Quan chức cấp cao ê mặt vì chễm chệ trên tay cấp dưới khi đi thị sát lũ lụt

Diệp Anh |

Một quan chức cấp cao ở Ấn Độ đã bị dư luận chỉ trích gay gắt và bị cộng đồng mạng chế giễu thậm tệ khi để cấp dưới kiệu trên tay trong chuyến thị sát lũ lụt.

Ông Shivraj Singh Chouhan - thủ hiến bang Madhya Pradesh chính là người đang phải hứng chịu những lời đàm tiếu, chỉ trích gay gắt của dư luận sau khi chọn một cách xử lý thiếu tế nhị trong chuyến thị sát lũ lụt đến vùng Panna vào cuối tuần trước.

Thay vì cởi giày ra lội xuống nước cùng những quan chức cấp dưới, ông này lại chễm chệ ngồi trên tay của hai nhân viên cảnh sát để họ kiệu đi như một ông hoàng thời phong kiến trong khi mực nước trên đường khi đó chỉ đến mắt cá chân.

Chuyến thị sát vốn được cho là sẽ nâng cao uy tín của ngài thủ hiến trong lòng dân chúng bỗng chốc trở thành một chuyến đi "bão táp", chỉ vì cách ứng xử thiếu khôn ngoan (cũng có thể là đúng với bản chất) của ông Chouhan.

Phản ứng của dư luận

Ngay sau khi bức ảnh chụp lại cảnh ông này thản nhiên ngồi trên tay hai cảnh sát được tung lên mạng vào hôm 22/8, tiếng tăm của ông Chouhan bỗng "nổi như cồn" và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Quan chức cấp cao ê mặt vì chễm chệ trên tay cấp dưới khi đi thị sát lũ lụt - Ảnh 1.

Ảnh chế của cư dân mạng, bêu riếu ông Chouhan.

Trong bức ảnh, vị quan chức cấp cao này mặc quần trắng, áo trắng, đi giầy trắng, miệng cười tươi rói khi yên vị trên tay hai cảnh sát. Những quan chức khác đi tháp tùng trong chuyến đi cũng vui vẻ như thể đây là lẽ dĩ nhiên.

Bản thân ông Shivraj Singh Chouhan cũng đã đăng tải một số bức ảnh của mình trong chuyến đi thị sát lên mạng xã hội nhưng trong số đó, không có bức ảnh gây tranh cãi. Nhân viên làm việc tại văn phòng của ông này cũng phủ nhận không đăng tải bức ảnh trên.

Không ít người đã bày tỏ sự giận giữ, khó khi chứng kiến bức ảnh. "Ông ta đáng bị ném thẳng xuống nước", một cư dân mạng bày tỏ quan điểm gay gắt.

Một số ý kiến khác thì cho rằng vị quan chức này đã quá lạm dụng chức quyền. Thậm chí có người còn đem ông này ra so sánh với quan chức Anh quốc dưới thời Ấn Độ bị thực dân đàn áp để bình luận sôi nổi.

Quan chức cấp cao ê mặt vì chễm chệ trên tay cấp dưới khi đi thị sát lũ lụt - Ảnh 2.

Bức ảnh được cư dân mạng đem chế trong rất nhiều tình huống.

Không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội, bức ảnh "để đời" của ông Chouhan giờ đây còn được đăng tải ồ ạt trên các tờ báo lớn nhỏ ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.

Chưa dừng lại ở đó, một số người thậm chí đã dùng bức ảnh "gây bão" để chế lại, làm trò cười cho thiên hạ.

Một cư dân mạng để lại lời bình luận: "Thật vô sỉ. Ông anh hãy cứ để chân mình ước đi xem nào".

Cũng có người thì chế giễu vị lãnh đạo kèm theo tấm ảnh minh họa: "Ông ấy đang huấn luyện cho vận động viên chạy cự ly 400m của Ấn Độ để tham dự Thế vận hội 2020 đấy" hay "Ông ấy sợ bẩn đôi giày mới", "Bác ấy đang thị ‘thị sát’ trong không trung"...

Quan chức cấp cao ê mặt vì chễm chệ trên tay cấp dưới khi đi thị sát lũ lụt - Ảnh 3.

Ảnh chế cạnh các vận động viên điền kinh.

Trước làn sóng bày tỏ sự bất bình của dư luận, một quan chức thuộc văn phòng của thủ hiến bang Madhya Pradesh đã đứng ra giải thích cho lãnh đạo của mình rằng nếu để ông ta tự đi dưới nước, có thể sẽ rất nguy hiểm.

"Không ai biết chắc liệu mực nước có dâng lên đột ngột hay không. Mặt đường khi nước lũ rút đi rất trơn." Người này thậm chí còn phân bua thêm, rất có thể dưới nước sẽ có rắn, điều đó không an toàn cho ngài thủ hiến.

"Ông Chouhan rất muốn gặp gỡ những người dân chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên nhân viên an ninh đã không thể mạo hiểm với sức khỏe của ông ấy".

Quan chức cấp cao ê mặt vì chễm chệ trên tay cấp dưới khi đi thị sát lũ lụt - Ảnh 4.

Ảnh chế ông Chouhan thị sát trong không trung.

Theo thống kê của truyền thông địa phương, bang Bihar ở phía đông, bang Uttar Pradesh ở phía bắc và bang Madhya Pradesh ở miền trung Ấn Độ là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này.

Tính đến thười điểm hiện tại, đã có ít nhất 53 người thiệt mạng, hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng. Cơ quan khí tượng Ấn Độ dự báo trong những ngày tới trời sẽ còn tiếp tục mưa.

Năm 2013, một phóng viên truyền hình đưa tin về tình hình lũ lụt và lở đất ở Uttarakhand cũng từng khiến dư luận mạng xã hội phẫn nộ sau khi đoạn clip quay cảnh anh ta ngồi lên lưng một người dân địa phương và phát biểu trước ống kính máy quay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại