Quả báo của thư sinh đặt điều hại chết vợ bạn và bài học cần phải khắc cốt ghi tâm

Trần Quỳnh |

Có đôi khi, người ta thường lấy sự thẳng thắn ra để làm bình phong cho những lời lẽ tiêu cực của mình mà không hay biết rằng chúng có thể đem tới những hậu quả khôn lường.

Câu chuyện về chàng thư sinh dưới đây chính là minh chứng cho điều này.

Quả báo đích đáng cho người thư sinh hay đặt điều

Năm xưa ở phủ Thái Bình (Trung Quốc) thuộc thời nhà Thanh, có một người thư sinh họ Chu nổi tiếng thích mỉa mai, đàm tiếu về khuyết điểm của người khác.

Họ Chu này có một bằng hữu hết sức thân thiết, vợ của người đó là tài nữ nổi danh xinh đẹp, dù nhìn qua phong thái có chút phong lưu nhưng thực tế chưa từng đi quá giới hạn với bất kỳ một người nào.

Một ngày nọ, thư sinh họ Chu ngồi uống rượu với bạn mình, bỗng nhiên làm như tình cờ mà hỏi:

"Người anh em đây quả thật rộng lượng, tại sao bị vợ với người ngoài cắm sừng mà không hề so đo, còn rảnh rang ngồi đây uống rượu dùng cơm với tôi thế này?".

Người bằng hữu kia kinh ngạc không hiểu, họ Chu nói tiếp:

"Phu nhân nhà anh ở ngoài thản nhiên cười nói tình tứ với người khác, ai ai cũng thấy, chẳng lẽ anh vẫn không hề biết gì hay sao?".

Nói đến đây, thư sinh họ Chu hồ hởi vén hai tay áo của mình lên, đem hết vốn liếng câu chữ ra mà đặt điều, chê bai vợ của bạn mình.

Người bằng hữu thấy anh ta ăn nói hàm hồ, liên tục tìm cớ phạt rượu. Nào ngờ thư sinh họ Chu thấy vậy thì càng mạnh miệng:

"Anh cũng thật chẳng biết trân trọng người thật thà với mình. Tôi đây là một nam tử hán ăn ngay nói thật quen rồi, tuyệt đối không thể sống tầm thường theo kiểu muốn nói mà lại không dám nói như ai đó vậy".

Nghe xong câu ấy, người bằng hữu kia đỏ mặt, giận dữ bỏ về nhà. Vợ anh ở nhà nghe được câu chuyện này liền uất hận mà qua đời ngay sau đó.

Quả báo của thư sinh đặt điều hại chết vợ bạn và bài học cần phải khắc cốt ghi tâm - Ảnh 1.

Những lời châm chọc và đặt điều của thư sinh họ Chu chẳng những đã tước đoạt đi sinh mạng của một người phụ nữ trong sạch mà còn khiến bản thân anh ta phải nhận quả báo đích đáng. (Ảnh minh họa).

Năm Khang Hi thứ 8, người thư sinh họ Chu lên kinh tham dự kỳ thi Trạng nguyên. Thế nhưng vừa bước vào trường thi, anh ta đã gặp phải một chuyện hết sức quỷ quái.

Bấy giờ, ống quyển đựng giấy thi của anh vốn chỉ đề tên họ, nay lại hiện ra một dòng chữ lớn mang đầy tính ám chỉ. Trên đó có ghi:

"Kẻ giỏi nói chuyện phòng the".

Thư sinh họ Chu rất mực hoảng hốt, ra sức dùng ống tay áo lau đi. Thế nhưng anh ta lau thế nào cũng không sạch, còn mọi người xung quanh thì liên tục nhìn ngó, hết chỉ trỏ lại đến đàm tiếu, cho rằng kẻ này ăn nói suồng sã, danh tiếng tệ hại.

Cũng vì chuyện kỳ quái ấy mà lúc bước vào lều  thi, thư sinh họ Chu chẳng thể làm nổi một bài ra hồn. Cuối cùng khi vừa bước ra khỏi trường thi hôm ấy, anh ta đã hộc máu mà chết.

Và bài học đích đáng cho những người hay dùng hai chữ "thẳng thắn" làm bia đỡ đạn

Quả báo của thư sinh đặt điều hại chết vợ bạn và bài học cần phải khắc cốt ghi tâm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Có lẽ, chàng thư sinh họ Chu trong câu chuyện trên vẫn thường nghĩ mình là một người có lòng nhiệt tình, thẳng thật, khác xa với những người chẳng dám bày tỏ quan điểm của mình.

Thế nhưng việc anh ta dùng lời lẽ để tùy ý chỉ trích, giễu cợt, thậm chí còn bịa đặt những tin đồn tiêu cực về người khác, thật chẳng khác nào hành động của kẻ vũ phu dùng đao kiếm đâm thẳng vào thể diện của họ.

Cũng chính thái độ lỗ mãng trong lời ăn tiếng nói của thư sinh họ Chu đã khiến cho bằng hữu của anh phải mang lòng phẫn uất, mà vợ người ấy cũng buộc phải bỏ mạng trong sự oan ức và tủi hổ.

Điều này cũng đã chứng minh một sự thật chưa bao giờ thay đổi: Lời nói đôi khi còn có lực sát thương lớn hơn cả đao kiếm, chỉ một câu chữ lỡ lời cũng có thể lấy đi tính mạng hoặc hủy đi danh dự của người khác.

Về phần người thư sinh họ Chu, sự vô duyên đội lốt cái danh thẳng thắn cũng đã khiến anh phải nhận ngay báo ứng nhãn tiền. Vì đã đặt điều hủy hoại danh tiếng của người khác, lại đẩy cả người đó vào cửa tử, anh ta mới bị mấy chữ trên ống quyển làm cho mất hết mặt mũi, đường công danh cũng chẳng còn hy vọng, sau cùng hộc máu mà chết.

Quả báo của thư sinh đặt điều hại chết vợ bạn và bài học cần phải khắc cốt ghi tâm - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Xung quanh chúng ta vẫn thường có những người thích đem sự thẳng thắn, bộc trực ra làm bia đỡ đạn cho những lời lẽ độc địa và cay nghiệt của mình.

Thế nhưng ít ai trong số họ nhìn ra được rằng, thế gian này vốn chẳng có ai là thập toàn thập mỹ. Khuyết điểm của mỗi người cũng giống như một vài thứ tật bệnh đeo bám họ, mà muốn trị bệnh thì cần bốc đúng thuốc, tìm đúng thầy, cần dùng tới sự tận tâm và từ tốn chứ không phải là những lời lẽ công kích, đâm chọc.

Nên nhớ rằng, chê bai người khác đồng nghĩa với việc bạn đang tự chê bai chính mình, và phá hoại thanh danh của người khác cũng chẳng khác nào việc ta tự hủy đi tiếng tốt của chính bản thân ta.

*Dịch từ chuyên trang Phật giáo Trung Quốc


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại