Mối quan hệ ở mức cao nhất trong lịch sử
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định thăm Moscow tuần này trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi tái đắc cử không phải là điều bất ngờ với những người theo dõi sát sao mối quan hệ này. Giáo sư Graham Allison thuộc Trường Harvard Kennedy cho rằng: "Khi lùi lại và phân tích mối quan hệ Nga - Trung, có một thực tế rõ ràng không thể phủ nhận là: Trong mọi chiều hướng từ mối quan hệ cá nhân cho tới kinh tế, quân sự và ngoại giao, liên minh không chính thức mà ông Tập Cận Bình xây dựng với Tổng thống Putin đạt được nhiều kết quả hơn so với hầu hết các liên minh chính thức của Mỹ hiện nay".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
Nhiều nhà quan sát cảm thấy khó tin về "liên minh" Nga - Trung. Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định năm 2018, Moscow và Bắc Kinh "có những lợi ích tự nhiên không giao nhau". Địa lý, lịch sử, văn hóa và kinh tế - tất cả những yếu tố đó đều cho thấy hai quốc gia có nhiều lý do để trở thành đối thủ của nhau.
Dù vậy, con người đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ này. Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên ông Tập Cận Bình gặp sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2012. Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau trực tiếp 40 lần, nhiều gấp đôi số lần cả hai gặp bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới. Trong khi đó, ông Putin gọi ông Tập Cận Bình là "người bạn tốt nhất", người mà ông Putin nói vào năm 2018 rằng là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất cùng ông tổ chức sinh nhật. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình trao cho Tổng thống Putin Huân chương Hữu nghị năm 2018, ông đã gọi nhà lãnh đạo Nga là "người bạn thân thiết nhất của tôi".
Trong bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22/3, Tổng thống Putin khẳng định: "Tiến triển đạt được trong thập kỷ qua của mối quan hệ song phương này thực sự ấn tượng. Như tôi đã khẳng định nhiều lần trước đó, quan hệ Nga - Trung hiện nay ở mức cao nhất trong lịch sử của chúng ta và gần như có thể coi như một hình mẫu. Đây là tấm gương của sự hợp tác giữa các siêu cường, những quốc gia có trách nhiệm đặc biệt duy trì an ninh và sự ổn định toàn cầu với vai trò là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Hợp tác chưa từng có trong mọi chiều hướng
Trong những năm gần đây, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Thậm chí trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Trung Quốc đã thay thế Mỹ và Đức để trở thành đối tác thương mại số 1 cũng như khách hàng mua dầu mỏ và khí đốt hàng đầu của Nga. Trong năm qua, Trung Quốc thậm chí được ví như "phao cứu sinh" kinh tế của Nga khi mua gần như mọi thứ mà phương Tây không mua và giúp Nga tiếp tục tiếp cận các thị trường tài chính giữa bối cảnh bị phương Tây trừng phạt nặng nề.
Năm ngoái, năng lượng Trung Quốc mua từ Nga tăng tới 50% so với năm 2021 trong khi kim ngạch thương mại song phương của hai bên ở mức cao kỷ lục. Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới sang Nga năm 2022 nhưng mức tăng trưởng theo từng năm về sản lượng xuất khẩu sang Nga lại vượt bất kỳ quốc gia nào. Tháng trước, đồng nhân dân tệ đã lần đầu tiên vượt đồng USD để trở thành đồng tiền được trao đổi nhiều nhất trên Moscow Exchange (Sở giao dịch Moscow là sàn giao dịch lớn nhất ở Nga – ND), chiếm gần 40% tổng khối lượng giao dịch.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt nhằm ngăn cản Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng, xuất khẩu vi mạch của Trung Quốc sang Nga đã tăng gấp đôi năm 2022. Trên thực tế, trong mọi lĩnh vực Trung Quốc đều có thể hỗ trợ Nga mà không phải đối mặt với tổn thất hay thách thức, ngoại trừ việc xuất khẩu vũ khí sát thương sang Nga vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, điều mà Giám đốc CIA William Burns gần đây cho biết Trung Quốc đang "cân nhắc" nhưng vẫn "ngần ngại cung cấp".
Ngoài ra, trong khi nhiều người coi nhẹ sự hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc thì một cựu cố vấn an ninh quốc gia Nga nhận định, Trung Quốc và Nga "về mặt chức năng tương đương với một liên minh quân sự". Trung Quốc thường tham gia vào các cuộc tập trận quân sự chung với Nga. Nước này cũng điều binh lính tới các cuộc tập trận Vostok thường niên của Nga vào tháng 9 và tiến hành các cuộc tập trận chung trên không và trên biển gần như hàng tháng. Các chỉ huy quân đội của Nga và Trung Quốc cũng có những cuộc trao đổi thẳng thắn và chi tiết về mối đe dọa hiện đại hóa hạt nhân và phòng thủ tên lửa của Mỹ đối với các biện pháp răn đe chiến lược của hai nước.
Trong khi hàng thập kỷ qua Nga thận trọng giữ lại các công nghệ tiên tiến nhất trong những hợp đồng vũ khí với Trung Quốc thì hiện nay, Moscow đã bán cho Bắc Kinh hệ thống tốt nhất mà nước này sở hữu - đó là hệ thống phòng không S-400. Hai quốc gia cũng chia sẻ những đánh giá tình báo và các mối đe dọa cũng như hợp tác trong phát triển và nghiên cứu động cơ tên lửa. Gần đây nhất, Bắc Kinh và Moscow đã hợp tác để cạnh tranh với Washington trong kỷ nguyên cạnh tranh mới trong vũ trụ.
Sự hợp tác ngoại giao cũng được tăng cường khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đều cảm thấy Washington đang tìm cách làm suy yếu chế độ của họ. Hai quốc gia luôn cùng nhau bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thúc đẩy các vấn đề chính trị của nhau. Chẳng hạn, Trung Quốc nhiều lần từ chối gọi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một cuộc chiến mà thay vào đó gọi đây là "vấn đề", "tình huống" hoặc "cuộc khủng hoảng". Các nhà ngoại giao Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nước này thậm chí nhắc lại lập trường của Nga khi cáo buộc NATO phớt lờ "những lo ngại hợp pháp" của Moscow và chỉ ra rằng Mỹ muốn "chiến đấu cho tới người Ukraine cuối cùng".
Hai nhà lãnh đạo cũng không che giấu mục tiêu chấm dứt sự chi phối của Mỹ trên toàn cầu và thiết lập điều mà ông Tập Cận Bình gọi là "mô hình mới trong quan hệ nước lớn". Thành công của hai bên trong việc thúc đẩy những tổ chức hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, chiếm 2/3 dân số thế giới đã cho thấy các tuyên bố của họ không chỉ là nói suông./.