Vì sao tai nạn trực thăng lại thảm khốc hơn tai nạn máy bay?

Mai Trang (Theo Newsweek) |

Newsweek dẫn lời một số chuyên gia hàng không cho rằng các vụ tai nạn máy bay trực thăng có xu hướng gây thương vong nhiều hơn so với các vụ tai nạn máy bay vì chúng khó hạ cánh an toàn hơn trong các tình huống khẩn cấp.

Ngày 29/3, hai chiếc trực thăng quân sự Black Hawk của quân đội Mỹ đã va vào nhau khiến toàn bộ 9 quân nhân trên máy bay thiệt mạng. Vụ việc xảy ra ở bang Kentucky trong lúc 2 trực thăng đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện gần Fort Cambell.

Trực thăng Black Hawk gặp nạn thuộc Sư đoàn Dù 101, sư đoàn tấn công đường không duy nhất trong Lục quân Mỹ.

Vì sao tai nạn trực thăng lại thảm khốc hơn tai nạn máy bay? - Ảnh 1.

Một chiếc trực thăng Black Hawk của quân đội Mỹ. Ảnh: Getty Images

Trong một cuộc họp báo hôm 30/3, Chuẩn tướng John Lubas, Phó Chỉ huy Lực lượng Sư đoàn dù 101, cho biết, vụ tai nạn xảy ra khi "trực thăng đang bay chứ không phải diễn tập sơ tán y tế có chủ ý".

Nói về vụ tai nạn trực thăng, Đại tá phi công đã nghỉ hưu Lee Ellis nói rằng: "Thứ nhất, rất khó để trực thăng hạ cánh. Trong trường hợp gặp tai nạn, một chiếc máy bay có cánh cố định có thể bay thêm vài km để có cơ hội hạ cánh an toàn. Thứ hai, điều quan trọng là các máy bay trực thăng quân sự có nguy cơ gặp nhiều nguy hiểm khi bay gần mặt đất hơn. Tôi rất đau lòng khi nghe tin các quân nhân đã thiệt mạng trong vụ tai nạn".

Josh Verde, một chuyên gia hàng không với hơn 25 năm kinh nghiệm lái máy bay, nói với Newsweek rằng "yếu tố vật lý là như nhau" giữa máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định.

Ông cho biết máy bay trực thăng hoạt động giống như máy bay cánh cố định, nhưng cánh của chúng là cánh quạt. Mặt cắt ngang của cánh quạt có hình dạng tương tự như cánh máy bay.

"Sự khác biệt chính giữa máy bay trực thăng và máy bay là trực thăng có nhiều chuyển động phức tạp hơn", ông Verde nói.

Theo chuyên gia Verde, mô-men xoắn của cánh quạt mạnh nhất khi chúng quay với tốc độ rất cao và điều đó tạo ra xu hướng thân máy bay trực thăng quay theo hướng ngược lại. Ông cho rằng tất cả cánh quạt ở đuôi, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi của máy bay trực thăng, đã thẳng hàng theo chiều dọc để chống lại lực quay.

"Cánh quạt ở đuôi thực sự rất quan trọng và nếu nó ngừng hoạt động vì bất kỳ lý do gì, trực thăng có thể mất kiểm soát và rơi xuống. Việc giữ cho cánh quạt ở đuôi tiếp tục hoạt động là rất quan trọng".

Chuyên gia hàng không cho hay, máy bay trực thăng có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn một chút so với máy bay cánh cố định vì 3 lý do chính. Thứ nhất, máy bay trực thăng có động lực vật lý phức tạp, nghĩa là có thể xảy ra nhiều trục trặc hơn như hỏng hóc thiết bị. Thứ hai, máy bay trực thăng phức tạp hơn và yêu cầu phi công phải có nhiều kỹ năng. Thứ ba, máy bay trực thăng hoạt động ở độ cao thấp hơn, nghĩa là có nhiều mối nguy hiểm và chướng ngại vật hơn.

"Máy bay trực thăng có nhiều vấn đề phức tạp về máy móc và hạ cánh an toàn so với máy bay cánh cố định. Điều này sẽ gây nguy hiểm hơn khi gặp tai nạn", ông Verde đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại