Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Mỹ về thương vụ S-400

Thanh Bình |

Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cảnh báo Mỹ về hậu quả của việc gây sức ép đối với thương vụ S-400.

Việc Ankara mua tổ hợp S-400 của Moscow gây mâu thuẫn với Washington. (Ảnh: RIA)

Việc Ankara mua tổ hợp S-400 của Moscow gây mâu thuẫn với Washington. (Ảnh: RIA)

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ tiến hành phân tích kỹ thuật các tổ hợp S-400 của Nga về khả năng tương thích với vũ khí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ được biết ở Washington coi thương vụ này một vấn đề chính trị và từ chối thảo luận.

Theo ông Kalin, hai bên có thể giải quyết những vấn đề này thông qua một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

“Nhưng các chính trị gia Mỹ phải hiểu những vấn đề này nghiêm trọng như thế nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đề cập đến mối quan tâm sâu sắc nhất của chúng tôi về an ninh quốc gia. Quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ không được đưa ra trong một sớm một chiều”, ông Kalin nói.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm, nước này vẫn tin tưởng họ có thể có cả tên lửa Patriot của Mỹ và tổ hợp S-400 của Nga. Chỉ là các tổ hợp của Nga sẽ không được tích hợp vào hệ thống NATO.

Ông Kalin lưu ý, Mỹ cho rằng S-400 là mối đe dọa đối với F-35. “Chúng tôi đã tuyên bố hãy cùng nhau xem xét thương vụ này từ quan điểm kỹ thuật. Nhưng Mỹ từ chối và coi đó không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính trị.

Vậy vấn đề chính trị là gì, là chúng tôi mua vũ khí từ Nga? Chúng ta hãy thảo luận về điều này và các lựa chọn về cách có thể giải quyết cùng nhau”, ông Kalin giải thích.

“Chúng tôi đã có một số điểm bất đồng với Nga, nhưng chúng tôi có thể giải quyết tất cả thông qua đối thoại mang tính xây dựng. Tại sao chúng ta không thể làm điều tương tự với Mỹ?”, ông Kalin nhấn mạnh.

Đồng thời, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo rằng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể hoạt động theo cách thức xây dựng trong những vấn đề mà họ có thể làm giàu cho nhau hoặc ứng phó với những thách thức mà cả hai bên cùng quan tâm. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chính trị thuận lợi và vị thế tốt trong NATO.

Nhưng để một mối quan hệ như vậy hoạt động vì lợi ích của cả hai bên, nó phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Và Thổ Nhĩ Kỳ muốn thấy các hành động cụ thể từ các đồng minh.

Cho đến nay, thay vì đối thoại, Mỹ đã chọn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì quyết định mua S-400. Đầu tiên, Mỹ chặn cung cấp tiêm kích F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua trước đó. Tiếp đến, năm 2020, Mỹ bổ sung lệnh trừng phạt vào quan chức quốc phòng và ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, ép nước này từ bỏ S-400. Tuy nhiên, Ankara từ chối nhượng bộ và tiếp tục đàm phán về một lô S-400 bổ sung.

Vào giữa tháng 1/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar xác nhận rằng các bên đang tiếp tục đàm phán về việc cung cấp tổ hợp thứ hai của hệ thống phòng không S-400. Sau đó, đích thân nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố nước này đang thảo luận để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 thứ 2 của Nga.

Tổ hợp S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế. S-400, một phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300, là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S-500 ra đời.

Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40-120km với tên lửa 9M96; 250km với tên lửa 48N6; và tới 400km với tên lửa 40N6. S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600km và cao 40-50km; có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại