Quân đội Ấn Độ thực hiện cải tổ sâu rộng

Hà Linh/Báo Tin tức |

Quân đội Ấn Độ đang trải qua cuộc cải tổ với nhiều bộ tư lệnh bị sáp nhập và được hiện đại hóa.

Vào tháng 12/2019, Chính phủ Ấn Độ bổ nhiệm Tướng Bipin Rawat là Tham mưu trưởng Quốc phòng đảm nhận vai trò kết nối cao nhất giữa quân đội và Chính phủ Ấn Độ. Tướng Bipin Rawat cũng nhận nhiệm vụ triển khai kết hợp Hải quân, Không quân và Lục quân.

Kể từ khi Ấn Độ độc lập, Không quân, Hải quân và Lục quân của nước này được cấu trúc dưới bộ chỉ huy hoạt động riêng rẽ. Kết quả là Ấn Độ hiện có 19 bộ chỉ huy quân sự.

Quân đội Ấn Độ sẽ thành lập “Bộ chỉ huy Bán đảo” vào cuối năm 2020. Kênh RT (Nga) cho biết Bộ chỉ huy phương Đông và Bộ chỉ huy phương Tây của Ấn Độ sẽ sáp nhập để “lãnh đạo Hải quân có thể giảm tập trung chỉ vào vùng Ấn Độ Dương và nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn".

Việc thành lập Bộ chỉ huy Bán đảo sẽ cần có nguồn lực bổ sung từ Không quân và Lục quân bao gồm đội chiến đấu cơ Sukhoi 30 mới.

Trước “Bộ chỉ huy Bán đảo”, Tướng Rawat tuyên bố về việc đến tháng 6/2020 hình thành bộ chỉ huy phòng không trực thuộc Không quân Ấn Độ.

Hiện tại còn có đề xuất thành lập một đến hai bộ chỉ huy quản lý khu vực biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc.

Việc cải tổ cấu trúc chỉ huy này là một trong những điều Thủ tướng Narendra Modi cam kết trong cuộc vận động tranh cử năm 2019. Ngoài việc cải tổ xã hội “Ấn Độ mới”, Thủ tướng Modi còn chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia.

Phản ứng dứt khoát của Thủ tướng Modi trong cuộc tấn công khủng bố tại Kashmir vào tháng 2 và các cuộc phóng thử tên lửa chống vệ tinh là những ví dụ minh chứng sức mạnh của Ấn Độ.

Ấn Độ có 5.400 km bờ biển và nằm trên Ấn Độ Dương, là điểm hàng hải chiến lược. Điều này tạo lợi thế địa chiến lược lớn cho Ấn Độ so với Trung Quốc – nước phụ thuộc nhiều và hàng hải để vận chuyển hàng hóa và đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Chính vị trí chiến lược này khiến Ấn Độ tuy sở hữu lực lượng hải quân nhỏ hơn nhưng lại duy trì cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.

Nhưng trong những năm gần đây, ảnh hưởng chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương cũng như việc thành lập căn cứ hải quân của quân đội Trung Quốc tại Djibouti được coi là dấu hiệu Ấn Độ có thể đánh mất lợi thế trong khu vực.

Các chuyên gia nhận định rằng việc Ấn Độ cải tổ cấu trúc quân sự không phải vì mục đích chuẩn bị cho chiến tranh mà đây là cách để New Delhi cân bằng sức mạnh trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại