"Quái vật" Hwasong-15
Trong bài viết trên tờ Defense One, nhà phân tích Joe Cirincione nhận định, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mà Triều Tiên thử nghiệm hôm 29/11 vừa qua đích thực là… một con "quái vật".
Nhiều người so sánh nó với Titan II – mẫu ICBM do Mỹ phát triển để mang được các quả bom hydro lớn nhất, với sức công phá hàng megaton, tấn công các mục tiêu trong phạm vi một nửa bán cầu.
Chuyên gia tên lửa Mike Elleman tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế gọi đây là "một bước tiến đáng kể trong năng lực tấn công Mỹ của Triều Tiên".
Mặc dù vẫn còn những nghi vấn về động cơ của tên lửa Triều Tiên nhưng theo ông Elleman, "có vẻ Hwasong-15 có thể mang theo một đầu đạn nặng 1.000kg vươn tới bất cứ điểm nào trên lục địa Mỹ".
"Gần như chắc chắn Triều Tiên đã phát triển được một đầu đạn hạt nhân nặng gần 700kg" – ông Elleman viết trên website 38 North.
Vụ bắn thử được Triều Tiên tiến hành vào ban đêm, sử dụng bệ phóng di động, "mô phỏng các điều kiện tác chiến mà Triều Tiên sẽ áp dụng nếu nổ ra chiến tranh" – học giả Mira Rapp-Hopper, đến từ Harvard, viết trên Defense One.
"Nói chung, tên lửa Triều Tiên ngày càng tinh vi, tăng khả năng sống sót và có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ lục địa Mỹ", bà Rapp-Hopper kết luận, "tuy nhiên, xét từ quan điểm chiến lược thì cuộc thử nghiệm mới nhất (của Triều Tiên) chưa phải là nhân tố ‘thay đổi cuộc chơi’".
Nhận định trên có lẽ đúng nếu xét tới tầm bắn xa hơn và động cơ mạnh hơn của tên lửa Hwasong-15.
Trong vụ thử nghiệm đầu tiên hôm 4/7, ICBM của Triều Tiên đã bay hơn 4.000 dặm và có thể đặt Hawaii, cũng như Alaska vào tầm bắn.
Trong vụ thử nghiệm thứ hai hôm 28/7, tên lửa có thể bay hơn 6.000 dặm, đặt Tây duyên hải và Trung Tây Hoa Kỳ vào tầm bắn.
Cuộc thử nghiệm mới nhất cho thấy ICBM của Triều Tiên có khả năng bay hơn 8.000 dặm. Trong khi đó, thủ đô Washington của Mỹ chỉ cách Bình Nhưỡng chưa đầy 7.000 dặm.
Với những con số này, Hwasong-15 có thể mang lại mối đe dọa gia tăng dành cho Mỹ, tuy nhiên, nó sẽ mang tính biểu tượng và thiên về tác động tâm lý hơn là mang ý nghĩa chiến lược.
Phần đầu của tên lửa là nhân tố thay đổi mọi thứ. Những bức ảnh dưới đây, được công bố sau khi Rapp-Hopper đưa ra nhận định trên, đã cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng cạnh một xe mang phóng tự hành (TEL) mới, có kích cỡ "khổng lồ". Dễ thấy phần chóp hình nón ở đầu tên lửa rất lớn và tù.
Tên lửa Hwasong-15 rời bệ phóng
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwasong-15
Ngay cả quan sát bằng mắt thường cũng nhận thấy được rằng, tên lửa này có thể mang theo nhiều vật thể có kích cỡ to bằng… ông Kim trong phần chóp hình nón. Trong khi đó, các đầu đạn hạt nhân tiêu chuẩn thường có kích cỡ bằng một người trung bình hoặc nhỏ hơn.
Loại bom hydro mà Triều Tiên tung ra trước khi tiến hành vụ thử hạt nhân gần đây nhất tối thiểu cũng có kích cỡ này.
Điều đó cho thấy Triều Tiên hiện giờ đã có khả năng triển khai tên lửa mang nhiều đầu đạn, mặc dù đây không phải là công nghệ mới.
Người Mỹ đã có tên lửa đa đầu đạn từ đầu những năm 1960. Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Polaris A-3 đã mang được 3 quả bom có sức công phá 200 kiloton chứa trong một đầu đạn được thiết kế đặc biệt, ban đầu gọi là "cluster warhead" (đầu đạn chùm). Người Anh cũng sử dụng tên lửa Polaris với cấu hình tương tự.
Tên gọi trên sau này được đổi thành Multiple Re-Entry Vehicle hay MRV (Tạm dịch: phương tiện tái nhập khí quyển đánh nhiều mục tiêu).
W-58, đầu đạn của tên lửa Polaris, chỉ dài 1m, có đường kính 40cm và nặng 117kg. Tất nhiên, vào thời điểm mà đầu đạn này được triển khai (1964), Mỹ đã tiến hành 295 cuộc thử nghiệm hạt nhân, trong đó có 105 vụ thử nghiệm trên mặt đất tại Thao trường Thái Bình Dương ở quần đảo Marshall.
Vì vậy, chỉ với 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân tính đến nay, chúng ta chưa thể biết được liệu Triều Tiên có thể chế tạo một loại đầu đạn mạnh và có kích cỡ nhỏ như vậy hay không.
Tuy nhiên, họ cũng không nhất thiết phải chế tạo loại đầu đạn này. Với thiết kế hiện nay, Triều Tiên có thể lắp vừa 3 đầu đạn vào phần đầu tên lửa Hwasong-15. Chúng có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Mỹ.
4 tên lửa đa đầu đạn "chấp" 44 tên lửa đánh chặn
Theo kế hoạch của Mỹ, để đánh chặn 1 đầu đạn thì cần bắn 4-5 tên lửa. Với 44 tên lửa đánh chặn được triển khai hiện nay, chuyên gia phân tích Jeffrey Lewis tại Viện Middlebury đã "giễu cợt" rằng, tốt hơn hết Washington nên hy vọng Triều Tiên chỉ có 11 tên lửa, bởi tên lửa thứ 12, nếu có, chắc chắn sẽ qua mặt được hàng phòng thủ của Mỹ.
Như vậy, với 3 đầu đạn trên mỗi tên lửa, Triều Tiên sẽ chỉ cần 4 tên lửa để áp đảo hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Mỹ có thể tăng gấp đôi số tên lửa đánh chặn nhưng Triều Tiên cũng có thể tăng gấp đôi số tên lửa của họ, thậm chí với chi phí rẻ hơn nhiều, cũng như dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ngay cả khi chỉ tăng cường thêm mồi bẫy và các biện pháp đối phó đơn giản, Triều Tiên cũng có thể tự tin rằng họ có thể gây nhiễu, "làm mù", đánh lừa hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Nói chung, đây là một cuộc chiến mà hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không thể giành phần thắng.
Tên lửa Hwasong-15 và tên lửa Hwasong-14 (bên phải) của Triều Tiên.
Ở đây, một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Mỹ phải dùng nhiều tên lửa như vậy để đánh chặn một đầu đạn?
Kế hoạch "đánh chặn 1 đầu đạn bằng 4-5 tên lửa" được dựa trên kết quả của những cuộc thử nghiệm mà Mỹ đã tiến hành cho đến nay. Trong 18 vụ thử, chỉ có 9 vụ tên lửa đánh trúng mục tiêu.
Theo ông Cirincione, nếu 1 tên lửa đánh chặn chỉ có xác suất 50% đánh trúng mục tiêu thì 2 tên lửa đánh chặn có thể nâng mức này lên 75%, 3 tên lửa => 87,5%, 4 tên lửa => 93,75%, 5 tên lửa => 96,875%.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã nhầm lẫn khi tuyên bố rằng tên lửa đánh chặn của Mỹ có khả năng bắn hạ tên lửa mục tiêu với xác suất 97%.
Tuy nhiên, việc tin vào xác suất "gần như tuyệt đối" của 1 tên lửa đánh chặn hay việc tin vào khả năng bảo vệ của 5 tên lửa đánh chặn đều là sai lầm.
"Cứ cho là một tên lửa bị hỏng thì vẫn còn những tên lửa khác. Nhưng trên thực tế, nếu một tên lửa đánh chặn gặp trục trặc vì lỗi thiết kế thì nhiều khả năng các tên lửa còn lại cũng sẽ gặp trục trặc vì lý do này" – chuyên gia James M. Acton tại Viện hòa bình quốc tế Carnegie Endowment cho hay.
Chúng ta đã có những ví dụ thực tế cho vấn đề này. Gần đây, Saudi Arabia đã bắn 5 tên lửa Patriot của Mỹ để đánh chặn 1 tên lửa tầm ngắn đang nhằm vào sân bay Riyadh. Họ tuyên bố đã đánh chặn thành công tên lửa của Yemen nhưng không có bằng chứng nào chứng minh được.
Một phân tích độc lập gần đây cho thấy có vẻ cả 5 tên lửa này đã thất bại do những hạn chế về thiết kế của hệ thống Patriot và sự phức tạp của tên lửa mục tiêu.
Trong khi đó, ngoài đầu đạn, phần chóp hình nón ở đầu tên lửa Hwasong-15 có đủ không gian để chứa mồi bẫy, các thiết bị gây nhiễu, cùng nhiều thiết bị đối phó khác.
Cần nhắc lại rằng tên lửa Polaris, với kích cỡ nhỏ hơn nhiều, đã mang theo các thiết bị hỗ trợ xâm nhập, ngay cả khi Moscow chưa triển khai bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Liệu Triều Tiên có thể chế tạo các trang thiết bị đối phó với hệ thống phòng thủ hay không? Gần như chắc chắn là có.
Theo một tài liệu tình báo năm 1999, bất cứ quốc gia nào đủ khả năng thử nghiệm tên lửa tầm xa đều "dựa vào các công nghệ sẵn có ban đầu để phát triển các phương thức đối phó và hỗ trợ xâm nhập".
Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ hiệu quả tới mức nào trước mối đe dọa này? Hiện Washington không có cơ sở để tự tin.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của họ chưa bao giờ trải qua các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt và thực tế. Chẳng hạn, mới có 1 lần duy nhất hệ thống GMD thử nghiệm vào ban đêm nhưng bắn trượt mục tiêu. Mỹ cũng chưa từng thử nghiệm GMD để chống lại các biện pháp đối phó thực tế từ đối phương.
Theo nhà phân tích Cirincione, hãy so sánh việc này với cách mà doanh nghiệp Mỹ phát triển các sản phẩm công nghệ cao của họ.
General Motor đang thử nghiệm mẫu xe tự động mà họ dự định giới thiệu trong vài năm tới trên các con đường ở San Francisco và Denver.
"Thay vì thử nghiệm mẫu xe này trên các tuyến đường khép kín hoặc khu ngoại ô thông thoáng, General Motor lại lựa chọn thử nghiệm sản phẩm của mình trong môi trường mà chúng sẽ được sử dụng sau này" – tờ Washington Post viết.
Ông Cirincione cho rằng, để đạt hiệu quả cao hơn, các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ cũng cần được cọ xát theo cách tương tự như General Motor đang thử nghiệm mẫu xe của họ vậy.
Quân đội Hàn Quốc tập trận đáp trả vụ Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017