Tâm trạng hoảng loạn ở Mỹ trước nguy cơ bị Liên Xô phóng tên lửa hạt nhân

Trung Hiếu |

Sau khi Khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba lên đến đỉnh điểm, tâm trạng căng thẳng bắt đầu gia tăng trong cả giới lãnh đạo và dân chúng Mỹ.

“Hòa bình hay diệt vong!”. Các thành viên của một tổ chức phụ nữ bày tỏ phản đối chiến tranh hạt nhân khi họ đứng bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào tháng 10/1962. Ảnh: AP.

“Hòa bình hay diệt vong!”. Các thành viên của một tổ chức phụ nữ bày tỏ phản đối chiến tranh hạt nhân khi họ đứng bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào tháng 10/1962. Ảnh: AP.

Thời nay, các câu chuyện kể lại của các nhân chứng giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm trạng chung của các bên vào thời điểm đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara tỏ ra rất bi quan

Nhà phân tích chính trị kiêm nhà báo Nga Fyodor Burlatsky nhớ lại: “Ở Liên Xô tình hình bình thản hơn ở Mỹ. Chúng tôi đều biết rằng Mỹ là một nước văn minh và sẽ không khởi động chiến tranh hạt nhân hủy diệt chính người dân của họ. Còn về phía họ, người Mỹ coi chúng tôi như một dạng nhà nước không thân thiện. Bản thân ông McNamara thú nhận với tôi sau đó rằng vào cuối ngày 27/10 (1962), ông tự nhủ: “Liệu tôi còn thấy mặt trời mọc vào ngày mai?”. Như vậy, về cơ bản, họ rúng động hơn chúng tôi. Họ cũng được thông tin tốt hơn. Truyền thông đại chúng rung chuông báo động, người dân đổ xô chuẩn bị hầm trú ẩn”.

Tuy nhiên, những gì ông Burlatsky nói thiên về tâm trạng giới tinh hoa chính trị của Mỹ. Còn dân chúng thì không hoàn toàn như vậy trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba này.

Quân nhân Liên Xô sẵn sàng nghênh chiến

Trung úy Liên Xô Alexander Gorensky, người công tác ở Cuba giai đoạn đó, trả lời trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Rodina: “Chúng tôi sống trong trạng thái chờ chiến tranh bùng nổ bất cứ phút nào và nghĩ rằng giao tranh quân sự là khá khó tránh khỏi. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó. Thượng cấp của chúng tôi chỉ dẫn cho chúng tôi rằng trong bất cứ trường hợp nào chúng tôi có 30 phút trước khi đối phương xóa sổ chúng tôi sau khi đợt tấn công đầu tiên được thực hiện. Nhưng thời gian như thế là đủ để trung đoàn của chúng tôi phóng 3 hoặc 4 tên lửa hạt nhân nhằm vào Florida, Mỹ, để bang đó bị loại bỏ trong vòng 20 phút đầu tiên. Trung đoàn Tên lửa Chiến đấu Tiền tuyến (FRK) được chỉ dẫn sẵn sàng đánh vào căn cứ Mỹ ở Guantanamo”.

Người dân Miami mất ngủ vì lo âu

Marta Maria Darby - người sống cùng gia đình ở Miami (Mỹ), chia sẻ ký ức về việc nói chuyện trên sóng với Đài công quốc gia Mỹ (NPR): “Tôi nhớ khi thông báo được phát đi, gia đình tôi phản ứng với suy nghĩ: “Thế giới sắp kết thúc và điều đó dính dáng đến Cuba”. Tôi khi ấy 7 tuổi, và chuyện ấy gây ấn tượng mạnh với tôi. Chúng tôi ngồi nghĩ: “Họ sẽ đánh vào đâu đầu tiên? Một kiểu hội thoại siêu thực. Tôi rất sợ. Và rồi người lớn trong nhà bắt đầu phân vân, “Có lẽ họ sẽ đánh New York trước”. Và thế là tôi không ngủ được trong nhiều ngày. Thật sự đáng sợ”.

Maria Salgado - cũng là một đứa trẻ, sống ở Cuba vào lúc đó, thì kể như sau: “Tôi nhớ các thành viên gia đình tụ họp về một chỗ, về quê hương vì mọi người nghĩ rằng thế giới sắp kết thúc nên chúng tôi muốn được ở bên gia đình, bên những người thân yêu”.

Trong khi đó, như những gì phóng viên Mỹ Michael D. Mosettig nhớ lại trên những trang báo của PBS NewsHour, nỗi hoảng loạn bắt đầu lan rộng ở thủ đô nước Mỹ: “Mối nguy hiểm tăng lên. Người ta nói về việc một số người đưa gia đình rời khỏi Washington… Kể từ khi Liên Xô thử nghiệm nổ trái bom nguyên tử đầu tiên của họ vào năm 1949, thì chuyện làm mục tiêu của tấn công hạt nhân đã trở thành một cái giá về mặt tiềm thức mà chúng tôi và gia đình chúng tôi phải trả khi chọn sống và làm việc ở thủ đô của đất nước”.

Giới chức Liên Xô trấn an

Trong khi ấy, Liên Xô thông qua các kênh chính thức và phi chính thức gửi đi thông điệp họ không muốn leo thang căng thẳng.

Phó Thủ tướng thứ nhất của Liên Xô Mikoyan xác nhận trong hồi ký: “Chúng tôi không muốn đưa tên lửa tới đâu cả, chúng tôi ủng hộ hòa bình và không đe dọa ai. Để phóng tên lửa, chúng tôi thậm chí không cần bất cứ tàu ngầm nào ở Cuba. Chúng tôi có đủ tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa trên lãnh thổ Liên Xô. Chính vì lợi ích của bản thân mà Mỹ gia tăng căng thẳng toàn cầu thay vì giảm nhẹ các căng thẳng đó, mục đích của họ là khiến những dân thường Mỹ vốn xa rời chính trị hình thành định kiến về Cuba và Liên Xô”.

Trung sĩ Liên Xô Felix Sukhanovsky kể lại trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Rodina: “Chúng tôi không cảm thấy toàn bộ căng thẳng gắn với tình hình đó, mặc dù chúng tôi hiểu rằng một vụ phóng tên lửa R-12 sẽ đẩy nhân loại xuống địa ngục. Một megaton sức công phá của TNT là tương đương 50 quả bom nguyên tử trút xuống Hiroshima (Nhật Bản) gộp lại”.

Trước sức ép quân sự từ Mỹ, người Cuba lúc đó cũng sẵn lòng cho phương án phóng tên lửa hạt nhân vào đất Mỹ. “Nhưng chúng tôi chưa nhận được lệnh thực hiện điều đó. Chúng tôi chỉ trực chiến và chờ mệnh lệnh đó” - Sukhanovsky nói./. (Còn nữa)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại