Lần thứ hai ông Tập công khai nói về tình hình ở Hồng Kông
Vào ngày 14/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về Hồng Kông khi đang tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, được tổ chức ở Brazil.
Theo hãng thông tấn chính thức Trung Quốc Tân Hoa Xã, tại hội nghị này, ông Tập Cận Bình đã thể hiện lập trường nghiêm minh của chính phủ Trung Quốc về tình hình Hồng Kông hiện nay.
"Các hành vi tội phạm bạo lực dai dẳng ở Hồng Kông đã chà đạp nghiêm trọng luật pháp và trật tự xã hội, làm suy yếu nghiêm trọng sự thịnh vượng, ổn định của Hồng Kông và thách thức nghiêm trọng giới hạn của nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Ngăn chặn bạo loạn, khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách nhất của Hồng Kông hiện nay", hãng thông tấn Trung Quốc dẫn lời ông Tập.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết ủng hộ Trưởng đặc khu [Carrie Lam] dẫn dắt chính quyền đặc khu Hồng Kông thực thi chính sách theo pháp luật, kiên quyết ủng hộ cảnh sát Hồng Kông nghiêm minh thực thi pháp luật, kiên quyết ủng hộ cơ quan Tư pháp Hồng Kông trong việc trừng phạt phần tử tội phạm bạo lực.
Ông Tập Cận Bình phát biểu về Hồng Kông khi tham dự thượng đỉnh BRICS. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngoài ra, người đứng đầu Trung Nam Hải cho biết thêm, quyết tâm kiên định của chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, quán triệt phương châm "một quốc gia, hai chế độ" và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của các lực lượng bên ngoài vào Hồng Kông đều không lay chuyển.
Sự khác biệt trong phát biểu của nhà lãnh đạo TQ
Đây là lần thứ hai Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ quan điểm về tình hình ở Hồng Kông. Trước đó, trong cuộc gặp với bà Carrie Lam vào ngày 4/11, khi nói về tình hình ở Hồng Kông, ông nhấn mạnh rằng, ngăn chặn bạo loạn, khôi phục trật tự là nhiệm vụ quan trọng nhất của Hồng Kông.
"Ngăn chặn bạo loạn, khôi phục trật tự vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất ở Hồng Kông hiện nay. Ngăn chặn và trừng phạt hoạt động bạo lực theo luật pháp là để bảo vệ hạnh phúc của quần chúng nhân dân Hồng Kông; việc này cần kiên định phải vững vàng. Đồng thời, chính quyền Hồng Kông phải làm tốt công tác đối thoại với các giới trong xã hội và cải thiện cuộc sống nhân dân", Chủ tịch Trung Quốc phát biểu.
Đáng chú ý, giới quan sát đã phát hiện ra một vài điểm khác biệt giữa hai phát ngôn công khai của ông Tập về Hồng Kông.
Đó chính là, trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, "ngăn chặn bạo loạn, khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách nhất của Hồng Kông hiện nay", cụm từ "cấp bách nhất" đã được sử dụng. Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 4/11, cụm từ "quan trọng nhất "đã được sử dụng.
Giới phân tích cho rằng, chỉ hai chữ khác biệt nhưng đã cho thấy, trong bối cảnh, cục diện Hồng Kông leo thang, tình trạng bạo lực lan vào các trường học và xuất hiện thương vong, Bắc Kinh đã thể hiện yêu cầu mạnh mẽ hơn nữa đối với đội ngũ quản lý Hồng Kông, cũng như tăng cường sự ủng hộ chắc chắn nhất đối với chính quyền đặc khu trong quá trình ổn định tình hình.
Thứ hai, trong tuyên bố mới nhất, ông Tập đề cập rằng "quyết tâm kiên định phản đối sự can thiệp của bất kỳ lực lượng bên ngoài nào vào vấn đề Hồng Kông là không lay chuyển". Tuyên bố đầu tiên không nhắc đến điều này.
Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, điều này cho thấy, phát biểu này của ông Tập không chỉ dành cho đội ngũ quản lý Hồng Kông mà còn để cảnh báo thế lực bên ngoài có ý định can thiệp vào vấn đề Hồng Kông.
Ngoài tuyên bố của ông Tập, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đề xuất một mục tiêu mới cho Hồng Kông trong quyết định của Hội nghị trung ương 4 vừa qua như yêu cầu chính quyền trung ương phải kiện toàn chế độ quyền quản lý toàn diện áp dụng đối với đặc khu hành chính đặc biệt theo Hiến pháp và Luật cơ bản; hoàn thiện chế độ và cơ chế bổ nhiệm, bãi nhiệm của trung ương đối với Trưởng đặc khu và quan chức chính của đặc khu v.v...
Hồng Kông vài ngày qua đã ghi nhận tình trạng bạo lực gia tăng. Chính quyền bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã phải họp khẩn vào tối qua 13/11 để thảo luận về các phương án giải quyết tình trạng hỗn loạn đang xảy ra.
Binh lính quân đội Trung Quốc đồn trú ở Hồng Kông cũng có động thái hiếm khi mặc trang phục chống báo động trong phiên canh gác thay vì quân phục thường như mọi khi.
Bên cạnh đó, tối ngày 13/11 (giờ địa phương), Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ đã chỉ trích chính quyền Hồng Kông lạm dụng "vũ lực quá mức" khi trấn áp những người biểu tình; đồng thời, ủy ban này cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch thắt chặt kiểm soát đối với Hồng Kông của chính quyền Bắc Kinh và cảnh báo Trung Nam Hải có thể chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế nếu có ý định gây ảnh hưởng đến tự do của Hồng Kông.