Sinh sống trong kỷ Cổ Cận (Paleogen) cách đây 58 đến 60 triệu năm, Titanoboa là "quái vật" rắn khổng lồ nhất từng tồn tại trong lịch sử Trái Đất.
Dài 12,8 mét, nặng 1.135 kg, Titanoboa cerrejonensis chính là rắn lớn nhất từng được tìm thấy trong lịch sử. Trước đó, kỷ lục này được loài rắn Gigantophis garstini sống cách đây 40 triệu năm ở khu vực Bắc Sahara nắm giữ.
Cuộc thám hiểm kiếm tìm những hóa thạch của sinh vật cổ đại khổng lồ này cách đây hàng chục năm của các nhà cổ sinh vật học đã diễn ra như thế nào? Họ đã trải qua những khó khăn gì để một lần nữa xác lập đúng đắn về loài rắn lớn nhất trong lịch sử?
HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ HÓA THẠCH LOÀI RẮN LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ TRÁI ĐẤT
Titanoboa là "quái vật" rắn khổng lồ nhất từng tồn tại trong lịch sử Trái Đất. Ảnh: Pinterest
- Tên hóa thạch: Titanoboa cerrejonensis
- Năm công bố phát hiện chính thức: 2009
- Địa điểm: Vùng than Cerrejón, khu vực Đông Bắc Colombia.
Tại vùng nhiệt đới thấp ở phía đông bắc Colombia, cách bờ biển Caribe 96 km, các nhà khoa học tìm đến vùng mỏ than tự nhiên Cerrejón - Nơi được đánh giá là địa điểm lưu giữ một hệ sinh thái nhiệt đới cổ đại hoàn chỉnh nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
58 triệu năm trước, chỉ một vài triệu năm sau sự kiện khủng long bị tuyệt chủng, Cerrejón là một rừng đầm lầy ấm nóng, với thảm thực vật phong phú, khổng lồ.
Kẻ thống trị rừng đầm lầy xanh mướt này không phải là loài rùa và cá sấu to lớn trú ngụ ở lưu vực dòng sông mà là loài rắn khổng lồ nhất Trái Đất có tên Titanoboa cerrejonensis.
Việc tìm kiếm quái vật của kỷ Cổ Cận nhen nhóm từ năm 1994 khi nhà địa chất học người Colombia Henry Garcia tìm thấy một mẫu vật hóa thạch kỳ lạ.
Đến năm 2003, Fabiany Herrera, sinh viên ngành địa chất học tại Đại học Công nghiệp Santander (Colombia) trong chuyến đi thực địa đã đến vùng mỏ than Cerrejón. Fabiany Herrera tình cờ nhặt lên một miếng đá và cảm thấy nơi đây ẩn chứa những bí mật khổng lồ.
Cùng năm, Fabiany Herrera được sự hỗ trợ của rất nhiều nhà nghiên cứu đã trải qua khoảng thời gian 4 tháng tại Cerrejón, thu thập được hơn 2.000 mẫu thực vật tại đây.
Nhà nghiên cứu cổ sinh vật Scott Wing, quản lý hóa thạch tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian (Mỹ), khi nhìn những mẫu hóa thạch đã nghi ngờ tại khu vực này ẩn chứa hóa thạch của sinh vật khổng lồ.
Năm 2004, họ tìm được các mẫu vật xương hóa thạch của loài rùa và cá sấu khổng lồ từng sống tại đây.
Quá trình kiếm tìm tiếp tục đến năm 2007, một sinh viên của trường Đại học bang Florida (Mỹ) Alex Hastings trong team đã kiếm tra lại mẫu hóa thạch dán nhãn "cá sấu" và nhận thấy điểm bất thường.
"Đó là hóa thạch của một con rắn", Alex Hastings nhận định. Cả team bắt đầu nghiên cứu lại hóa thạch và quay trở lại khu vực đã phát hiện mẩu xương này để tìm kiếm.
Sau hàng chục mẩu xương tìm thấy được, họ kết nối dữ liệu và xác định được đó là hóa thạch của loài rắn khổng lồ nhất từng tồn tại trong lịch sử: Titanoboa cerrejonensis (tên khoa học này có nghĩa là con rắn lớn của vùng Cerrejón).
So sánh kích thước của Titanoboa với một người cao 1,8m. Ảnh: Smithsonianmag.com
Đầu năm 2009, trên Tạp chí Nature, nhóm khoa học công bố chỉ số cơ thể to lớn của Titanoboa, theo đó, Titanoboa phá vỡ kỷ lục mà loài rắn Gigantophis garstini từng xác lập.
Các nhà khoa học xác định: Titanoboa cerrejonensis là kẻ đứng đầu trong chuỗi thức ăn tại rừng đầm lầy Cerrejón. Nó ăn cá, ăn cả rùa và cá sấu khổng lồ.
Những điều kiện nhiệt độ, môi trường và nguồn thức ăn thuận lợi có thể là những yếu tố "nuôi dưỡng" cho loài rắn này có kích thước ngoại cỡ đến vậy.
Mô hình rắn khổng lồ Titanoboa tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian (Mỹ). Ảnh: Our Planet.
Trong tương lai, rất có thể các nhà khoa học lại có những khám phá mới về những sinh vật khổng lồ thời cổ đại. Rất có thể lại có một loài rắn khổng lồ khác, phá vỡ kỷ lục mà Titanoboa cerrejonensis từng xác lập!
Bài viết sử dụng nguồn: Smithsonianmag.com