"Quân Ấn Độ có 3 sự lựa chọn: Rút lui, bị Trung Quốc bắt làm tù binh hoặc bị tiêu diệt"

Hải Võ |

Cựu Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Mumbai, Ấn Độ, ông Lưu Hữu Pháp cảnh báo trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

Phát biểu trên CCTV, ông Lưu Hữu Pháp tái khẳng định lập trường của chính phủ Trung Quốc, cáo buộc cuộc đối đầu giữa quân đội Trung Quốc-Ấn Độ đang diễn ra ở vùng biên giới Sikkim là do binh sĩ Ấn "vượt biên" để ngăn cả phía Trung Quốc xây dựng một con đường.

Ông Lưu tuyên bố, "khi quân nhân vượt qua biên giới vào một nước khác thì họ đã trở thành kẻ địch. Chỉ cho 3 hậu quả chờ đợi họ: Rút quân, bị bắt làm tù binh, hoặc nếu căng thẳng leo thang thì phải tiêu diệt họ".

"Trung Quốc hy vọng Ấn Độ lý trí và lựa chọn phương án đầu tiên," ông nói.

Quân Ấn Độ có 3 sự lựa chọn: Rút lui, bị Trung Quốc bắt làm tù binh hoặc bị tiêu diệt - Ảnh 1.

Ông Lưu Hữu Pháp (Ảnh: China.com)

Trong khi đó, một khách mời khác của CCTV, ông K.J.M. Varma - đại diện hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) tại Bắc Kinh, cho rằng ngoài các tình huống do ông Lưu Hữu Pháp đề cập, vẫn còn khả năng thứ tư là tình trạng hiện nay sẽ được duy trì dai dẳng.

Theo ông Varma, quân đội Ấn Độ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra quyết định có lui binh hay không.

Ông Lưu cảnh báo rằng Bắc Kinh "không muốn sự việc này trở thành vật cản trong quan hệ hai nước" và "Trung Quốc đã để cho Ấn Độ đủ thời gian để xử lý tình hình".

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 19/7 cho hay, Quân giải phóng nhân dân (PLA) đã vận chuyển (hàng chục ngàn tấn) thiết bị quân dụng đến khu vực Tây Tạng. Đây là nội dung của cuộc tập trận cơ động, như một động thái phô trương sức mạnh để cảnh cáo Ấn Độ về tranh chấp ở cao nguyên Doklam/Donglang.

Theo báo PLA Daily của quân đội Trung Quốc, việc gia tăng hậu cần không xuất hiện ở khu vực biên giới Sikkim đang căng thẳng, mà tập trung ở phía Bắc Tây Tạng, gần Tân Cương. Nhưng với hệ thống đường cao tốc và đường sắt phát triển của mình, "khoảng cách 700 km (từ Tây Tạng đến biên giới Trung-Ấn) có thể vượt qua chỉ trong 6,7 tiếng đồng hồ".

Cuộc tập trận ở Tây Tạng có sự tham gia của "hàng nghìn người và hàng trăm sẽ tạo thành nhiều nhóm tiến theo đường quốc lộ và đường sắt", "đội xe kéo dài đến 10 km".

Quân Ấn Độ có 3 sự lựa chọn: Rút lui, bị Trung Quốc bắt làm tù binh hoặc bị tiêu diệt - Ảnh 2.

Đội xe Trung Quốc trong cuộc huấn luyện tiếp tế hậu cần (Ảnh: PLA Daily)

Long Xinchun, nhà phân tích sự vụ Nam Á thuộc Đại học sư phạm Tây Hoa, Trung Quốc nói với SCMP rằng Bắc Kinh cần gia tăng sức ép lên Ấn Độ và tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc tế.

"Nếu Ấn Độ không rút quân, Bắc Kinh phải tăng cường lực lượng quân sự trên biên giới và không loại trừ tình huống giao tranh," ông Long nói. "Hiện nay, giải pháp giữ được thể diện cho cả Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan là Bhutan đề nghị Ấn Độ rút lực lượng, còn Trung Quốc tạm dừng việc xây đường ở Donglang."

Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách Đối ngoại Ấn Độ, ông Subrahmanyam Jaishankar trình bày trước các nghị sĩ nước này hôm thứ Ba, 19/7, rằng New Delhi muốn dàn xếp căng thẳng với Bắc Kinh bằng giải pháp ngoại giao.

"Jaishankar nói với chúng tôi rằng sự hung hăng và lớn tiếng của Trung Quốc trong cuộc đối đầu gần đây là bất thường," một nghị sĩ Ấn Độ cho biết.

Giữa Trung Quốc và Ấn Độ tồn tại nhiều tranh chấp hàng thập kỷ qua trên đường biên giới dài gần 3.500 km, trong đó có 220 km đi qua vùng Sikkim, dù tình hình hiện nay được đánh giá chung là ổn định. Cuộc giằng co giữa quân đội hai nước ở Sikkim đã kéo dài từ đầu tháng 6 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại