PTT Phạm Bình Minh: "Việt Nam luôn thúc giục sớm hoàn thiện COC"

Hoàng Đan |

"Việt Nam luôn thúc giục sớm hoàn thiện COC. Vì nếu COC đạt được những nội dung quan trọng có tính ràng buộc sẽ là cơ sở pháp lý để kiềm chế, kiểm soát tình hình Biển Đông".

Hy vọng COC có thể đạt được vào năm 2017

Trước Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có những trao đổi với báo chí xung quanh công tác đối ngoại trong tình hình hiện nay và những phương hướng trong thời gian sắp tới.

PV: Được biết ASEAN và Trung Quốc đang cố gắng có được bộ khung cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, gọi tắt là COC vào năm sau? Có thời hạn nào cho việc đạt được COC không thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Năm 2002 hai bên đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, trong đó có mong muốn sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, gọi tắt là COC có tính ràng buộc hơn.

DOC chỉ là một tuyên bố chính trị về việc duy trì nguyên trạng Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực, còn COC là một văn kiện pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc..

Việc thảo luận về COC đã bắt đầu từ lâu nhưng quá trình vừa qua là quá chậm so với mong muốn của ASEAN.

Việt Nam luôn thúc giục sớm hoàn thiện COC. Vì nếu COC đạt được những nội dung quan trọng có tính ràng buộc sẽ là cơ sở pháp lý để kiềm chế, kiểm soát tình hình Biển Đông, giải quyết tranh chấp.

Việt Nam luôn yêu cầu, đề nghị sớm đi đến ký kiết văn bản này. Khi làm điều phối viên ASEAN - TQ, ta đã đưa ra những thành tố của COC, đã đạt được trong ASEAN. Nhưng tiến trình đó vừa qua chậm lại do những yếu tố của một vài nước, do tình hình Biển Đông phức tạp lên.

Hy vọng với tuyên bố vừa qua của Trung Quốc tại hội nghị ASEAN, COC sẽ được thúc đẩy nhanh, có thể đạt được trong năm 2017.

PV: Hiện nay có thông tin lo ngại một số nước ASEAN muốn đứng ngoài tranh chấp Biển Đông, hay Philippines và Trung Quốc "đi đêm" với nhau. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ chiến tranh giữa các tàu cá trên Biển Đông, xin Phó Thủ tướng có thể đưa ra đánh giá về các ý kiến này?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việc có một số nước có quan điểm khác về Biển Đông trong ASEAN là vấn đề thực tế, do lợi ích, quan tâm của từng nước khác nhau.

Nhưng phải hiểu rằng, dù là nước nào, vấn đề Biển Đông vẫn có tác động đến môi trường hòa bình, ổn định. Nếu có xung đột, nước nào trong hay ngoài khu vực đều bị ảnh hưởng.

Đối với tranh chấp, vấn đề nào song phương thì song phương, vấn đề nào đa phương thì đa phương, nhưng tiếng nói chung nhất của ASEAN là duy trì hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Đó là mẫu số chung lớn nhất của ASEAN.

Trường Sa là vấn đề của 5 nước 6 bên thì giải quyết phải có các bên. Chúng ta cũng đàm phán với các nước và với Trung Quốc về nhiều vấn đề. Có gì mà phải lo ngại nếu đàm phán dẫn đến giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời không vi phạm lợi ích các nước liên quan.

Lường trước và có biện pháp phòng ngừa IS

PV: Thưa Phó Thủ tướng, thế giới hiện đang có chung lo ngại về những dòng người từ những quốc gia có xung đột, kéo theo nguy cơ khủng bố IS trà trộn vào các nước. Tình hình cho thấy không nước nào đứng ngoài được nguy cơ này.

Một số nước Đông Nam Á cũng nêu nguy cơ công dân bị IS lôi kéo. Nguy cơ này có đặt ra với Việt Nam không và chúng ta đã nhìn nhận, đánh giá, chuẩn bị như thế nào để đối phó?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Vấn đề này các quốc gia đều phải đối phó, lường trước, có nhiều hội nghị quốc tế bàn về vấn đề này. Không quốc gia nào không lo ngại vấn đề khủng bố, dưới bất cứ hình thức nào, IS hay khác, đều là quan tâm an ninh của mọi quốc gia.

Nguy cơ là tiềm ẩn khi đi lại giữa các quốc gia ngày càng thoáng, thoải mái. Sau các sự việc ở Châu Âu, nhiều nước đã thắt chặt an ninh, kiểm soát đi lại.

Ở Đông Nam Á, vấn đề này đã được đặt ra, một số nước đã bị "nhiễm", có thế lực lôi kéo vào IS, là một trong những mối nguy hại trong khu vực.

Chúng ta cũng có biện pháp thắt chặt kiểm soát, đảm bảo an ninh của đất nước, nhưng vẫn phải lường trước và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, những biến động trong tình hình khu vực và thế giới tác động thế nào đến đối ngoại của Việt Nam và xin ông cho biết, sự phối hợp giữa ngoại giao và quân đội?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tình hình thế giới biến động hết sức nhanh. Bất cứ tình hình gì xảy ra ở bất cứ khu vực nào sẽ tác động lan tỏa đến các khu vực khác. 

Một vấn đề cũng đang nổi lên là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn phức tạp, gay gắt trên nhiều lĩnh vực không chỉ chính trị, quân sự mà cả về kinh tế. 

Vai trò của các nước lớn, quan trọng trên thế giới hiện nay là không thể bác bỏ, sự cạnh tranh giữa họ sẽ ảnh hưởng đến các nước khác, dẫn đến tình trạng lôi kéo, tập hợp lực lượng. Nước nào không đảm bảo được sự độc lập, tự chủ của mình sẽ bị ảnh hưởng to lớn.

Những vấn đề an ninh phi truyền thống cũng nổi lên bất thường thời gian qua, như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu... đều tác động đến môi trường an ninh của chúng ta. 

Thời gian qua ta đã đánh giá và phán ứng đúng, kết quả là duy trì được môi trường hòa bình, ổn định của mình.

Quốc phòng - An ninh - Ngoại giao là thế kiềng ba chân của nước ta để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chế độ XHCN. Ba lĩnh vực phối hợp chặt chẽ trên các lĩnh vực đối ngoại, cũng là một trong những nguyên nhân cho thành công trong công tác đối ngoại thời gian qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại