Sau khi nhận T-90, Việt Nam có nên cùng quân đội các nước ĐNÁ tổ chức đua xe tăng nội bộ?

Nam Đồng |

Trong thời gian tới, Lục quân các quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ được trang bị nhiều loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại và có độ cơ động rất cao.

Hãng thông tấn Sputnik của Nga cho biết, ông Kladov - người đại diện Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga tham dự Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 tổ chức ở Trung Quốc - đã thông báo rằng họ đang tiến hành công tác bàn giao các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK đầu tiên được chế tạo theo hợp đồng với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nếu quá trình trên diễn biến thuận lợi thì ngay đầu năm 2019, chúng ta sẽ có trong biên chế các chiến xa thế hệ 3 hiện đại và sánh ngang với những quốc gia khác trong khu vực như T-84 Oplot-T và VT4 của Thái Lan, Leopard 2RI của Indonesia, hay Leopard 2SG của Singapore...

Bên cạnh đó, một số quốc gia ASEAN khác như Myanmar cũng đang lên kế hoạch mua sắm xe tăng VT4 của Trung Quốc, hay Lào đang trong giai đoạn đánh giá để sớm tiến tới đặt hàng T-72B "Đại bàng trắng".

Sau khi nhận T-90, Việt Nam có nên cùng quân đội các nước ĐNÁ tổ chức đua xe tăng nội bộ? - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S Nga lắp ráp cho Việt Nam

Tuy nhiên có một vấn đề cần lưu ý ở đây, đó là mặc dù sở hữu xe tăng hiện đại nhưng khả năng làm chủ và vận hành nhuần nhuyễn đến mức khai thác hết mọi tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện là điều còn phải xem xét. Điều này đã được chứng minh phần nào qua giải đấu Tank Biathlon tổ chức tại Nga, khi các đội đua Đông Nam Á đều không đạt thứ hạng cao.

Trước tình hình trên, nên chăng khi lục quân ASEAN đã tương đối đồng đều về trang bị tăng thiết giáp thì hãy tổ chức một giải thi đấu nội bộ vừa nhằm giao lưu học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết, lại vừa giúp nâng cao trình độ điều khiển những con quái vật thép này.

Hiện tại cuộc thi đấu quân sự nổi tiếng nhất của Đông Nam Á chính là giải bắn súng quân dụng quân đội các quốc gia ASEAN - AARM tổ chức thường niên, thành công và kinh nghiệm từ AARM có thể sẽ rất hữu ích cho việc tổ chức giải đua xe tăng khu vực trong tương lai.

Sau khi nhận T-90, Việt Nam có nên cùng quân đội các nước ĐNÁ tổ chức đua xe tăng nội bộ? - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot-T của Lục quân Hoàng gia Thái Lan

Ngoài ra cũng cần nhắc thêm tới "truyền thống" của Đông Nam Á đó là khai sinh ra những cuộc thi đấu thể thao nội bộ khi nhận thấy thực lực của mình vẫn còn nằm trong "vùng trũng" mà Sea Games hay AFF Cup là những ví dụ điển hình.

Một giải đua xe tăng giữa quân đội các quốc gia ASEAN sẽ mang lại khá nhiều tác dụng như tăng cơ hội thi đấu cọ sát cho các kíp điều khiển, làm quen với áp lực khi phải tiến ra "biển lớn", hay đơn giản hơn chỉ là tìm hiểu rõ về tính năng kỹ chiến thuật phương tiện chiến đấu của nhau.

Nếu viễn cảnh trên trở thành hiện thực, có lẽ mô hình giải đấu Strong Europe Tank Challenger mà khối quân sự NATO áp dụng sẽ là hợp lý hơn so với Tank Biathlon theo kiểu Nga, khi quân đội mỗi nước sẽ mang xe tăng hiện đại nhất của mình tới tranh tài nhằm tìm ra nhà vô địch.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 của Quân đội Đức tại giải đấu Strong Europe Tank Challenger 2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại