Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đánh dấu sự thừa nhận chính thức đầu tiên của quân đội Nga về sự tồn tại của lực lượng trên.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Shoigu cho biết quân đội Nga đã nhận được nhiều vũ khí mới vào năm 2016, bao gồm 41 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo vị bộ trưởng này, năm 2017 lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ nhận thêm các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới.
Liên quan đến việc lập lực lượng quân sự mới chuyên tập trung vào tác chiến thông tin, Bộ trưởng Shoigu lưu ý rằng “hoạt động tuyên truyền cần phải khéo léo, thông minh và hiệu quả”. Tuy nhiên ông không nêu rõ sứ mệnh của binh chủng mới.
Tướng về hưu Vladimir Shamanov, hiện là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga, cũng chỉ nói rất chung chung rằng các quân nhân tác chiến thông tin có nhiệm vụ “bảo vệ lợi ích quốc phòng và tham gia chiến tranh thông tin”, theo hãng thông tấn Interfax.
Ông Shamanov nói thêm rằng một phần nhiệm vụ của các quân nhân này là đẩy lùi các cuộc tấn công mạng của đối phương.
Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc phòng Thượng viện Nga, cũng nói với Interfax rằng các binh sĩ thông tin sẽ bảo vệ hệ thống dữ liệu của Nga trước các cuộc tấn công của kẻ thù, nhưng không mở bất cứ cuộc tấn công mạng nào ở nước ngoài.
Tướng về hưu Leonid Ivashov, nguyên trưởng Ban Hợp tác Quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng Nga cần dựa vào binh chủng tác chiến thông tin để đánh bật điều mà ông gọi là tuyên truyền của phương Tây.
Hãng thông tấn RIA dẫn lại nhận xét của tướng Ivashkov: “Chúng ta phải buộc phương Tây lui vào thế thủ bằng cách thực hiện các chiến dịch phanh phui những lời nói dối của họ”.
Trước đó các cơ quan tình báo Mỹ đã tố cáo Nga tiến hành “hack” các email của đảng Dân chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống – điều này Moscow đã phủ nhận.