Giá củi tại Đức tăng vọt

An An |

Người dân châu Âu đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung năng lượng hạn chế.

Giá củi tại Đức tăng vọt trước mùa đông

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức mới đây cho biết, giá củi và viên nén gỗ ở Đức đã tăng 85,7% trong tháng 8 so với cùng tháng năm ngoái.

Các số liệu cho thấy chi phí củi đốt tăng nhanh hơn nhiều so với giá tiêu dùng nói chung, tăng 7,9% trong cùng kỳ.

"Các lý do khiến giá củi và viên nén gỗ tăng trên mức trung bình là do nhu cầu tăng, cũng như giá mua và chi phí vận chuyển trong ngành gỗ cao hơn" .

"Trong bối cảnh giá khí đốt, dầu mỏ và giá điện tăng, ngày càng có nhiều người sử dụng gỗ như một vật liệu thay thế để sưởi ấm cho ngôi nhà của mình. Khi mua củi để sử dụng cho bếp sưởi hoặc hệ thống sưởi, người tiêu dùng phải trả nhiều hơn đáng kể vào tháng 8/2022 so với một năm trước đó... Nguyên nhân khiến giá củi và viên nén gỗ tăng trên mức trung bình là do nhu cầu tăng cũng như giá mua và chi phí vận chuyển cao hơn trong ngành gỗ", cơ quan chức năng Đức giải thích.

Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga bị đình trệ. Tháng trước, Berlin đã tiết lộ một loạt các bước nhằm giảm tiêu thụ khí đốt trong mùa sưởi ấm sắp tới. Các biện pháp bao gồm giảm nhiệt độ sưởi ấm trong các văn phòng và các tòa nhà công cộng, ngoại trừ các cơ sở xã hội như bệnh viện, từ 20 đến 19 độ C.

Chi phí năng lượng tăng đột biến đã và đang làm ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp EU. Các quốc gia châu Âu khác cũng đã bắt đầu đưa ra các biện pháp quyết liệt để hạn chế sử dụng năng lượng, chẳng hạn như cấm chiếu sáng bên ngoài cho các tòa nhà và hạ nhiệt độ sưởi ấm trong nhà.

Giá củi tại Đức tăng vọt - Ảnh 1.

Giá củi ở Đức tăng hơn 80% trong tháng 8. Ảnh: Getty

Hàng nghìn công ty Ý có nguy cơ đóng cửa

Hơn 100.000 doanh nghiệp ở Ý có nguy cơ đóng cửa do hóa đơn năng lượng tăng vọt, hãng tin Corriere della Sera đưa tin hôm 24/9.

"Hiện nay, nhiều công ty đang tái tổ chức hoặc cắt giảm dịch vụ… Từ nay đến nửa đầu năm 2023, ít nhất 120.000 doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ đang gặp rủi ro… Đây là một ước tính thận trọng không tính đến các công ty lớn nhất", ông Carlo Sangalli, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Ý nói.

Theo ông, tình trạng này có thể khiến hơn 370.000 người mất việc làm.

"Về chi phí năng lượng, các khách sạn, nhà hàng... sẽ phải trả trên hóa đơn nhiều hơn 40-60% so với ở Đức và gấp ba lần so với ở Pháp", ông Sangalli tiết lộ, giá năng lượng ở Ý hiện cao hơn nhiều so với các nước khác, điều này gây căng thẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quan chức Ý cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể giáng đòn cuối cùng vào nhiều doanh nghiệp vốn đã dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19.

Ý, cùng với các nước EU khác, đang phải chống chọi với lạm phát cao kỷ lục. Lạm phát hàng năm ở nước này đạt 8,4% vào tháng 8, chủ yếu do chi phí năng lượng. Sản lượng nhập khẩu năng lượng từ Nga của Ý hàng năm đạt 76% nhưng đầu năm nay, họ mới chỉ nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga và đến tháng 7, con số này đã giảm xuống còn 25% do các lệnh trừng phạt.

Đầu tháng này, Ý bị mất nguồn cung từ Nga khi Gazprom ngừng dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 do các vấn đề kỹ thuật.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, hơn 70% người Ý đang gặp khó khăn hoặc đơn giản là không thể thanh toán hóa đơn năng lượng của họ. Chín trong số mười người dự định cắt giảm chi tiêu để trả tiền cho năng lượng, khi họ dự định thực hiện bằng cách hạn chế đi nhà hàng, quán bar và mua sắm quần áo.

Giá củi tại Đức tăng vọt - Ảnh 2.

EU có thể thiếu rau xanh do năng lượng tăng giá. Ảnh: Getty

Nông dân EU cảnh báo về thiếu lương thực

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, các nhà sản xuất rau củ trên khắp Bắc Âu và Tây Âu đang xem xét việc ngừng hoạt động, càng đe dọa thêm nguồn cung cấp thực phẩm, do cuộc khủng hoảng năng lượng đang tấn công châu lục này.

Được biết, giá điện và giá khí đốt tăng vọt là chi phí lớn nhất mà nông dân trồng rau theo phương pháp canh tác trong nhà kính phải đối mặt. Hai nông dân Pháp gia hạn hợp đồng điện cho năm 2023 nói với Reuters rằng, họ đang được báo giá cao hơn mười lần so với năm 2021.

Benjamin Simonot-De Vos, trồng dưa chuột, cà chua và dâu tây ở phía nam Paris, cho biết: "Trong những tuần tới, tôi sẽ lên kế hoạch cho mùa vụ mới nhưng tôi không biết phải làm gì. Nếu tình trạng cứ như thế này thì chẳng thể bắt đầu một năm [trồng trọt] mới nữa rồi".

Johannes Gross, phó giám đốc bán hàng của hợp tác xã Đức Reichenau-Gemüse, nói với Reuters: "Chúng tôi đối mặt với chi phí sản xuất tổng thể tăng khoảng 30%. Một số đồng nghiệp đang nghĩ đến việc bỏ trống nhà kính để giữ chi phí thấp nhất có thể. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra vào năm sau".

Chi phí phân bón, đóng gói và vận chuyển tăng cao cũng làm gia tăng thêm khó khăn. Ngay cả ở những quốc gia ấm hơn như Tây Ban Nha, nông dân trồng rau cũng đang vật lộn với chi phí phân bón tăng vọt 25%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại