Theo Bộ Quốc phòng Anh, hợp đồng trị giá 93 triệu bảng Anh (khoảng 118 triệu USD) sẽ giúp quân đội Anh nâng cao năng lực tác chiến của Starstreak trước các mối đe dọa trên không và mặt đất từ đối phương như máy bay không người lái, trực thăng và xe thiết giáp.
Nằm trong dự án phát triển vũ khí phòng không tương lai (F-ADAPT), gói nâng cấp trên bao gồm việc tích hợp các thiết bị ảnh nhiệt để Starstreak có thể hoạt động 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết và thiết bị nhận diện địch-ta.
Một tổ hợp Starstreak được lắp trên xe chiến thuật hạng nhẹ Pinzgauer.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Stuart Andrew cho biết, các hệ thống Starstreak nâng cấp sẽ được sớm đưa vào chương trình huấn luyện và triển khai tác chiến từ năm 2020 trở đi.
Các chuyên gia quân sự khẳng định, Starstreak của quân đội Anh là hệ thống tên lửa phòng không vác vai tầm thấp (MANPADS) độc đáo trên thế giới. Starstreak sử dụng cơ cấu dẫn đường bán chủ động bám chùm la-de so với hệ thống dẫn đường ảnh nhiệt chủ động truyền thống, giúp đạn tên lửa không thể bị gây nhiễu và khó bị phát hiện.
Đạn tên lửa có thể đạt tốc độ bay tới Mach 4 (gấp 4 lần tốc độ âm thanh), nhanh hơn bất kỳ đạn tên lửa MANPADS nào. Với bán kính tác chiến hiệu quả từ 300-7.000m, một khi tên lửa rời bệ phóng, mục tiêu gần như không còn thời gian phản ứng.
Đạn tên lửa bao gồm 3 đạn con làm từ hợp kim Vonfram có tỷ khối cao. Theo cơ chế kết hợp giữa xuyên phá và phá mạnh, khi đạn tên lửa đạt vận tốc cực đại, 3 đạn con được tách ra và lao tới mục tiêu rồi mới kích nổ đầu đạn.
Hiện nay, có khoảng 7.000 hệ thống Starstreak đang phục vụ trong quân đội Anh, Nam Phi, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Nhờ thiết kế nhỏ gọn (dài 1,3m, nặng 14kg), Starstreak có thể được vận hành bởi 1 người. Ngoài ra, một tổ hợp Starstreak cũng có thể được lắp trên xe chiến thuật để nâng cao tính cơ động.