Mỹ gây ảo tưởng nguy hiểm cho Ukraine, "gấu Nga" vùng dậy năm 2018 vì lợi ích sống còn

Trịnh Ngọc Tiến/Trường Đại học Chính trị |

Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố kể từ năm 2018, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí sát thương, trong đó có tên lửa chống tăng có điều khiển Javelin, cho Ukraine.

Việc chuyển giao loại tên lửa hiện đại này cho Ukraine diễn ra trong khuôn khổ "Sáng kiến hỗ trợ cho Ukraine trong lĩnh vực an ninh".

Theo lý giải của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc bán vũ khí trên cho Ukraine, sẽ giúp tăng cường chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên điều này đã gây căng thẳng cho mối quan hệ vốn chẳng mấy tốt đẹp giữa Washington với Moscow trong suốt thời gian qua.

Quan hệ Nga-Mỹ năm 2017 được đánh giá là không cải thiện mà thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, bất chấp tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có một số cuộc tiếp xúc tích cực. Hai nước ít khi tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quốc tế.

Việc ông Trump vừa qua ký quyết định bán vũ khí phòng vệ cho Ukraine chẳng khác gì "đổ thêm dầu vào lửa", gây căng thẳng thêm cho mối quan hệ Nga - Mỹ.

Các nhà quan sát quốc tế lo ngại trước tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Kiev: "Vũ khí phòng thủ không dùng để tấn công ai, trừ khi bạn là những kẻ xâm lược; và rõ ràng Ukraine không phải là quốc gia đi xâm lược".

Cho đến nay, Nga và Mỹ vẫn tranh cãi với nhau về vai trò của đối phương trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, cũng như vụ đảo chính năm 2014 ở Kiev lật đổ chính quyền của tổng thống Viktor Yanukovych - một người được Nga ủng hộ.

Mỹ gây ảo tưởng nguy hiểm cho Ukraine, gấu Nga vùng dậy năm 2018 vì lợi ích sống còn - Ảnh 1.

Tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ (Ảnh: scout.com)

Ukraine có vai trò địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với Nga tại Đông Âu, bởi phần lãnh thổ trải dọc biên giới hai nước có ý nghĩa hàng đầu đối an ninh nước này. Người anh em Xla-vơ này không chỉ nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, mà nó là thực thể quan trọng nhất trong khu vực an ninh cốt lõi của Nga.

Việc Mỹ bán vũ khí cho Ukraine đưa ra trong bối cảnh sau khi loạt tài liệu mới được giải mật do Trung tâm lưu trữ quốc gia đại học George Washington công bố xác nhận, các nhà lãnh đạo Mỹ đã đảm bảo với Nga vào năm 1990 rằng, NATO sẽ không mở rộng ra ngoài biên giới phía Đông của một nước Đức thống nhất.

Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ và đồng minh phương Tây thực hiện chính sách đối ngoại và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của mình là không hề có cam kết chặt chẽ như vậy, và không có bằng chứng về một thỏa thuận nào bằng văn bản.

Tài liệu khẳng định các cam kết đã được đưa ra, và việc Mỹ để NATO mở rộng theo chính sách "hướng Đông" đã làm mất niềm tin giữa hai nước.

Mới đây nhất là tuyên bố của tổng thống Trump về chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ tháng 12/2017, trong đó Mỹ coi Nga là "đối thủ chiến lược", thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Bài phát biểu của ông Trump cáo buộc những hành động cụ thể của Nga, từ việc sáp nhập bán đảo Crimea và nỗ lực chia tách liên minh phương Tây, đến vấn đề can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của các nước… và cho rằng Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Mỹ gây ảo tưởng nguy hiểm cho Ukraine, gấu Nga vùng dậy năm 2018 vì lợi ích sống còn - Ảnh 2.

Xe tăng của lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine (Ảnh: Twitter)

Ukraine có thể "ảo tưởng nguy hiểm"?

Việc Mỹ chấp nhận việc bán vũ khí hạn chế cho Ukraine trong bối cảnh tình hình ở miền Đông Ukraine vẫn còn rất căng thẳng và biến động. Thỏa thuận Minsk ký tháng 2/2015 chưa được thực thi triệt để và hiệu quả để hướng tới hòa bình.

Sự cho phép của Washington về việc bán vũ khí cho Kiev có nguy cơ tạo ra tình huống rất nhạy cảm. Nó sẽ khuyến khích những thành phần cứng rắn trong chính phủ Ukraine tin vào một chiến thắng quân sự, với hy vọng rằng sẽ có thêm sự hỗ trợ của Mỹ. Điều này thậm chí sẽ dẫn tới nhiều thương vong hơn trên thực địa.

Lựa chọn quân sự cho Ukraine là một ảo tưởng nguy hiểm, không chỉ đối với Ukraine, mà cả châu Âu và toàn thế giới.

Với các biện pháp của các nhà lãnh đạo Nga, họ cố gắng đẩy những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ra càng xa biên giới nước mình càng tốt. Không dễ gì Nga chấp nhận giải pháp giải tán các lực lượng quân sự nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Nếu chấp nhận, không khác gì Nga cho phép Mỹ hiện diện quân sự ngay sát vách mình - một sự đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Nga.

Trong năm 2017, các quan chức Nga tỏ ra không hài lòng về sự có mặt của NATO, bao gồm cả quân đội và vũ khí hạng nặng, cũng như việc tổ chức các cuộc tập trận chung của liên minh tại các nước vùng Baltic và các nơi khác ở Đông Âu.

Moscow hiện nay không còn lòng tin vào những lời hứa của Mỹ và NATO. Trong năm 2018, Nga chắc chắn sẽ coi Ukraine là vấn đề sống còn đối với an ninh đất nước.

Ông Trump chấp nhận mất lòng Nga để ổn định trong nước

Quyết định bán vũ khí sát thương cho Ukraine là đòn mới nhất của ông Trump nhằm vào những người thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình của Mỹ - nhóm đã tin tưởng cam kết tranh cử năm 2016, rằng ông muốn sửa lại quan hệ với Moscow.

Trong thời gian gần một năm cầm quyền, có thể những cáo buộc có chủ ý từ các đối thủ chính trị trong nước - về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã làm Trump cảm thấy bị đe dọa khi cố gắng củng cố an ninh quốc gia của mình bằng động thái bán vũ khí này.

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Ukraine bùng nổ năm 2014, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã kêu gọi bán vũ khí cho Ukraine. Vì vậy, có thể hiểu hành động của tổng thống Trump là biện pháp xoa dịu những mâu thuẫn đang dâng cao trong nội bộ cả hai đảng này đối với cá nhân ông. Dù lý do gì đi chăng nữa, đó vẫn được giới quan sát coi là một bước đi nhiều rủi ro.

Mỹ gây ảo tưởng nguy hiểm cho Ukraine, gấu Nga vùng dậy năm 2018 vì lợi ích sống còn - Ảnh 3.

Nga được đánh giá là đối thủ chiến lược của Mỹ trong bản Chiến lược an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP)

Nếu Washington muốn tránh làm tổn hại thêm mối quan hệ với Moscow thì chính quyền Trump cần thừa nhận việc Nga thiết lập một vùng đệm an toàn ở khu vực "sát sườn" của mình, và không cho phép sự can thiệp của phương Tây vào vùng đệm này, là một sự hợp lý.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ dường như quên mất thực tế rằng, tất cả các cường quốc đều có thái độ như vậy.

Sự phủ nhận thực tế như vậy không phải là duy nhất đối với chính quyền Trump. Các đời Tổng thống trước của Mỹ cũng bị Nga cáo buộc phủ nhận những giá trị an ninh cốt lõi của Moscow.

Việc NATO "hướng Đông" và cáo buộc Nga đe dọa an ninh của các thành viên liên minh bị Moscow cho là chiến lược nhằm làm suy yếu Nga, từ đó dễ bề chi phối đời sống chính trị quốc tế.

Phớt lờ lợi ích an ninh của Nga là một tín hiệu nguy hiểm. Washington cần hành động có trách nhiệm hơn so với những gì đã thể hiện liên quan đến an ninh của các quốc gia khác.

Quyết định của chính quyền Trump về việc bán vũ khí cho Ukraine đang đẩy mối quan hệ giữa Mỹ với Nga thêm căng thẳng, và tiềm ẩn rủi ro dẫn đến một hành động đối kháng không cần thiết giữa hai siêu cường quân sự./.

Pháo binh Ukraine tham gia trong cuộc nội chiến với các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại