Quan hệ Pháp-Mỹ lung lay vì AUKUS, Trung Quốc có cơ hội “chen chân” ở châu Âu?

Hoàng Phạm |

Thỏa thuận AUKUS mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc khiến Pháp mất thỏa thuận hàng chục tỷ USD cung cấp tàu ngầm thông thường cho Australia. Các nhà quan sát cho rằng, điều này khiến châu Âu đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ về các mối quan hệ xuyên đại tây dương.

Rạn nứt chưa từng thấy giữa Mỹ và Pháp về liên minh 3 bên Australia-Anh-Mỹ đã làm dấy lên câu hỏi về những cam kết của Washington đối với liên minh xuyên đại tây dương, đồng thời đem lại cơ hội cho Trung Quốc cải thiện quan hệ với các nước châu Âu.

Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, đã triệu hồi đại sứ tại Washington về nước để tham vấn lần đầu tiên kể từ khi nước Mỹ được thành lập sau khi thỏa thuận liên minh AUKUS mới được công bố. Pháp cũng triệu hồi đại sứ tại Canberra về nước.

Quan hệ Pháp-Mỹ lung lay vì AUKUS, Trung Quốc có cơ hội “chen chân” ở châu Âu? - Ảnh 1.

Thỏa thuận AUKUS khiến Pháp mất "hợp đồng thế kỷ" với Australia Ảnh: NBC News.

Thỏa thuận với Anh và Mỹ giúp Australia được cung cấp công nghệ đóng tàu ngầm năng lượng hạt nhân nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng cũng đồng nghĩa với việc hủy thỏa thuận mua tàu ngầm chạy diesel của Pháp.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích liên minh quân sự mới này là mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực, đồng thời nói rằng, nước này sẽ giám sát chặt chẽ tình hình.

"Cú đâm sau lưng" trở thành cơ hội cho Trung Quốc

Giới quan sát tại Trung Quốc cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ, mà Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả là "cú đâm sau lưng", có thể là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ với châu Âu - những nước muốn duy trì sự độc lập chiến lược và tránh phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

"Ở một khía cạnh nào đó, điều này làm giảm tín nhiệm trong cam kết của Mỹ về hợp tác với các đồng minh châu Âu, đồng thời là cơ hội để Trung Quốc phát triển quan hệ gần gũi hơn với châu Âu", ông Ding Yifan, cựu Phó Giám đốc Viện Phát triển Thế giới của Trung Quốc cho biết.

Việc gạt Pháp ra khỏi một hợp đồng mà nước này từng coi là "thỏa thuận thế kỷ" có thể là một đòn giáng vào niềm tin của châu Âu đối với Mỹ như một đồng minh đáng tin cậy - điều vốn đã bị đặt câu hỏi kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan trong tháng 8 vừa qua.

Nhằm xoa dịu quan hệ với Pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 18/9 nói rằng Nhà Trắng hy vọng tiếp tục thảo luận về vấn đề này với các quan chức cấp cao của Pháp trong những ngày tới.

Trong khi Pháp có những lợi ích riêng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì mạng lưới lãnh thổ hải ngoại rộng lớn, thì việc Washington chọn Australia cho thấy không gian Anglo (không thuộc gốc Pháp hoặc Tây Ban Nha) được ưu tiên hơn trong các mối liên minh đối phó với Trung Quốc, ông Wang Yiwei, một chuyên gia các vấn đề châu Âu tại Đại học Nhân dân cho biết.

"Tổng thống Biden nói rằng nước Mỹ đã trở lại, nhưng các lợi ích của Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu", ông Wang nói.

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu 27 thành viên đã xuống mức thấp trong những tháng gần đây sau những bất đồng về vấn đề Tân Cương – nguyên nhân dẫn tới việc Nghị viện Châu Âu đình chỉ phê duyệt thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo ông Ding Chun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu có trụ sở tại Thượng Hải, không giống như Mỹ, vốn chỉ đích danh Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kế hoạch riêng của châu Âu về khu vực này lại cho rằng "cần thiết" phải hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ mạnh mẽ sự độc lập chiến lược của châu Âu và từng tuyên bố hồi tháng 2/2021 rằng châu Âu không nên tự động về phe Mỹ chống lại Trung Quốc, mặc dù khối này có nhiều giá trị chung với Mỹ.

"Dù Mỹ đã thành công trong việc lôi kéo Australia lần này, nhưng họ đã đẩy Pháp và các đồng minh châu Âu ra xa. Có vẻ như Mỹ không đếm xỉa đến lợi ích của các đồng minh, Điều này có thể khiến châu Âu ngày càng độc lập chiến lược hơn", ông Ding nói.

Trung Quốc không dễ "chen chân" vào quan hệ giữa Mỹ và đồng minh

Mặc dù vậy, các nhà quan sát cũng cho rằng, sẽ không dễ để Trung Quốc tận dụng mối bất đồng giữa Pháp và Mỹ.

Pháp đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông trong năm 2020, tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực hồi tháng 2, tham gia các cuộc tập trận chung cùng Mỹ và Nhật Bản hồi tháng 5.

Đại úy Arnaud Tranchant, chỉ huy tàu Tonnerre - một trong số các tàu của Pháp tới Biển Đông, khi đó nói rằng, Pháp sẽ "làm việc nhằm củng cố quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – còn gọi là Bộ tứ Kim cương mà Bắc Kinh coi là một nỗ lực phối hợp nhằm kiềm chế ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân nói rằng, dù Pháp đang thất vọng về Mỹ và điều này có thể mở ra cơ hội đối thoại giữa Bắc Kinh và Pháp, song "Pháp đã rất tích cực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở khía cạnh chiến lược quân sự".

"Trong bất cứ trường hợp nào, cho dù Pháp vẫn đảm bảo được thỏa thuận [với Australia], sự răn đe chiến lược của Australia đối với Trung Quốc cũng vẫn được cải thiện đáng kể ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có cả Biển Đông", ông Shi Yinhong mạnh thêm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại