Tướng Mỹ: 20 triệu dân Seoul thường trực trong tầm ngắm của 20.000 pháo Triều Tiên

Tất Đạt |

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhiều lần khẳng định, một cuộc chiến tổng lực với Triều Tiên sẽ là "đại họa" với toàn thế giới.

Bài học lịch sử ở bán đảo Triều Tiên

Nếu xảy ra, cuộc chiến này sẽ lấy đi sinh mạng của hàng triệu người. Ông Mattis nhắc lại thảm kịch năm 1953, khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng lệnh ngừng bắn, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng trước, tướng Mattis dự đoán phần thắng trong cuộc chiến với Triều Tiên sẽ nghiêng về Mỹ và đồng minh Hàn-Nhật, nhưng thiệt hại "không thể ước tính nổi."

Khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc ngày 27/7/1953, gần 3 triệu người - cả quân đội và dân thường - đã thiệt mạng, trong đó có 36.574 binh lính Mỹ.

Ông Michael O'Hanlon, một chuyên gia đối ngoại cho biết, trong hơn 60 năm nay Lầu Năm Góc và Hàn Quốc tập trung chống lại mối đe dọa đến từ Triều Tiên, chứ không phải xây dựng lực lượng để chiến tranh với quốc gia này.

Kế hoạch phòng thủ Hàn Quốc của Lầu Năm Góc, có tên gọi "OPLAN 5027" được cập nhật thường xuyên, trong đó có chương trình triển khai và tập hợp nhanh chóng đội quân 28.500 lính Mỹ và khoảng 500.000 lính Hàn Quốc trong trường hợp phải chống đỡ 1 triệu quân của Triều Tiên.

Tướng Mỹ: 20 triệu dân Seoul thường trực trong tầm ngắm của 20.000 pháo Triều Tiên - Ảnh 1.

Một cuộc tập trận của pháo binh Triều Tiên.

Từ năm 1953, Mỹ chỉ có 1 lần "suýt" dội bom xuống khu vực nhà máy hạt nhân mới thành lập của Triều Tiên vào năm 1994. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông William Perry, nhận định rằng làm như vậy sẽ kích động Bình Nhưỡng trả đũa lên Hàn Quốc, nên đã yêu cầu hủy lệnh bắn.

Tình hình hiện tại cũng khá giống với vụ việc quá khứ, tuy nhiên diễn biến lại phức tạp hơn khá nhiều, nếu tính đến cả việc Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tuyên bố có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho những vụ thử tên lửa tới.

Mối lo thực sự

Mối lo ngại thực sự Triều Tiên đem tới lại đến từ đội pháo binh được bố trí dọc khu vực phi quân sự ở biên giới, có khả năng nhắm bắn đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Cựu Phó chỉ huy quân đội Mỹ tại Châu Âu, tướng Chuck Wald, nói với tờ Washington Examiner: "Tùy thuộc vào cách tính khác nhau, họ (Triều Tiên) có khoảng 8.000 đến 20.000 khẩu pháo đặt cách Seoul gần 50km. Dù không ưa gì Triều Tiên, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng việc lắp đặt một lượng áp đảo súng ống như vậy là một chiến lược khôn ngoan."

Nhiều khẩu pháo và bệ phóng tên lửa được thiết kế dọc sườn đồi, vách núi, giúp chúng có thể lui về ngụy trang sau khi bắn. Nếu muốn hạ Triều Tiên, trước hết phải hạ gục hệ thống pháo ở biên giới, trước khi Bình Nhưỡng kịp biến Seoul thành "chảo lửa".

Theo ông Mattis, chính những vũ khí công nghệ thấp này mới là mối lo ngại hàng đầu từ phía Triều Tiên, chứ không phải vũ khí hạt nhân.

"Khi chiến tranh xảy ra, nơi chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất sẽ là Seoul, một trong những thành phố đông đúc nhất trên thế giới."

Chiến tranh sẽ là thảm họa

Giáo sư Stephen Biddle, giảng viên chiến lược tại Đại học George Washington, cho biết cuộc chiến với loại vũ khí này không khác gì cuộc đua với thời gian. Câu hỏi quan trọng nhất là: Triều Tiên sẽ bắn được bao nhiêu đợt trước khi đạn pháo của họ bị phá hủy hết?

Hàn Quốc, nhận thức rõ về mối đe dọa đó, đã triển khai một hệ thống trú bom khắp thủ đô Seoul, trên lý thuyết có thể đáp ứng đủ chỗ cho mọi cư dân tới lánh nạn trong vài ngày đầu.

Tướng Mỹ: 20 triệu dân Seoul thường trực trong tầm ngắm của 20.000 pháo Triều Tiên - Ảnh 2.

Lễ diễu binh tại Bình Nhưỡng.

Nhà phân tích Michael O'Hanlon của Viện Brookings còn cho biết thêm, bên cạnh việc vô hiệu hóa mối đe dọa từ đạn pháo, chống đỡ các đợt tấn công hạt nhân lại là một nhiệm vụ khó khăn khác.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc được chuẩn bị cho viễn cảnh đó, và một khi đã ngăn chặn được tên lửa từ Triều Tiên, Mỹ có thể tấn công trực tiếp vào Bình Nhưỡng để ngừng cuộc chiến, giảm thiểu thương vong.

Một nhân tố khác trong cuộc chiến này: Trung Quốc. Việc Bắc Kinh ngồi yên theo dõi cuộc chiến này dường như là điều không thể.

Ông O'Hanlon nói thêm: "Trung Quốc chắc chắn sẽ điều quân tới Triều Tiên, nhưng họ sẽ không chĩa súng về phía chúng ta, họ có thể sẽ đổ bộ xuống miền Bắc của Triều Tiên để tạo thế đòn bẩy, giúp kết thúc cuộc chiến nhanh hơn."

"Nếu Triều Tiên cho thấy một ý định rõ ràng rằng sẽ phóng một ICBM có gắn đầu đạn hạt nhân hướng tới Mỹ, có khả năng cao Mỹ sẽ đành để Hàn Quốc chịu thương vong. Rất khó để kết thúc cuộc chiến tầm cỡ này mà có ít thiệt hại về người." Ông Biddle kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại