Hết đạn, chờ UAV tiêu diệt ư - Nga đã khắc phục điểm yếu chết người của Pantsir-S1 ra sao?

Hoài Giang |

Mặc dù được đánh giá là hiệu quả nhưng một số điểm yếu đã khiến Pantsir-S1 không ít lần trở thành mục tiêu bị đối phương tiêu diệt tại Libya và Syria.

Không quân Israel phá hủy các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 ở Syria.

Không quân Israel phá hủy các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 ở Syria.

Được Phòng thiết kế chế tạo khí cụ thành phố Tula (KBP) phát triển vào những năm 1990, Pantsir-S1 (định danh NATO là SA-22 Greyhound) là một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung.

Mặc dù được đánh giá là hiệu quả nhưng Pantsir-S1 đã không ít lần trở thành mục tiêu bị đối phương tiêu diệt - chủ yếu là do hỏa lực từ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tại các chiến trường Libya và Syria.

Một phần nguyên nhân đến từ hạn chế trong thiết kế của Pantsir-S1 - mỗi tổ hợp chỉ có thể mang theo tối đa 12 tên lửa phòng không và khi hết đạn tên lửa, nó cần phải được nạp lại. Ở các chiến trường Trung Đông và Bắc Phi, công tác này không hề dễ dàng và nhanh chóng.

Không quân Israel phá hủy các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 ở Syria

Theo Topwar.ru, mới đây KBP đã phát triển thêm một khí tài mới giúp khắc phục điểm yếu nói trên - thuộc thành phần của biến thể Pantsir-SM mới được phát triển dành riêng cho Quân đội Nga.

Được biết khí tài được gọi là "TBM" (phương tiện vận tải - chiến đấu) với đặc điểm không trang bị pháo 30 mm cũng như radar - giúp nó mang theo cơ số đạn tên lửa gấp đôi - ống phóng 24 tên lửa.

Để bù đắp việc không có khả năng tự phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho tên lửa, "TBM" sẽ nhận được thông tin về mục tiêu từ radar của các khí tài khác thông qua một hệ thống kết hợp.

Ngoài việc hoạt động như một xe phóng, một thiết bị nạp đạn được lắp trên "TBM", cho phép kíp lái tự nạp đạn tên lửa cũng như nạp đạn cho các tổ hợp khác.

Hết đạn, chờ UAV tiêu diệt ư - Nga đã khắc phục điểm yếu chết người của Pantsir-S1 ra sao? - Ảnh 2.

Ý tưởng về một khí tài mang tới 24 ống phóng tên lửa phòng không (trái) thuộc Pantsir-SM đã được KBP trình chiếu trước Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2014.

Hết đạn, chờ UAV tiêu diệt ư - Nga đã khắc phục điểm yếu chết người của Pantsir-S1 ra sao? - Ảnh 3.

Góc nhìn khác về "TBM" (phải) với thứ được cho là tay đòn của thiết bị nạp đạn nằm trước cụm tên lửa trong bản trình chiếu trước Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2014.

Cần lưu ý rằng Pantsir-SM được phát triển những cải tiến dựa trên các tổ hợp Pantsir-S trang bị trước đó - ví dụ như bổ sung tên lửa có tốc độ cao (lên tới Mach 5 - 1,702 mét/giây nếu so với 1300 mét/giây của tên lửa 57E6E trong tổ hợp Pantsir-S).

Pantsir-SM cũng nhận được một radar mới cho phép nó "nhìn thấy" mục tiêu ở khoảng cách lên đến 75 km. Tầm bắn hiệu quả cũng tăng lên 40 km và tổ hợp có khả năng nhận biết và tiêu diệt tất cả các loại máy bay không người lái (UAV).

Ngoài ra, các tên lửa đất đối không cỡ nhỏ được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt UAV cũng đã được phát triển cho Pantsir-SM.

Mỗi xe phóng của tổ hợp nay có thể mang tới 48 tên lửa loại nói trên (12 ống phóng mỗi ống 4 tên lửa) - và với "TBM" số lượng nói trên sẽ được tăng gấp đôi tương ứng là 96 tên lửa.

Hết đạn, chờ UAV tiêu diệt ư - Nga đã khắc phục điểm yếu chết người của Pantsir-S1 ra sao? - Ảnh 4.

Đồ họa miêu tả tên lửa đất đối không cỡ nhỏ được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt UAV được tích hợp trong ống phóng của Pantsir-S1/SM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại