Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
PV: Thưa Phó Thủ tướng, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM49) vừa qua ở Vientiane (Lào), vấn đề biển Đông đã được đặt ra và nhiều quốc gia trong khu vực đã nêu ý kiến về vấn đề này.
Dường như để có một tuyên bố về biển Đông, nhiều quốc gia đã trao đổi, tranh luận trong đó có Việt Nam?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đương nhiên phải tranh luận nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải duy trì được vai trò trung tâm đoàn kết trong ASEAN trên tất cả vấn đề của khu vực.
Từ trước đến nay, nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng trong ASEAN không đạt được đồng thuận nhưng Hội nghị AMM lần này tại Lào đã đạt được tuyên bố chung.
Trong tuyên bố chung đó, các vấn đề liên quan đến biển Đông đã đạt được tất cả yếu tố mà từ trước đến nay đã đạt được; thậm chí còn hơn thế nữa.
Đó là sự khẳng định lại việc các nước ASEAN tiếp tục quan tâm, lo ngại về tình hình biển Đông. Tình hình đó là các hoạt động gây căng thẳng, trong đó có vấn đề cải tạo các đảo.
Vấn đề thứ hai là khẳng định các bên phải kiềm chế, trong đó có cả kiềm chế các hoạt động gây ra căng thẳng.
Thứ ba là nhắc lại phải giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.
Điều dư luận quan tâm là tại sao không đề cập đến vấn đề Tòa Trọng tài (PCA) và các biện pháp ngoại giao pháp lý. Vì trên thực tế điều đó đã được khẳng định ngay tại phần đầu tiên, trong mục xây dựng cộng đồng ASEAN và xây dựng cộng đồng cho đến năm 2025.
Các quốc gia ASEAN đã đưa ra một nguyên tắc mà từ trước đến nay trong các văn kiện chưa đưa ra, đó là nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phải tôn trọng các biện pháp pháp lý và ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.
Tại sao phải gắn giữa Công ước Luật Biển với các biện pháp ngoại giao pháp lý? Vì đó là điều mà các nước muốn nói với hàm ý khu vực Đông Nam Á có vấn đề gì nổi lên ngoài vấn đề trên biển, gắn vào vấn đề trên biển.
Như thế thì không đưa vào phần biển Đông nhưng mà nêu ở phần trang trọng là xây dựng cộng đồng với các nguyên tắc.
Điều đó là thành công lớn của hội nghị lần này. Khẳng định lại vai trò trung tâm của ASEAN và tinh thần đoàn kết của khối. Dù không nói đến vụ kiện nhưng đó là những hàm ý rất lớn.
PV: Quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á về PCA trong quá trình trao đổi tại AMM thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đây là vụ kiện pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc và các nước đã có những cách thức đề cập khác nhau.
Ví dụ chúng ta, như lời người phát ngôn nói là "hoan nghênh việc ra tuyên bố và tiếp tục nghiên cứu" vì Việt Nam là nước nằm ở khu vực biển Đông, có lợi ích trong khu vực này.
Các nước khác trong đó có nhiều nước trong ASEAN thì nói là ghi nhận tuyên bố này. Còn một số nước không nói về vụ kiện nhưng nói trong bối cảnh hiện nay mong muốn giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.
Có thể nói, cách thức nói như thế nào thì nói nhưng tựu chung lớn nhất là các biện pháp phải là giải quyết hòa bình và quan trọng nhất là tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982.
Còn các nước ngoài khu vực thì tùy từng mức độ khác nhau, nước thì hoan nghênh, nước thì nói rằng đây là phán quyết mang tính chất cuối cùng, không có yêu cầu bắt buộc phải sử dụng.
Có những nước tuyên bố thẳng, còn có những nước nói là hoan nghênh, cũng có nước nói là ghi nhận tuyên bố. Đương nhiên cũng có những nước không chấp nhận phán quyết của tòa.
Trong hội nghị tại các cuộc họp (hội nghị có 16 cuộc họp), các cấp bộ trưởng khác nhau với các đối tác khác nhau. Tùy mức độ khác nhau thì các nước có những đề cập cụ thể.
PV: Khi có một số nước phản đối, vậy có cần đưa ra cơ chế đồng thuận thiểu số phục tùng đa số không?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện nay ASEAN hoạt động đều theo Hiến chương của ASEAN. Trong Hiến chương của ASEAN có các nguyên tắc cơ bản mà một trong những nguyên tắc đó là nguyên tắc đồng thuận.
Phải nói một điều rằng vì sao ASEAN đóng được vai trò trung tâm đó là vì ASEAN có được một sự đoàn kết trong nội khối. Và đoàn kết tạo cơ sở, sức mạnh cho ASEAN thì mới đóng được vai trò trung tâm.
Từ trước đến nay không phải chỉ tổ chức ASEAN có nguyên tắc đồng thuận, cũng có một số tổ chức khác ví dụ EU cũng có nguyên tắc đồng thuận.
Trong ASEAN đang duy trì nguyên tắc đồng thuận, còn có thay đổi hay không thì đó là điều kiện khi xem xét lại Hiến chương ASEAN; nhưng đó lại là vấn đề khác.
Cho đến nay mà nói, cụ thể là tại hội nghị lần này chứng tỏ rằng các nước trong ASEAN vẫn tạo ra khối đoàn kết, tạo được sự nhất trí và ra được tuyên bố.
Tôi cũng nói thêm rằng, lần này không chỉ có một tuyên bố chung mà kèm vào đó có ba tuyên bố hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Đó là tuyên bố của các ngoại trưởng về vấn đề duy trì hòa bình an ninh. Trong tuyên bố này nhắc lại các nguyên tắc của ASEAN nhưng quan trọng là yêu cầu các nước ở bên ngoài phải tôn trọng vai trò đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN.
Tuyên bố thứ hai đó là tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, đưa ra một tuyên bố quan trọng là yêu cầu thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới xây dựng COC.
Tuyên bố thứ ba là nhân dịp 40 năm Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC). Đây là nền tảng để xây dựng ASEAN, trong đó nguyên tắc nền tảng nhất của ASEAN là vai trò trung tâm của ASEAN, đó là vai trò của các nước đang phải duy trì tôn trọng hòa bình ổn định trong khu vực.
Ba tuyên bố đó cộng với tuyên bố chung của ASEAN tạo nên một điểm nhấn với hai yêu cầu. Đó là vai trò trung tâm đoàn kết, hai là duy trì hòa bình ổn định trong khu vực.
Điều đó cũng hàm ý với tất cả các nước đối tác bên ngoài là ASEAN hiện nay, các nước phải tôn trọng sự đoàn kết và vai trò trung tâm của khối. Yêu cầu các nước phải đảm bảo, duy trì hòa bình ổn định ở đây.
PV: Dư luận và nhiều chuyên gia đánh giá rằng có những yếu tố bên ngoài đang tác động vào ASEAN, có một vài mắt xích yếu trong khối. Từ yếu tố này cũng là nguyên nhân mà COC chưa thể nào thúc đẩy tiến hành thêm được?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: ASEAN là một tập thể của các quốc gia đa dạng về văn hóa, đa dạng về các thể chế.
Việc tập hợp của các nước đa dạng về văn hóa, đa dạng về thể chế có nghĩa các nước phải có chung một giá trị để cùng nhau tôn trọng. Giá trị chung trong ASEAN nhưng đồng thời cũng quan tâm đến sự riêng biệt của từng nước.
Sức mạnh của ASEAN là làm sao trên tất cả sự đa dạng đó tập trung được vào trong khối cùng một mục đích lớn nhất của ASEAN, đó là phát triển, hòa bình, hữu nghị và phát triển phồn thịnh trong ASEAN.
Hoan nghênh du khách nước ngoài mang văn hoá đến
PV: Khi phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra, dư luận có nhiều tâm lý khác nhau nhưng mà có tình trạng một vài địa phương ở Việt Nam, nhất là du lịch có một số người dân, nhà hàng tỏ thái độ cực đoan với người Trung Quốc?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Bạn hãy dành câu hỏi đó cho Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và du lịch.
PV: Nhưng là Bộ trưởng Ngoại giao, vậy ông có thông điệp gì?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chúng ta hoan nghênh tất cả các nước, tất cả khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam với tinh thần một là nâng cao sự hiểu biết, tăng cường giao lưu giữa nhân dân, đồng thời là tìm hiểu văn hóa.
Nhưng đồng thời các khách du lịch cũng mang đến văn hóa của các nước để trao đổi với chúng ta. Rõ ràng khi các khách du lịch đến với một nền văn hóa, văn minh thì cũng đóng góp vào trong việc giao lưu văn hóa.
Chúng ta mong muốn rằng tất cả khách du lịch đến vừa là thưởng thức phong cảnh đẹp, vừa thưởng thức nền văn hóa của Việt Nam, ẩm thực Việt Nam, đồng thời cũng mang đến văn hóa của các nước đến để cho nhân dân Việt Nam, nơi tiếp đón du lịch thấy được văn hóa của các nước.
Chúng ta rất mong muốn là tất cả khách du lịch nước ngoài, không phải chỉ riêng một nước nào đến Việt Nam với tinh thần như thế thì chúng ta đều hoan nghênh.
PV: Ông có nghĩ vấn đề chính trị sẽ gây ảnh hưởng không?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không, không ảnh hưởng gì.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!