Từ tàu sân bay USS Ronald Reagan, các chiến đấu cơ F-18 Super Hornet của Mỹ xuất kích liên tục với sự hỗ trợ của bệ phóng chạy bằng hơi nước áp suất cao sinh ra từ lò phản ứng hạt nhân.
F-18 Super Hornet có bán kính hoạt động hơn 700km, được trang bị các loại đạn tầm xa có thể tấn công những cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên mà không cần máy bay phải vượt qua biên giới biển.
USS Ronald Reagan là một trong số hơn 40 tàu chiến đang tham gia cuộc tập trận trên vùng biển bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, còn có hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke là USS Stethem và USS Mustin thuộc Hạm đội 7 của Mỹ.
Nhóm tàu tấn công này phối hợp với các tàu chiến và nhiều loại khí tài khác của Hàn Quốc như tàu Sejong Đại đế và máy bay chống tàu ngầm P-3 Orion tại các vùng biển phía Đông.
Cuộc tập trận khai màn ngày 16/10 và sẽ kết thúc sau năm ngày.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (giữa) tham gia tập trận trên vùng biển bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Một số phóng viên báo đài được mời lên tàu USS Ronald Reagan để chứng kiến cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Ảnh: Yonhap
Bình Nhưỡng đã lên án cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn, gọi đây là "nỗ lực cuối cùng của Mỹ sau khi bị đẩy vào đường cùng" bởi sự phát triển như vũ bão của chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Ngoài cuộc tập trận nói trên, Lầu Năm Góc còn triển khai hàng loạt khí tài quân sự hiện đại bao gồm máy bay ném bom B-1B và máy bay tàng hình F-22 Raptor đến Hàn Quốc để tham gia một triển lãm hàng không.
Đây được coi là động thái phô trương lực lượng của liên quân Mỹ - Hàn nhằm răn đe Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.