Quân đội Iraq giải phóng Hawija, "tranh thủ" đẩy IS sang địa bàn người Kurd

Tất Đạt |

Hôm qua (5/10), Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi tuyên bố đã quét sạch nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi miền bắc Iraq.

Chiến dịch truy quét thành công

Được biết, lực lượng quân đội Iraq, được liên quân do Mỹ dần đầu và đơn vị bán quân sự người Shiite hỗ trợ, đã chiếm lại thành công thị trấn Hawija và khu vực lân cận.

Thị trấn Hawija nằm cách tỉnh Kirkuk 45 km về phía tây nam, là căn cứ cuối cùng của IS ở miền bắc Iraq. IS đã chiếm khu vực này từ năm 2014 khi quân đội Iraq suy yếu rõ rệt.

Căn cứ tại Hawija được coi là "trung tâm điều hành và chỉ huy đầu não của IS tại miền bắc Iraq". Từ đây, các thủ lĩnh IS quan sát và chỉ đạo các đợt tiến công của IS trên bờ đông sông Tigris (có các tỉnh Kirkuk và Diyala) và bờ tây (có các tỉnh Nineveh và Salahuddin).

Trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Iraq cho biết: "Ngày hôm nay, khu vực Hawija đã được quân đội Iraq giải phóng. Điều đó có nghĩa là, IS đã mất hết lãnh thổ, chỉ còn kiểm soát vùng biên giới với Syria."

Quân đội Iraq giải phóng Hawija, tranh thủ đẩy IS sang  địa bàn người Kurd - Ảnh 1.

Quân đội Iraq. Ảnh: EPA

"Như vậy, chúng ta đã tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố ở Iraq. Tôi xin đề cao sự dũng cảm của những người lính anh hùng và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Pháp."

Khu vực Hawija được bao bọc bởi núi, cung cấp nguồn lực lớn cho nhóm khủng bố IS, là nơi trú ẩn cho các thủ lĩnh phiến quân và gia đình. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 78.000 người mắc kẹt trong khu vực này.

Trả lời Arab News, một sĩ quan quân đội cấp cao tham gia chiến dịch cho biết: "Khu vực được giải phóng bao gồm trung tâm các thị trấn Hawija, Abassi, Rashad và Riyadh cùng 300 ngôi làng nhỏ khác."

"Chúng tôi sẽ đẩy lùi chúng tới địa bàn của quân Peshmerga (lực lượng quân đội người Kurd). Như vậy, IS sẽ không còn đường lui," vị sĩ quan cho biết.

Ý nghĩa chiến lược

Chiếm lại được địa bàn Hawija cũng sẽ giúp quân đội chính phủ kiểm soát lại các mỏ dầu ở Kirkuk từ tay quân đội người Kurd.

Baghdad hiện đang muốn áp đặt quyền điều hành lên các khu vực ngoài phạm vi biên giới người Kurd trước năm 2003. Tuy nhiên, chính quyền địa phương người Kurd lên tiếng phản đối việc này, thậm chí còn tự tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi quyền giành độc lập cuối tháng trước.

Ông Al-Abadi nói: "Chúng tôi không muốn giao tranh vũ trang (với người Kurd), nhưng chính quyền Iraq phải giành được quyền điều hành khu vực. Tôi kêu gọi quân đội Peshmerga gia nhập quân chính phủ và hoạt động theo mệnh lệnh để đảm bảo an toàn cho những khu vực tranh chấp nói trên."

Chiến dịch tái chiếm Hawija và các khu lân cận đã được tiến hành từ ngày 21/9 với sự tham gia của hàng ngàn quân Iraq, bao gồm lực lượng chống khủng bố, cảnh sát, quân đội chính phủ và Đơn vị Huy động Nhân dân (PMU).

Trung tướng Ra'ad Jawdat, chỉ huy Lực lượng An ninh Iraq trong chiến dịch, cho biết 270 tên khủng bố đã thiệt mạng, 640 km2 lãnh thổ được thu hồi và 141 cứ điểm đã được giải phóng.

Arab News dẫn nguồn tin quân sự và các chuyên gia phân tích cho biết, tinh thần chiến đấu của IS đã bị suy giảm nghiêm trọng sau những trận thua liên tiếp tại Mosul, Tal Afar và Shirqat trong vài tháng qua.

Quân đội Iraq giao tranh với IS tại Mosul. Nguồn: CNN

Theo ước tính, IS đã mất hơn 20.000 quân trong các đợt giao tranh với quân Iraq tại Mosul, thành phố lớn nhất tại Iraq bị nhóm khủng bố chiếm giữ.

Thiếu tướng Abdulkareem Khalaf, cựu chỉ huy tại Bộ Nội vụ Iraq, nhận định: "Ý chí chiến đấu của nhóm khủng bố đã suy kiệt. Các thủ lĩnh liên tục tìm đường trốn chạy, không thể duy trì liên lạc với nhau. Trung tâm chỉ huy IS đã bị triệt hạ. Các đợt không kích của Mỹ trước đợt tiến công này cũng góp phần không nhỏ vào thiệt hại của IS."

Trả lời Arab News, ông và một số sĩ quan cho biết mục tiêu tiếp theo của quân đội Iraq là phía tây biên giới Iraq-Syria, khu vực trải dài hơn 600km.

Ông Khalaf nói: "Giành lại quyền kiểm soát biên giới đồng nghĩa với việc an ninh Iraq được đảm bảo. Tất cả rắc rối trong nhiều năm qua đều tới từ biên giới Syria."

"Mục tiêu tiếp theo của Thủ tướng Al-Abadi là điều hành biên giới Iraq. Bước đầu sẽ giải quyết khu vực nóng biên giới Iraq-Syria, sau đó là biên giới Iraq-Thổ Nhĩ Kì, và cuối cùng là những nơi còn lại," ông kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại