Pune - trong và ngoài bức tường doanh trại

ĐỖ BÍCH THÚY |

Chúng tôi là đoàn sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam sang Pune trong chương trình giao lưu được thực hiện thường niên giữa quân đội hai nước.

Pune, cũng gọi là Poona, nằm ở phía tây, là thành phố lớn thứ tám của Ấn Độ và lớn thứ hai của bang Maharashtra, sau kinh đô điện ảnh châu Á Mumbai. Pune nằm ở độ cao 560 mét trên mực nước biển trên cao nguyên Deccan ở hợp lưu của sông Mula và sông Mutha.

Thành phố Pune là nơi tập trung nhiều trường đại học danh tiếng của Ấn Độ, trong đó không thể không kể đến các học viện, nhà trường của quân đội Ấn Độ.

Chúng tôi, đoàn sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam sang Pune trong chương trình giao lưu được thực hiện thường niên giữa quân đội hai nước. Tháng 12, Pune vẫn nóng như mùa hè. Nhiệt độ ngoài trời ban ngày vào khoảng trên ba mươi độ C.

Thời tiết ở Pune khiến chúng tôi đều nghĩ đến phố lính Sơn Tây của chúng ta thời điểm cuối thu đầu đông, đêm và sáng sớm trời lạnh, ban ngày nắng chang chang. Nhiệt độ trong ngày có thể chênh nhau tới 13-14 độ.

Đoàn sĩ quan Việt Nam được bạn đón tiếp tại Học viện Công binh. Mỗi chúng tôi được bố trí ở một căn phòng rất lớn, có phòng khách, phòng ngủ, phòng thay đồ, một căn bếp, nhà vệ sinh... Vì thế, đoàn chỉ có mười người mà ở hết cả hai dãy nhà hai tầng dài dằng dặc.

Trong quân đội Ấn Độ, không có chế độ chiến sĩ nghĩa vụ như ở ta. Tất cả binh lính nhập ngũ đều phải ở trong quân ngũ từ mười lăm năm trở lên. Vì thế, nếu xét về độ tuổi trung bình thì đội ngũ của bạn "già" hơn ta nhiều.

Chế độ đãi ngộ của bạn đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tương đối tốt. Quân nhân trong quân đội, tại hầu hết các đơn vị đều được bố trí chỗ ở cho gia đình, tùy theo cấp bậc sẽ được phân căn hộ hoặc nhà riêng.

Tại các học viện mà chúng tôi đến thăm, các sĩ quan cấp tá đều được cấp nhà ở ngay trong khuôn viên học viện. Họ đưa vợ con vào ở cả tại đó. Trẻ em được đến trường học, cũng ngay tại học viện. Còn có siêu thị phục vụ riêng cho sĩ quan, kiểu như được miễn/giảm thuế nên giá rất rẻ.

Trong một cuộc trò chuyện vui bên lề, một sĩ quan trong đoàn ta có hỏi một vị đại tá rằng lương của ông thế nào.

Vị đại tá này trả lời rất hóm hỉnh: Với phụ nữ không nên hỏi tuổi, với đàn ông không nên hỏi thu nhập. Nhưng cũng có thể hình dung, với bạn, thì nhập ngũ là một nghề. Một nghề được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, như nhiều ngành nghề khác trong xã hội và là một nghề có thu nhập cao so với mức sống chung bên ngoài doanh trại.

Tại một trong số những ngôi trường lớn nhất quân đội Ấn Độ, niềm tự hào của quân đội Ấn Độ - Học viện Quốc phòng - chúng tôi được bạn mời vào tham quan đầu tiên không phải phòng truyền thống hay giảng đường, mà là… nhà ăn.

Nhà ăn dành cho học viên của Học viện Quốc phòng có 2.100 chỗ ngồi - một trong ba nhà ăn lớn nhất thế giới, được xây dựng từ năm 1954. Mỗi suất ăn ở đây vào khoảng 350 rupee (tương đương khoảng hơn 100.000đ tiền Việt).

Học viện Quốc phòng đào tạo sĩ quan cho cả ba lực lượng: hải quân, không quân, lục quân. Điều đặc biệt là một ngôi trường lớn như vậy, trên khuôn viên 3000 ha mà mỗi năm chỉ tuyển sinh đúng 300 học viên, và chỉ tuyển học viên nam, tuyệt nhiên không có nữ. 300 học viên này được tuyển từ học sinh phổ thông, thi tuyển đương nhiên vô cùng gắt gao.

Học viên sẽ học hai năm các kiến thức nền tảng sau đó sẽ phân ra các chuyên ngành tùy theo năng lực, nguyện vọng. Tuy nhiên, tốt nghiệp Học viện Quốc phòng vẫn chưa phải đã có thể phục vụ quân đội ngay mà các học viên sẽ còn phải tiếp tục học chuyên sâu tại các trường đại học của các quân binh chủng thêm ít nhất một năm nữa.

Trong khuôn viên Học viện Quốc phòng có một nơi gọi là trung tâm huấn luyện hải quân. Thực tế đây là nơi huấn luyện tất cả các hoạt động liên quan đến… nước cho cả ba quân chủng.

Rất bất ngờ, ngay trước mắt chúng tôi hiện ra một hồ nước ngọt tuyệt đẹp. Đây là một đoạn của một cái hồ dài 21 km, được chặn bởi một con đập để đảm bảo đủ độ sâu cho việc huấn luyện. Đoạn hồ này được gọi là vịnh Con công.

Bất ngờ hơn nữa, phía bên kia hồ, chạy suốt dọc chiều dài của bờ hồ yên tĩnh, hàng ngàn con sâm cầm đậu kín mép nước. Phải dùng ống kính máy ảnh zoom cho gần lại mới nhìn thấy rõ đàn sâm cầm béo mẫm.

Giờ thì chúng tôi mới nghĩ ra tại sao trên khắp các tuyến đường trong học viện đều treo biển bảo vệ động vật. Dưới nước sâm cầm, trên bờ là khỉ. Khỉ đu bám trên những tán cây rậm rạp ven đường, thậm chí nhảy ra ngồi chồm hỗm trên các biển báo, cọc tiêu. Trên ngọn cây cơ man là vẹt. Vẹt rực rỡ đủ màu sắc.

Pune - trong và ngoài bức tường doanh trại - Ảnh 1.

Đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam thăm Học viện tình báo Ấn Độ. Ảnh: PV

Học viện Quốc phòng Ấn Độ cũng đào tạo một tỉ lệ nhất định học viên quốc tế theo các chương trình hợp tác đào tạo. Có ba học viên Việt Nam đang theo học tại đây. Một trong số đó là Nguyễn Văn Thịnh. Thịnh quê Nghệ An, là con cả trong một gia đình có ba anh em.

Thịnh đang học năm thứ hai. Với học viên quốc tế như Thịnh thì việc học chuyên ngành đã được đăng kí ngay từ khi nhập học. Theo đó, em sẽ học chuyên sâu về lục quân. Trước khi sang Ấn Độ, Thịnh đã học một năm tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, sau những kì thi tuyển gắt gao em được chọn gửi đi học.

Khi tôi hỏi, việc rèn luyện kỉ luật, thể chất, kĩ năng quân sự… của bạn so với Lục quân 1 của ta như thế nào thì Thịnh cười nói: Cũng bình thường chị ạ. Ta rèn quân "ác liệt" hơn họ nhiều.

Điều đáng ngại nhất khi đề cập tới việc thích nghi với cuộc sống trong Học viện, theo em là việc ăn uống. Món ăn duy nhất cho đến nay mà Thịnh cảm thấy thích là cá xay viên nấu sốt cà ri. Điều này thì tôi thấm thía thật.

Suốt một tuần lễ ở Ấn Độ, hầu hết là ăn cơm tại các học viện nhà trường, đơn vị quân đội, tôi mặc dù hết sức cố gắng cũng không thể thích các món ăn của bạn, vì tất tần tật đều phải có một thứ gia vị rất khó nuốt, đấy là cà ri, thậm chí cả cơm cũng có vị cà ri.

Chưa kể, vì lí do tôn giáo, tín ngưỡng, bạn tuyệt đối không dùng thịt bò, thịt lợn, hầu hết các bữa ăn chỉ có các món từ thịt gà công nghiệp. Đặc biệt nữa, gà luôn luôn bị lột sạch da. Một người bạn của tôi đã từng công tác lâu năm ở Ấn Độ nói rằng, cà ri ở đây cũng giống như mắm tôm ở Việt Nam. Không phải ngay lập tức có thể thấy ngon, nhưng đã quen miệng thì có khi lại… nghiện.

Thịnh cũng kể, kỉ niệm buồn nhất chính là cái tết đầu tiên xa nhà. Sáng mùng một tết theo lịch âm ở ta, các em vẫn lên lớp như thường. Trong trường lúc ấy chỉ có hai học viên người Việt nên cũng không có cách nào tổ chức một cái tết gọi là tượng trưng.

Năm nay thì đỡ hơn, có kinh nghiệm hơn, các em xin phép nhà trường cho ra ăn tết cùng cán bộ lãnh sự quán Việt Nam ở Mumbai.

Ông SP Wag’le, đại tá không quân, phó giám đốc học viện rất ngạc nhiên khi trong đoàn sĩ quan Việt Nam lại có hai sĩ quan nữ, được giới thiệu một là nhà văn, một là ca sĩ.

Ông hỏi trung tá Bế Hải Triều, trưởng đoàn của ta: Trong quân đội của các bạn thì nhà văn và ca sĩ có nhiệm vụ gì? Khi được trả lời, đội ngũ văn nghệ sĩ trong quân đội Việt Nam được hình thành từ rất sớm, nhiệm vụ chính là phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội, ông Wag’le tỏ ra rất thích thú.

Hoá ra trong quân đội bạn hoàn toàn không có đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng các đội văn nghệ nghiệp dư thì rất phổ biến.

Từ cấp tiểu đoàn trở lên, đặc biệt ở đơn vị chiến đấu, bạn đều tổ chức các đội kèn đồng, vừa để tự làm phong phú đời sống tinh thần vừa để phục vụ các nghi lễ quan trọng. Hàng năm bạn còn tổ chức các cuộc thi đội kèn nghi lễ cấp toàn quân.

Một trong những đơn vị mà chúng tôi rất tò mò khi đến thăm đó là Viện Huấn luyện thể chất. Ban đầu chúng tôi đều nghĩ rằng có lẽ đây giống như trung tâm thể dục thể thao của quân đội ta, nhưng hoá ra không phải vậy.

Nhiệm vụ chính của viện là đào tạo các huấn luyện viên cho toàn quân, ở tất cả các quân binh chủng. Người dẫn đoàn đi thăm trung tâm là một sĩ quan có vóc dáng nhỏ nhắn, thậm chí trông rất giống người Việt Nam hoặc Thái Lan. Đó là đại uý Thaman. Thaman hoá ra người Nepal.

Anh từng học qua 14 khóa tại đây, và với thành tích xuất sắc anh được giữ lại làm giảng viên cho ba bộ môn: boxing, bóng đá và karate. Thaman đã ở trong quân đội 21 năm, có vợ và hai con nhỏ, đều định cư tại thành phố Pune.

Thaman nói, trung tâm này huấn luyện tập trung cho hai loại hình: huấn luyện thể chất quân sự và huấn luyện các môn thể thao thi đấu. Thường xuyên có khoảng trên dưới 30 khoá học được tổ chức tại viện, với đủ các loại hình: bơi và cứu hộ, boxing, karate, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, yoga...

Thiếu tướng L.N. Singh - giám đốc Học viện Tình báo - một sĩ quan tình báo bậc thầy trong quân đội bạn trực tiếp giới thiệu với chúng tôi về ngôi trường đào tạo sĩ quan tình báo số một của Ấn Độ. Học viện Tình báo được hình thành từ tháng 1/1941 - trước khi Ấn Độ và Pakistan tách ra thành hai quốc gia và chuyển về Pune từ 1982 đến nay.

Ông Singh nói, hiện học viện đang có hai khoá đào tạo chính: khoá đào tạo sĩ quan tham mưu tình báo và khoá dành cho hạ sĩ quan. Bạn cũng nhận đào tạo cho nhiều học viên quốc tế. Chúng tôi đều tò mò muốn biết có học viên Việt Nam nào đã hoặc đang theo học tại trường không, ông Singh cười rất đôn hậu:

"Chúng tôi rất hi vọng sớm được đón học viên Việt Nam theo học. Thậm chí nếu phía Việt Nam cần hỗ trợ trong trường hợp trình độ tiếng Anh còn hạn chế thì trường sẽ phối hợp với đại sứ quán nhờ người giỏi tiếng Anh phiên dịch".

Thăm và làm việc với bạn, chúng tôi buộc phải thích nghi một lịch làm việc rất "oái oăm". 9 giờ sáng mới xuất phát từ nơi ở. Đến một đơn vị, thăm, làm việc đến khoảng 11h thì bạn mời một bữa tiệc trà.

Tiệc trà là một bữa thú vị, không thể thiếu trong ngày. Đôi bên có thể vừa uống trà vừa giao lưu. Tuy nhiên, vì tiệc trà diễn ra vào buổi trưa nên bữa cơm trưa bao giờ cũng lui lại vào quãng 2 giờ chiều.

Và ở bạn, ăn là ăn, uống là uống. Trước bữa ăn bao giờ cũng có một bữa nhẹ kiểu như khai vị, có thể uống bia, uống trà, nước hoa quả... ăn một vài món nhẹ. Chừng 30 phút mới bước vào bữa chính. Bữa chính thì diễn ra chóng vánh chỉ 15 phút. Đặc biệt, bạn tuyệt đối không hút thuốc lá và rất hạn chế uống rượu trong doanh trại.

Thậm chí bên ngoài doanh trại, luật pháp Ấn Độ cũng cấm bán rượu tự do. Không ai có thể mua một chai rượu từ bất kì một cửa hàng ven đường nào. Các cửa hàng bán rượu phải được cấp phép với những điều kiện rất ngặt nghèo.

Có lẽ luật pháp quá chặt chẽ cũng tác động đến thói quen sinh hoạt của bạn. Và cũng vì thế, tai nạn giao thông do say rượu gây ra gần như không có. Tốc độ xe đi trong nội thành nhiều nơi cho phép lên đến 70 km/h. Xe đi rất nhanh nhưng ít va chạm.

Một buổi tối, chúng tôi ghé vào một cái chợ đêm ở Haveli - một con phố vùng ven thành phố. Haveli khá tấp nập về đêm. Chợ đêm ở Haveli chủ yếu bán rau củ, người mua người bán chen chúc trên vỉa hè.

Nhiều xe máy bán hàng rong dựng cạnh đường, nhiều món ăn đường phố trông khá bắt mắt nhưng chúng tôi đều được cảnh báo là đừng có thử vì rất dễ bị mắc bệnh đường ruột do không đảm bảo vệ sinh. Chợ đêm ở Haveli cho cảm giác gần gũi giống hệt các chợ đầu mối ở ta lúc nửa đêm về sáng. Rau củ vô cùng rẻ.

Pune - trong và ngoài bức tường doanh trại - Ảnh 2.

Trung tá Bế Hải Triều - Trưởng đoàn Việt Nam - ghi cảm tưởng vào sổ lưu niệm tại Học viện Tình báo. Ảnh: PV

Ngày cuối cùng ở Pune, chúng tôi nhờ một sĩ quan của Học viện Công binh - thiếu tá Kapil Sharma - dẫn đi mua… thuốc tây. Thuốc tây là một trong những món quà mà người Việt chúng ta khi sang Ấn Độ thường mua về.

Ấn Độ nổi tiếng với các sản phẩm dược - mĩ phẩm, và quan trọng, chúng được bào chế từ thảo dược. Nhãn hiệu ưa dùng và phổ biến khắp Ấn Độ là Himalaya. Bốn anh chị em ngồi sau một chiếc xe jeep - cũng là loại xe phổ biến trong quân đội bạn - chạy rầm rầm khắp thành phố Pune để mua cho đủ cơ số thuốc, mĩ phẩm mà anh em trong đoàn nhờ mua.

Ngồi trong xe jeep quân đội, cùng một thiếu tá sĩ quan dẫn đoàn và anh lái xe quân nhân chuyên nghiệp là tín đồ theo đạo Sikh, với một chiếc khăn quấn rất nhiều lớp như củ hành trên đầu, chúng tôi được vòng vèo qua những con phố kẹt cứng người, khói bụi mù mịt.

Nhân tiện nói về anh quân nhân chuyên nghiệp theo đạo Sikh. Ấn Độ là một đất nước đa tôn giáo, trong đó đạo Sikh là một tôn giáo lớn, được hình thành từ thế kỉ thứ XV.

Trong quân đội, các quân nhân theo bất kì tôn giáo nào đều sẽ được tôn trọng. Ví như theo đạo Sikh thì ngay cả quân phục cũng được thiết kế riêng, với chiếc khăn đặc thù, trên đó gắn đầy đủ phù hiệu. Thậm chí họ được ở riêng một khu trong doanh trại, được bố trí thời gian để… tụng kinh.

Phương tiện giao thông ở Pune chủ yếu là xe máy và xe tuk tuk. Xe máy thì chủ yếu là loại xe thể thao phân khối lớn, và cũng chủ yếu chỉ có nam giới chạy xe trên đường. Nghe nói giá những chiếc xe này so với giá tại Việt Nam chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba, do quy định về thuế nhập khẩu của bạn rất thấp.

Xe tuk tuk được sử dụng thay cho taxi. Xe tuk tuk rất rẻ, khoảng 10.000 rupee (tương đương 3,5 triệu VND) một chiếc. Cũng giống như xe máy, điều khiển tuk tuk tuyệt nhiên không có một phụ nữ nào.

Giống như nhiều vùng đô thị Việt Nam, ở Pune, người ta cũng tràn ra vỉa hè để buôn bán, thậm chí chở hàng đằng sau xe máy đi bán rong y hệt ở ta. Từ quần áo giày dép đến rau củ quả. Người bán hàng, kì lạ, chủ yếu cũng lại là nam giới.

Đoàn Việt Nam có tôi và NSƯT Lương Thùy Linh - đội trưởng đội diễn viên Nhà hát Chèo quân đội là nữ. Hai chị em đều rất ngạc nhiên và thậm chí cho rằng phụ nữ Ấn Độ khi đã lấy chồng thì thật an nhàn, vì việc phải phơi mặt ra đường kiếm sống đều do chồng đảm nhận.

Tuy nhiên, phải thấy rằng đời sống của người dân Pune còn rất vất vả. Xe chỉ dừng ở đèn đỏ chừng một phút thì trẻ bán rong, xin ăn đã bu kín. Trước khi đến Ấn Độ, tôi từng đọc trong một tài liệu, theo đó:

Theo truyền thống, xã hội Ấn Độ thường được chia thành 4 giai cấp: giai cấp cao nhất là "Brahmani" gồm các tư tế, các trí thức, các nhà chú giải các văn bản thánh, dạy dỗ và truyền thụ; giai cấp thứ hai là "Kshatriya" gồm các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến sĩ tức giới thượng lưu quân sự; giai cấp thứ ba là "Vaishya" gồm các thương gia, nông dân và người chăn nuôi súc vật; giai cấp thứ tư là "Shudra" gồm những người làm thủ công, đầy tớ và công nhân thợ thuyền.

Thấp nhất trong bậc thang xã hội là những người "ngoài giai cấp", thường được gọi là những người "paria" hay "không thể đụng tới", vì các công việc ô uế và hèn hạ mà họ làm như thu dọn vệ sinh, chùi rửa cầu tiêu và chôn người chết.

Tất nhiên, hiến pháp của Ấn Độ độc lập từ năm 1950 đã chính thức loại bỏ việc phân chia giai cấp. Khoản 15 của hiến pháp cấm mọi kì thị dựa trên tôn giáo, chủng tộc, giai tầng xã hội, phái tính và nơi sinh trưởng.

Nhưng có vẻ như đời sống xã hội Ấn Độ hiện đại hôm nay, với hơn một tỉ dân, cũng chưa hoàn toàn thoát khỏi việc phân chia giai cấp. Người nghèo đang còn chiếm một tỉ lệ không hề nhỏ ở Ấn Độ nói chung, bang Maharashtra nói riêng. Các khu ổ chuột giống như một "đặc sản" ở đô thị vậy.

Ngay gần sân bay quốc tế Mumbai Chhatrapati Shivaji là la liệt những túp lều tạm bợ được dựng lên ngay lề đường. Cư dân của các khu ổ chuột này là những lao động phổ thông, tài xế taxi, người nhặt rác... di cư từ vùng quê nghèo khác đến để tìm kiếm cơ hội làm việc tại Mumbai.

Pune - trong và ngoài bức tường doanh trại - Ảnh 3.

Các cậu bé này là con của các gia đình quân nhân, sinh hoạt học tập ngay trong khuôn viên học viện Công binh. Ảnh: PV

Và nếu so với đời sống vô cùng cực nhọc của một tỉ lệ không nhỏ dân cư bên ngoài bức tường, thì sĩ quan trong quân đội bạn thực sự có thể được coi là tầng lớp thượng lưu. Thậm chí ngay trong doanh trại của bạn, bộ phận phục vụ cũng được phân ngôi rất rõ ràng.

Trong khuôn viên vườn hoa, nơi mà sáng nào tôi cũng dậy sớm để ngắm những bông hồng đủ màu sắc nở vô cùng rực rỡ dưới cái nắng vàng như mật ong và tiết trời se lạnh, luôn có những người phụ nữ làm cỏ, xén cây, tưới nước.

Làm lụng khoảng một giờ đồng hồ thì họ mang thức ăn ra ăn ngay bên cạnh luống hoa. Và thú thực, đấy là lần duy nhất tôi nhìn thấy cái cách ăn… bốc truyền thống của người Ấn Độ. Còn trong các bữa ăn của sĩ quan, luôn luôn là thìa nĩa sáng choang.

Đêm cuối cùng ở Ấn Độ là đêm chúng tôi lang thang trong sân bay quốc tế Mumbai Chhatrapati Shivaji. Chhatrapati Shivaji tấp nập thứ hai ở Ấn Độ, và được xếp hạng sân bay tấp nập thứ bốn tám trên thế giới bởi Hội đồng Sân bay quốc tế vào năm 2013, xếp thứ bảy thế giới về số chuyến bay nội địa tính trên mỗi tuần, có năm nhà ga phục vụ hành khách, đồng thời cũng là một trong số mười sân bay đẹp nhất châu Á.

Đây cũng chính là sân bay từng bị dọa đánh bom hồi tháng chín năm ngoái. Theo cảnh sát Ấn Độ, một đối tượng nặc danh đã gọi tới sân bay và nói với một nhân viên sân bay rằng người này nghe thấy năm người bàn bạc về một vụ tấn công sân bay Mumbai và khách sạn Taj bằng mười sáu xe chất đầy thuốc nổ.

Cảnh sát đã phong tỏa và tăng cường an ninh bên ngoài nhà ga sân bay. Tuy nhiên, sau đó các lực lượng chức năng đã không phát hiện ra điều gì bất thường.

Sự đẹp đẽ, hiện đại, cầu kì, tốn kém của sân bay Chhatrapati Shivaji thực sự vừa khiến chúng tôi ngưỡng mộ vừa khiến không thể không nghĩ đến những khu ổ chuột nằm la liệt ngay bên ngoài.

Anh chàng Kapil Sharma to béo với hàng ria mép vểnh xoăn tít hồn hậu tiễn đoàn tại sân bay, với những cái ôm thật chặt, như bù lại cái cảm giác bồn chồn, bức bối khi mà ngay trước khi vào sân bay, đúng giờ cao điểm, chỉ một quãng đường chừng một cây số nhưng chiếc ô tô chở chúng tôi phải tiêu tốn đến hơn một tiếng đồng hồ vì tắc đường.

Tạm biệt Pune, tạm biệt các đồng nghiệp không cùng quốc tịch. Hi vọng nếu có lần sau trở lại thì sẽ thấy một Pune khác, bớt ồn ào khói bụi hơn, bớt lam lũ cực nhọc hơn, và thêm phần lãng mạn, tương xứng với nền văn hóa Ấn Độ vĩ đại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại