"Này Bác sĩ, đã tới lượt ngươi" - Dòng khẩu hiệu nói trên trông không có vẻ gì như là mồi lửa cho một cuộc nổi dậy, nhưng kể từ ngày 6/3/2011, khi một nhóm thiếu niên bị lực lượng an ninh tống giam vì đã vẽ khẩu hiệu trên bằng hình thức Graffiti đó trên một bức tường ở trường học ở Daraa, Syria thì mọi sự đã diễn ra đúng như vậy.
Người được gọi là "Bác sĩ" mà các thiếu niên đó ám chỉ chính là Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngay trong những tháng trước vụ việc Graffiti, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Lãnh đạo Tunisia Ben Ali đã bị các cuộc biểu tình "Mùa xuân Arab" buộc phải từ chức. Câu khẩu hiệu dường như hoàn toàn vô tội đó đặt ra cho người Syria câu hỏi: Liệu ông Assad có thể là người tiếp theo hay không?
Cuộc nổi dậy của người dân bắt đầu từ Daraa đã dẫn đến một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Sau 8 năm, chiến tranh đã cướp đi mạng sống của hơn 500.000 người Syria và khiến gần 12 triệu phải đi tị nạn.
Cuộc nổi dậy của người dân Daraa năm 2011.
Sau khi mất quyền kiểm soát hơn 80 % lãnh thổ Syria trong 4 năm đầu của cuộc chiến. Tới nay, các lực lượng ủng hộ Assad, với sự hỗ trợ của Nga, Iran và Hezbollah Lebanon đã lật ngược thế cờ, tái chiếm từng khu vực, thành phố, thị trấn, làng mạc khắp miền Tây sông Euphrates.
Sau một cuộc vây hãm đẫm máu và triệt hạ các khu vực Đông Ghouta, Đông Qalamoun, Trại tị nạn Yarmouk, tất cả các khu vực nổi loạn nằm gần thủ đô Damascus đã được dẹp yên, ông Assad đã cảnh báo rằng Daraa là địa điểm kế tiếp.
Nếu Daraa sụp đổ, đây có phải là dấu hiệu kết thúc chiến tranh Syria?
Vào năm 2016, đa phần lãnh thổ Syria đã lọt vào tay các lực lượng đối lập và tổ chức khủng bố IS. Daraa nằm phía dưới trái bản đồ.
Daraa, cứ điểm cuối cùng của phe đối lập ở miền Nam Syria
Tỉnh Daraa và thủ phủ cùng tên nằm tại ngã ba biên giới Syria - Jordan - Israel là thành trì của phe đối lập, bao gồm một phần của tỉnh Quneitra trải dài đến tận Cao nguyên Golan - lãnh thổ Syria bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc Chiến tranh 6 ngày vào năm 1967. Đây là tàn dư cuối cùng của phe đối lập vũ trang chống chính phủ ở phía nam Syria.
Hoa Kỳ, Nga và Jordan đã đồng thuận vào năm 2017 để đưa Daraa như một phần của cái gọi là "khu vực giảm leo thang". Tuy nhiên trên thực địa, cả hai phía (quân chính phủ và lực lượng đối lập) đều không thực thi lệnh ngưng bắn.
Các cuộc giao tranh diễn ra liên tục trong nửa cuối năm 2017. Tuy vậy, sau khi lực lượng đối lập thất bại nặng nề tại phía nam Daraa, chiến sự tạm ngưng cho tới giữa năm 2018.
Máy bay của không quân Syria sau khi thả các truyền đơn để cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra, thúc giục các chiến binh nổi dậy hạ vũ khí, bắt đầu ném bom vào các vị trí đối phương vào ngày 21/6.
Ngay lập tức, Washington đã cảnh báo rằng họ sẽ thực hiện "các biện pháp cứng rắn và phù hợp" để bảo vệ việc ngừng bắn ở miền nam Syria.
Nhưng cũng như việc các thỏa thuận ngừng bắn không được thực thi, đợt tấn công bằng tên lửa hành trình với mục đích răn đe của Mỹ và đồng minh đã không đủ hiệu quả để ngăn cản được chính phủ Syria tung ra một cuộc tấn công vào Đông Ghouta vào tháng 2 năm 2018.
Hơn 1.700 thường dân đã bị thiệt mạng trong chiến dịch diễn ra trong 8 tuần này.
Các thoả thuận hạ vũ khí và sơ tán đã là điều kiện để các chiến binh và dân thường được chuyên chở bằng xe buýt và hướng đến lãnh thổ mà phe đối lập còn kiểm soát ở miền bắc Syria.
"Damascus và Moscow có một sự đồng thuận là họ đã phải mất nhiều công sức, và họ phải đảm bảo một chiến thắng cuối cùng", Charles Lister, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Trung Đông cho biết. "Chúng tôi đã dự đoán nhiều hướng giải quyết. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, chuyện này là không thể đảo ngược".
Xe thiết giáp chở quân của Nga tuần tra tại thành phố Aleppo.
Trọng tâm của Damascus hiện nay là xây dựng lại nền kinh tế và nối lại thương mại với nước ngoài, một ưu tiên mà theo lời ông Lister - sẽ đặt quân đội Syria tập trung vào việc lấy lại quyền kiểm soát biên giới của Daraa với Jordan.
Bên cạnh khu vực phía nam này, chỉ còn lại những mảnh đất đáng kể khác của Syria còn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ là thành trì nổi dậy Idlib, các khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ xung quanh Afrin và khu vực người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.
Quân đội Syria tự do (FSA) và IS: Ai mới là người kiểm soát Daraa?
Quân đội Syria tự do (FSA) đã tham gia một liên minh với các nhóm phiến quân Hồi giáo, chiếm giữ gần 3/4 tỉnh Daraa và một phần thủ phủ của tỉnh. FSA thường xuyên có mâu thuẫn với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, hiện đang kiểm soát một khu vực nhỏ ở phía nam.
IS đã hiện thực hoá một số nỗ lực tấn công để mở rộng vào các khu vực do FSA kiểm soát sau khi Liên minh này thua trận, mất đất khi đối đầu với quân chính phủ Syria từ cuối năm 2017 tới nay.
Nhóm khủng bố IS vốn từng kiểm soát gần một nửa Syria, bao gồm cả các khu vực sa mạc rộng lớn, hiện chỉ còn kiểm soát 3% lãnh thổ.
Nếu Quân đội Syria tiến tới cửa khẩu biên giới Nasib, bị chiếm bởi phiến quân từ năm 2015, sẽ đồng nghĩa với việc mở lại các tuyến thương mại quan trọng cho việc tái thiết trong tương lai.
Tuy nhiên, bất kỳ hành động quân sự nào cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của các hàng xóm của Syria trong đó có Jordan, quốc gia vốn đang phải đối phó với vấn đề có tới hơn 1 triệu người tị nạn Syria.
Ngoài ra khi các vấn đề của gia đình hoàng gia Jordan bị rò rỉ, những người biểu tình đã tham gia tuần hành về các vấn đề kinh tế của vương quốc và các kế hoạch đánh thuế. Một cuộc tấn công như thế này sẽ buộc một làn sóng tị nạn mới chạy theo hướng duy nhất mà họ có thể - biên giới Jordan.
Trên phạm vi quốc tế, không ai muốn thấy một Jordan bất ổn - ít nhất là Israel, vốn đã thiếu nguồn cung từ láng giềng thân thiện này. Nhưng ông Lister cho biết, với sự trung gian của Nga, chính phủ Jordan đã "thay đổi" và đã đưa ra một ý kiến "ngả về phía ma quỷ" với điều kiện cảnh sát quân đội Nga kiểm soát bất kỳ khu vực biên giới nào được tái chiếm.
Một số ý kiến cho rằng người Nga là then chốt của cuộc xung đột
Mối quan tâm chính của Israel là sự hiện diện của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran (IRGC) và lực lượng Hezbollah Lebanon trên đất Syria.
Syria về mặt kỹ thuật đang trong tình trạng chiến tranh với Israel, hai bên đã có hàng loạt giao tranh trong việc xác định ai là người kiểm soát Cao nguyên Golan, một lệnh ngừng bắn tạm thời đã được thực thi từ những năm 1970.
Tuần trước, Israel đã đạt được thỏa thuận với Nga sẽ không tấn công quân đội Syria trong khi họ thực hiện các hoạt động quân sự gần biên giới để chống lại quân nổi dậy. Điều kiện phía Israel đưa ra là toàn bộ các lực lượng Iran và Hezbollah phải triệt thoái khỏi khu vực.
Với sự giúp sức của người Nga, Assad và quân đội trung thành đã giành lại đa phần lãnh thổ Syria.
Theo lời Abraham Wagner, Giáo sư đại học Columbia và là thành viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu về khủng bố, cũng là một người đại diện của chính phủ Hoa Kỳ tham gia đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hafez al-Assad, trước khi con trai ông Bashar al-Assad nắm quyền:
"Israel sẽ hoàn toàn hài lòng nếu Tổng thống Assad tại vị và chính phủ Syria ổn định," ông nói. "Họ không quan tâm đến sự hiện diện của người Nga tại Syria, người Nga không có hứng thú với việc tấn công Israel".
Nhưng khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Israel và Iran với các báo cáo về việc xây dựng các căn cứ tên lửa Iran ở Lebanon và Syria. Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích chống lại lực lượng Iran tại Syria hồi tháng trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự phản đối việc Iran sử dụng vị thế của mình tại Syria để thực hiện một chương trình quân sự chống Israel và kêu gọi "tất cả quân đội nước ngoài" rút khỏi Syria. Nhưng Iran phản ứng với sự tức giận và thách thức.
"Người Israel có thỏa thuận bí mật với người Nga, chính họ chứ không ai khác là then chốt của vấn đề này", ông Wagner nói tiếp. "Nhưng những gì người Nga có thể làm là chỉ là kéo dài việc hạn chế những gì Iran đã và đang làm ở Syria và Lebanon?".
Điều gì sẽ xảy ra nếu "Cái nôi của cuộc Cách mạng Syria" sụp đổ?
Hơn 7 năm sau khi người dân Daraa xuống đường nổi dậy, việc tái chiếm thành phố được gọi là "Cái nôi của cuộc Cách mạng Syria" sẽ không chỉ củng cố quyền lực của chính phủ ở miền nam mà còn giúp ông Assad giành được chiến thắng tượng trưng trước kẻ thù.
Ông Wagner tin rằng: "Chiến dịch tại Daraa về cơ bản sẽ là hành động quân sự cuối cùng trong cuộc nội chiến ở Syria. Câu hỏi duy nhất còn lại là Syria sẽ ra sao?"
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Syria tuần trước, Tổng thống Assad hy vọng cuộc chiến sẽ kết thúc trong "chưa đầy một năm tới", và lặp lại lời thề của mình để đòi lại "từng inch" lãnh thổ Syria.
Cùng ngày, các cuộc không kích ở miền bắc Syria đã cướp đi mạng sống của hơn 50 người trong tỉnh Idlib.
Mặc dù có vẻ như không thể tránh khỏi việc ông Assad sẽ tái chiếm Daraa, việc đẩy lui quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh đối lập người Syria ở phía bắc, đánh bại các chiến binh nổi loạn kiểm soát Idlib dường như khó có khả năng xảy ra.
Lãnh thổ lớn nhất bên ngoài sự kiểm soát của chính phủ là một khu vực rộng lớn của người Kurd được kiểm soát bởi lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn.
Nhưng các nhà lãnh đạo người Kurd, những người vẫn giữ quan hệ bí mật với chính phủ của ông Assad, nói rằng mục đích của họ không phải là một quốc gia độc lập, mà là một hệ thống liên bang với quyền tự chủ danh nghĩa, một đề xuất mà chính phủ Syria đã từ chối trước đó.
Nếu Assad tiếp tục không nhượng bộ, có khả năng lớn Syria sẽ đánh mất những vùng đất rộng lớn ở phía bắc.
Ông Wagner tin rằng một khi đã xong chiến dịch "thanh trừng cuối cùng" tại khu vực quan trọng Daraa, ông Assad sẽ bắt đầu "phiêu lưu" với các cuộc chiến.
Nhưng trong khi chúng ta có thể sớm thấy một biến thể khác của cuộc nội chiến, những vấn đề liên quan tới Syria vẫn còn.
"Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các hành động của các tổ chức khủng bố Syria trong một thời gian dài", ông Lister nói thêm rằng trong khi tình hình "giậm chân tại chỗ" thì nó cũng có thể sẽ phức tạp hơn nữa.
"Nếu người Mỹ rời đi trong những tháng tới, họ gần như chắc chắn sẽ phải quay trở lại trong tương lai."
Các đơn vị quân đội Syria hành quân về Daraa.