lại gần nhau giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Chuyện ở Iran gây lo ngại trong khi chuyện ở trên bán đảo Triều Tiên đem lại điều lạc quan.

Lời mời chào tiến hành đối thoại trực tiếp của Triều Tiên đã được phía Hàn Quốc nhanh chóng tiếp nhận. Kênh liên lạc trực tiếp song phương đã được nối lại.

Dự kiến những cuộc tiếp xúc cao cấp giữa hai bên sẽ được nối lại từ ngày 9/1 tới. Và rất có thể Triều Tiên sẽ tham dự Thế vận hội mùa đông năm nay được tổ chức ở Hàn Quốc, dù chưa biết dưới tư cách là đoàn riêng hay cùng với Hàn Quốc thành lập đoàn vận động viên chung như hai lần đã từng thấy trong quá khứ.

Những động thái này, nếu soi vào thực trạng quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã rất đáng được chú ý, mà đặt trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh chung lâu nay ở khu vực Đông Bắc Á thì lại càng đáng được chú ý.

Mọi biểu hiện về giảm căng thẳng và hoà giải giữa hai quốc gia bán đảo xưa nay luôn được thế giới bên ngoài hoan nghênh và khích lệ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong bài phát biểu đầu năm. Nguồn: KCNA/Reuters

Dù Mỹ vẫn cự tuyệt đối thoại vô điều kiện với Triều Tiên nhưng nước này cũng đã tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho Seoul và Bình Nhưỡng gây dựng mùa xuân quan hệ mới bằng việc đồng ý không tiến hành tập trận chung trong thời gian tới.

Chính vì chuyện này đến rất bất ngờ nên câu hỏi không thể không được đặt ra là nó chỉ nhất thời hay sẽ lâu dài, chỉ là bước đi sách lược của hai phía hay báo hiệu những điều chỉnh mang tính chiến lược.

Câu trả lời thật khó có thể sớm có được vì nó không chỉ phụ thuộc vào hai nước.

Cái lý của Triều Tiên

Triều Tiên lần này chủ động tỏ thiện chí hoà dịu chủ yếu bởi 3 nguyên do sau:

Thứ nhất, nghị quyết mới đây nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) siết chặt mức độ và mở rộng phạm vi tới mức chưa từng thấy trong chuyện trừng phạt Bình Nhưỡng.

Rất có thể, lệnh cấm vận đã bắt đầu gây nguy hiểm thực sự tới an ninh chính trị và ổn định xã hội ở Triều Tiên, khiến những đồng minh quan trọng nhất xưa nay của nước này là Trung Quốc và Nga bị khó xử đến mức buộc phải điều chỉnh chính sách và quan hệ với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng xem ra đã nhận thức được rằng không được đẩy hai nước láng giềng này vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa Triều Tiên và thế giới bên ngoài.

Vì thế, Triều Tiên phải giảm căng thẳng và rõ ràng không có sự khởi đầu nào thích hợp và hữu hiệu hơn là hoà dịu với Hàn Quốc.

Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc khởi sắc: Lòng thành hay phép thử đắt giá nhất thời? - Ảnh 2.

Tên lửa Hwasong-15 với tầm bắn được cho là có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Ảnh: Reuters/KCNA

Thứ hai, cho tới nay, Triều Tiên nhiều lần quả quyết rằng đã hoàn thiện thành công chương trình hạt nhân và tên lửa.

Nếu sự thật là như thế thì Triều Tiên đã có được thế và lực mới trong quan hệ với tất cả các đối tác liên quan là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và cả LHQ.

Bằng chứng thuyết phục nhất cho thế và lực mới đó là cách hành xử mới và chính sách mới. Nếu không, Triều Tiên khó có thể làm cho thế giới tin vào những gì đã luôn quả quyết.

Thứ ba, Triều Tiên muốn phân rẽ Hàn Quốc với Mỹ và giảm bớt mức độ khó xử cho Nga và Trung Quốc. Hai nước này có thể đổ trách nhiệm cho những bên không sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng để biện minh cho việc tiếp tục ủng hộ Triều Tiên như xưa nay.

Suy tính của Hàn Quốc

Hàn Quốc đã nhanh chóng đón nhận đề nghị mới kia của Triều Tiên vì những lý do sau:

Thứ nhất, tìm cách khôi phục tiếp xúc và đối thoại trực tiếp ở mọi cấp độ với Triều Tiên là chủ ý của ông Moon Jae-in khi tranh cử tổng thống cũng như sau khi chính thức nhậm chức.

Ông Moon Jae-in đã từng đưa ra đề nghị này với Triều Tiên nhưng không được đáp ứng. Lời mời chào của Triều Tiên phù hợp với chủ ý chính sách của ông Moon Jae-in và là cơ hội mà vị lãnh đạo này không bỏ qua.

Thứ hai, ông Moon Jae-in đang tìm lối thoát ra khỏi tình thế khó khăn hiện tại là vừa phải ủng hộ Mỹ, HĐBA LHQ và những nước khác tăng cường trừng phạt Triều Tiên trong khi vừa phải tìm cách giảm căng thẳng và đối địch.

Ông phải làm vậy bởi nếu có chuyện gì có xảy ra thì Hàn Quốc cũng vẫn sẽ phải chịu trận đầu tiên, bị vạ lây bởi thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên. Cho nên Hàn Quốc phải tự thân vận động và phải chủ động tự cứu lấy chính mình.

Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc khởi sắc: Lòng thành hay phép thử đắt giá nhất thời? - Ảnh 3.

Thứ ba, khôi phục lại kênh tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Triều Tiên như thế giúp ông Moon Jae-in có được tác nhân mới cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. 

Tác nhân ấy là mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, tạo ra khuôn khổ diễn đàn để giải quyết nhiều vấn đề, giúp cho quan hệ của Triều Tiên với các đối tác bên ngoài kia bớt phức tạp và nan giải.

Chỉ như thế, ông Moon Jae-in mới có thể làm cho Hàn Quốc bớt lệ thuộc vào Mỹ, có được vai trò chủ động và quan trọng hơn trong việc giải quyêt vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Thứ tư, rất có thể còn vì Hàn Quốc cần bầu không khí yên bình để việc tổ chức Thế vận hội mùa đông được thành công.

Từ đó có thể thấy những gì đang được hai nước tiến hành đều mới chỉ như những phép thử, phép thử lẫn nhau và phép thử các đối tác bên ngoài, mới chỉ nhất thời chứ chưa phải là lâu dài.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại