Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva. Hai bên đã đàm phán chân thành, hữu nghị và hiệu quả về nhiều vấn đề và đã đạt được những thỏa thuận quan trọng.
“Điều đáng chú ý là vào ngày gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin đã tặng nhà lãnh đạo Trung Quốc một món quà lớn”, tờ Baijiahao viết.
Cụ thể, truyền hình Nga đã phát sóng chương trình "Những câu nói yêu thích của Chủ tịch Tập Cận Bình". Thời điểm trùng với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, cho nên có thể coi đây là món quà của ông Putin dành cho người đồng cấp.
Tờ Baijiahao nói rõ, chương trình này bao gồm các video có câu cách ngôn, tuyên bố cá nhân, trích dẫn truyền thuyết cổ xưa, chuyên luận lịch sử và triết học mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng trong những bài phát biểu trước công chúng.
Đây là một loại "cửa sổ" mở sang Trung Quốc, giúp làm quen với những ý tưởng của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cũng như với trí tuệ và văn hóa của toàn thể người dân Trung Quốc.
Tờ Baijiahao nhận xét: “Người Mỹ khó có thể ngồi yên khi thấy rằng Trung Quốc và Nga - những nước mà Washington coi là đối thủ đang ngày càng xích lại gần nhau".
Mỹ có lý do để lo lắng khi quan hệ Nga - Trung Quốc được thắt chặt.
Rõ ràng Mỹ đang cảm thấy lo lắng trước việc thắt chặt quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh, Washington đang cố gắng gây sức ép, tuy nhiên các chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa hai nước được thực hiện theo luật pháp quốc tế, cho nên Mỹ và phương Tây không thể ra lệnh cho họ phải bước đi như thế nào.
Hiện tại, đại diện của Mỹ tuyên bố rằng họ cũng muốn tiến hành đối thoại với Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc hiểu rất rõ cuộc đối thoại này sẽ ra sao.
Các nhà phân tích của tờ Baijiahao dự đoán rằng Washington sẽ chỉ ra lệnh và gây áp lực lên Trung Quốc, vì vậy đối thoại với Mỹ chẳng ích gì cho đến khi họ thay đổi cách giao tiếp.
Ấn phẩm Baijiahao tổng kết: "Mặc dù Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác, nhưng họ sẽ không bao giờ cho phép mình bị ra lệnh. Vì lý do này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Moskva chứ không phải Washington".
"Tại thủ đô của Liên bang Nga, sự hợp tác cùng có lợi đang chờ đợi ông, trong khi đó nếu đến Washington - chỉ có áp lực và thái độ thù địch".