Về quê ăn Tết, bố tôi nắm chặt tay con gái và nói: 'Nếu cứ thế này thì đây là lần cuối cùng con về nhà'

Mạn Ngọc |

Có lẽ chẳng mấy ai ngờ được rằng thời đại này rồi vẫn còn có chuyện trọng nam khinh nữ đến như vậy.

Những tưởng chuyện trọng nam khinh nữ chỉ còn tồn tại trên sách vở thôi, ấy vậy nhưng có lẽ đến tận thời đại phát triển như bây giờ rồi, giữa một nền văn minh tiên tiến không ngừng thì có lẽ đâu đó vẫn xuất hiện không ít những câu chuyện chẳng biết nên khóc hay nên cười như chuyện ở nhà tôi.

Kể ra thì lại thành mang chuyện nhà ra cho thiên hạ bàn tán, thế nhưng tôi vẫn không thể không mở lời tâm sự để không ít gia đình cũng đang gặp cảnh bi hài như nhà tôi thì cũng nên có biện pháp để giải quyết. Tư tưởng kém nhân văn này vẫn nên bị bài xích đến cùng.

Chuyện chả là bố mẹ tôi lấy nhau gần 30 năm thì cũng có được ba cô công chúa. Thật ra hai ông bà vốn chỉ định sinh 2 con cho đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất, thế nhưng cô em út của tôi là nhỡ nhàng ngoài dự tính.

Một gia đình 5 người chúng tôi ngày nào cũng vui như hội, bố thì hay pha trò cười, mẹ thì chẳng ngại hùa theo, 3 “cô vịt giời” chúng tôi luôn là khán giả trung thành và tận tuỵ. Bố mẹ đã có lòng diễn hài, chúng con nhất định cười “góp” tận tình.

Nói chung, bố mẹ tôi dù miệng hay đùa rằng đẻ 1 đàn vịt giời xong rồi nó lớn đủ lông đủ cánh là bay đi hết. Thế nhưng thật sự trong lòng thì hai ông bà đắc ý lắm. Tưởng sinh được tận ba cô con gái xinh xắn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn mà dễ chắc!

3 chị em chúng tôi lúc nhỏ thì nghịch ngợm chả kém cạnh gì đám con trai hàng xóm. Mà cả khu này “dương thịnh âm suy”, hiếm lắm mới thấy 3 bé gái trạc tuổi nhau vừa xinh xắn vừa ngoan ngoãn nên nhà nào nhà nấy cũng quý 3 chị em chúng tôi vô cùng, cứ thấy đứa nào đi ngang là sẽ cho quà đủ cho cả ba đứa luôn.

Với sự nghiêm khắc của bố, 3 đứa chúng tôi nghịch thì có nghịch đấy nhưng học tập thì không chê vào đâu được. Cũng phải thôi, đứa nào học kém thì cả 3 đứa đều phải chịu phạt với lý do “không biết giúp đỡ lẫn nhau” thì làm sao mà chúng tôi có thể học kém được cơ chứ. Mà với các thầy cô giáo, làm sao có thể không yêu quý những cô bé học sinh học giỏi và rất biết nghe lời được cơ chứ.

Về quê ăn Tết, bố tôi nắm chặt tay con gái và nói: Nếu cứ thế này thì đây là lần cuối cùng con về nhà - Ảnh 1.

Đấy! Cũng bởi cái lẽ đó, 3 chị em chúng tôi có một tuổi thơ không chê được vào đâu với sự che chở, yêu thương của gia đình, trường lớp và xã hội nên nào có thể hiểu được khi bỗng nhiên mình trở thành đối tượng ngứa mắt của người lớn.

Tuy 3 chị em chúng tôi không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng tổn thương đầu đời của cả ba chị em chúng tôi lại đến cùng một thời điểm, cùng một địa điểm và cùng một nguyên nhân.

Đó là Tết năm tôi lên 9 tuổi, chị hai 12 tuổi và bé út 7 tuổi, lần đầu tiên chúng tôi được bố mẹ cho về quê nội ăn Tết. 3 đứa trẻ con ham vui và vô lo vô nghĩ như chúng tôi háo hức lắm, chỉ nhăm nhăm xé lịch đợi đến ngày cả nhà cùng đi chơi.

Ấy vậy nhưng mọi sự háo hức của chúng tôi đều lịm dần rồi tắt ngỏm kể từ lúc đặt chân vào nhà thờ họ. Vừa nhìn thấy ba đứa chúng tôi, một bác gái đã quát um lên, giọng bác lớn đến nỗi 3 đứa chúng tôi đứng ngẩn tò te không hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

- Chưa! Chưa được vào nhà, nhà có bà bầu, con gái bước vào nhà đầu tiên rồi phải vía không đẻ được con trai thì hỏng.

Mặc kệ ánh mắt bàng hoàng ngơ ngác của 3 đứa chúng tôi, bà bác bước qua bậc dắt tay đứa cháu trai khác vào nhà trước rồi mới cho chị em tôi vào.

Đến bữa cơm, các bác trai ngồi mâm cơm trên sập, bố mẹ tôi ngồi mâm kê ở ngoài sân với mấy bác gái. Lúc ấy thật sự tôi không hiểu việc ngồi mâm nào hay ăn ở đâu nó mang ý nghĩa gì, sau này lớn lên hiểu chuyện rồi thì vừa thấy tức lại vừa buồn cười vì sự ấu trĩ của người ta.

Tất cả những chuyện này bố tôi coi như chẳng có gì, thế nhưng đỉnh điểm là khi tôi gắp miếng đùi gà cho bé út ăn, tôi và chị hai không hề động đũa nhưng trong mâm thì con bé nhỏ tuổi nhất, thiết nghĩ gắp cho con bé là đương nhiên.

Bỗng, bà nội tôi từ trong bếp đi ra, thấy vậy liền cầm đôi đũa khác gõ vào đũa của tôi khiến miếng đùi gà rơi xuống đĩa.

- Để phần miếng đùi cho thằng Lâm, nó thích ăn đùi gà.

- Nhưng mà anh Lâm ăn một cái rồi mà bà. - Tôi nhớ rõ ràng có chiếc đùi gà kia đã được ai đó gắp vào bát anh họ của mình đầu tiên rồi.

- Ăn ăn cái gì mà ăn. Người lớn nói thì không được cãi.

Tôi tủi thân cúi đầu xuống nhìn bát cơm, nước mắt chảy xuống nhỏ thẳng vào từng hạt cơm trắng.

- Ba đứa, đứa dậy đi về với bố. Không ăn nữa.

Bố tôi từ trong bên ngoài bước vào nhà, một tay bế bé út, tay còn lại dắt tay tôi, mẹ cũng cầm tay chị hai đứng nép gần bố.

- Nếu cứ thế này thì đây là lần cuối cùng con về nhà. Con về không phải để ông bà nội đối xử với các cháu mình như thế.

Dứt lời, bố quay lưng đi một mạch ra khỏi nhà, không một lần ngoái đầu lại nhìn. Tuy lúc ấy chưa hiểu chuyện nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy bố vừa đứng lên làm một chuyện lớn lao để bảo vệ 4 mẹ con.

Thật ra đấy cũng là lần duy nhất trong đời ba chị em chúng tôi phải chịu thiệt thòi vì quan niệm trọng nam khinh nữ. Chỉ bao nhiêu thôi nhưng cũng đủ để in hằn vào trí nhớ của ba đứa trẻ đến mức rất nhiều năm về sau không đứa nào trong chúng tôi quên được câu chuyện đó. Như vậy đủ để biết với một đứa trẻ, sự phân biệt đối xử như vậy sẽ có ảnh hưởng đến chúng như thế nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại