Giáo sư nổi tiếng: 6 thói quen của cha mẹ tưởng vô hại lại âm thầm ảnh hưởng xấu tới con

Tiểu Lam |

Cha mẹ có những thói quen dưới đây tưởng vô hại nhưng lại âm thầm ảnh hưởng không tốt tới trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý!

Dạy con là một hành trình không hề đơn giản, trong đó cha mẹ luôn đóng vai trò quan trọng là người thầy đầu tiên dẫn dắt và dạy dỗ con những bài học đầu tiên. Chính vì vậy, từng lời nói, hành động lẫn thói quen của cha mẹ có tác động vô cùng lớn tới sự hình thành nhân cách, tính cách và nhận thức của trẻ sau này.

Theo đó, trong bài phát biểu chia sẻ về “Tâm lý giáo dục gia đình”, giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn người có nhiều năm nghiên cứu về tâm lý và phương pháp nuôi dạy trẻ đã chỉ ra 6 thói quen thường thấy ở các bậc phụ huynh tưởng vô hại lại âm thầm ảnh hưởng xấu tới các con. Từ đó, giáo sư đã đưa ra những lời khuyên đồng thời kiến nghị các bậc phụ huynh nên sớm thay đổi những thói quen không tốt này.

Giáo sư nổi tiếng: 6 thói quen của cha mẹ tưởng vô hại lại âm thầm ảnh hưởng xấu tới con - Ảnh 1.

Giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn người đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc.

6 thói quen của cha mẹ tưởng vô hại lại âm thầm ảnh hưởng xấu tới con

Theo đó, cùng quan điểm với giáo sư Lý Mai Cẩn, ông Zubair Khan bác sĩ về tâm lý trẻ tại Trường Motefiore, Mỹ cũng chia sẻ: "Mỗi một đứa trẻ đều giống như những miếng bọt biển, chúng tiếp nhận mọi thứ từ môi trường sống xung quanh. Đặc biệt, chúng thường lưu tâm và 'nghiên cứu' hành vi của cha mẹ, từ đó học tập, bắt chước và làm theo những gì mà cha mẹ chúng thường làm".

Tuy nhiên, hiện nay có không ít bậc phụ huynh cho rằng, dạy con cần chú ý tới những điều to tát lớn lao nhưng lại quên đi mất bản thân mình chính là tấm gương để con noi theo và học tập. Theo đó, có 6 thói quen tưởng chừng vô cùng bình thường của cha mẹ lại ảnh hưởng không tốt tới các con, cha mẹ nên cảnh giác.

    1. Cha mẹ có thói quen trì hoãn, làm việc không dứt khoát

Có không ít bậc phụ huynh ngày nay có tác phong cùng thói quen làm việc không dứt khoát, khoa học. Một việc nhưng làm mãi không xong và cứ kéo dài lê thê qua hết ngày này qua ngày khác.

Ví dụ như việc quyết định sẽ đưa con đi đăng ký lớp học vẽ nhưng không làm ngay, cứ lên kế hoạch rồi lại hủy ngang vì nhiều lý do không thuyết phục, dẫn tới mãi không đăng ký học xong cho con. Hay như việc cha mẹ nói rằng cuối tuần sẽ dọn nhà, nhưng tới cuối tuần lại mải mê xem bóng đá, xem phim dẫn tới nhà cửa vẫn bừa bộn. Sau cùng lại đẩy sang cuối tuần sau mới dọn nhà.

Việc cha mẹ có thói quen làm việc không dứt khoát sẽ khiến trẻ cũng hình thành tư duy tương tự. Từ đó không nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc mà luôn tìm mọi cách để trì hoãn. Những đứa trẻ có thói quen trì hoãn như vậy sẽ gặp khó khăn cả trong quá trình học tập lẫn làm việc sau này.

Cách khắc phục: Cha mẹ nên xây dựng, lên kế hoạch từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống và phải tuân thủ theo kế hoạch này. Việc giải quyết công việc nhanh gọn không chỉ tiết kiệm thời gian cho chính cha mẹ, mà còn trở thành tấm gương cho các con học tập và noi theo. Đặc biệt, việc dạy trẻ cách xây dựng kế hoạch và thời gian biểu khoa học là việc cực kỳ có ích cho tác phong học tập và làm việc của con sau này.

    2. Cha mẹ có thói quen phá vỡ “quy tắc”

Mỗi một gia đình là một xã hội thu nhỏ, có thể thấy, để vận hành mọi thứ đi lên theo chiều hướng tốt đẹp chúng ta cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, đồng thời cùng nhau đặt ra những “điều luật”, nguyên tắc sống chuẩn đạo đức cùng những quy tắc thích hợp. Chính vì vậy, bất cứ một gia đình nào, cha mẹ cũng cần phải có cho mình những “quy tắc” rõ ràng, chuẩn chỉnh và phù hợp nhất.

Giáo sư nổi tiếng: 6 thói quen của cha mẹ tưởng vô hại lại âm thầm ảnh hưởng xấu tới con - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Ví dụ như những quy tắc ứng xử trong gia đình, như cần lễ phép chào hỏi người lớn tuổi, bỏ rác đúng nơi quy định, không được chửi láo, lấy đồ từ đâu cần cất lại đúng vị trí, đi ngủ và thức dậy đúng giờ… Hay như những quy tắc ứng xử khi ở nơi công cộng như tuân thủ giao thông, tôn trọng văn hóa xếp hàng…

Những quy tắc này không chỉ dành riêng cho các con mà chính cha mẹ cũng cần nghiêm túc tuân thủ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít bậc phụ huynh vì những lý do chủ quan lẫn khách quan mà tự mình phá vỡ những “quy tắc” này. Lâu dần hình thành thói quen không tốt cho chính bản thân và các con.

Việc các bậc phụ huynh tự đề ra những quy tắc nhưng lại tự mình phá vỡ sẽ khiến các con học theo, từ đó hình thành nên tư duy sống vô kỷ luật. Điều này dần dần khiến con chỉ sống theo những gì mà con muốn, vô hình chung đẩy con vào “vòng tròn vô kỷ luật”, những đứa trẻ như vậy thường khó mà làm nên việc lớn sau này.

Cách khắc phục: Cha mẹ cần nâng cao ý thức và thực sự nghiêm túc tuân thủ những quy tắc trong gia đình và cả những quy tắc ngoài xã hội. Việc này không chỉ tốt cho con mà còn tốt cho chính cha mẹ.

    3. Cha mẹ có thói quen đáp ứng mọi nhu cầu của con dễ dàng

Có không ít bậc phụ huynh vì quá yêu con cái nên khi con muốn gì cha mẹ đều thực hiện yêu cầu đó ngay lập tức. Việc thỏa mãn tất cả những nhu cầu của con một cách dễ dàng và nhanh chóng dễ khiến con nghĩ rằng mọi thứ rất dễ dàng, từ đó hình thành nên thói quen hưởng thụ, không quan tâm tới quá trình cha mẹ đã vất vả hay làm những gì để đáp ứng được yêu cầu của con.

Điều này thậm chí có thể khiến nhận thức của trẻ bị “bóp méo” và cho rằng nếu cha mẹ không đáp ứng yêu cầu của mình thì tức là cha mẹ không yêu thương mình. Lâu dần biến con thành đứa trẻ không biết quý trọng cả vật chất lẫn tình cảm, luôn cả thèm chóng chán và đòi hỏi những yêu cầu phi lý.

Cách khắc phục: Cha mẹ nên "yêu thương con có điều kiện", tức là mọi thứ đều có giới hạn nhất định. Cha mẹ cũng cần học cách dứt khoát nói "không" với những yêu cầu vô lý của con. Tránh cưng chiều và biến các thành các chàng hoàng tử, công chúa muốn gì nấy.

    4. Cha mẹ có thói quen không nhận lỗi với con

Theo giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn cho biết, có không ít bậc phụ huynh luôn cảm thấy khó khăn khi nói “xin lỗi” với con. Nguyên nhân dẫn tới điều này được nhiều bậc phụ huynh đưa ra là vì cảm thấy làm như vậy sẽ mất “uy quyền” với các con.

Giáo sư nổi tiếng: 6 thói quen của cha mẹ tưởng vô hại lại âm thầm ảnh hưởng xấu tới con - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Chính vì vậy, nhiều người mặc dù biết mình có hành động và lời nói không đúng nhưng thường lựa chọn im lặng không xin lỗi, thậm chí trong một số trường hợp còn còn thể hiện thái độ không nhận sai, giận dỗi ngược và không thành thật xin lỗi con.

Chính thói quen này khiến con không hiểu được giá trị thật sự của lời xin lỗi, từ đó khiến con học theo. Trong một số trường hợp tiêu cực, việc cha mẹ cứ khăng khăng mình luôn đúng, không chịu nhận lỗi sẽ khiến con cảm thấy không được cha mẹ tôn trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa bố mẹ và các con.

Cách khắc phục: Nhà tâm lý học nổi tiếng Carmichael từng nói: "Việc những người cha có thể dũng cảm nhận sai sẽ giúp các con hiểu được thế nào là mạnh mẽ, từ tấm gương của cha mà trở thành một người có sự hiểu biết và có năng lực". Thay vì im lặng và để mọi chuyện trôi đi, những bậc phụ huynh có thể gợi mở những câu chuyện về lời "xin lỗi", từ đó xin lỗi con một cách chân thành, để con hiểu được giá trị của lời xin lỗi và cho con thấy cha mẹ rất tôn trọng con.

5. Cha mẹ có thói quen “con là nhất”

Với cha mẹ, các con luôn là “bảo bối” vô cùng quý giá, chính vì vậy cha mẹ thường yêu chiều con vô điều kiện và có không ít gia đình hình thành tư tưởng “con là nhất”. Tức là con luôn được nuông chiều và ưu tiên hơn tất cả những người khác. Có đồ ăn ngon, đồ đẹp hay bất cứ thứ gì tốt cha mẹ đều để hết cho con mình.

Việc này là điều hoàn toàn dễ hiểu, tuy nhiên, giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, việc cha mẹ luôn đặt con lên hàng đầu không có chừng mực dễ khiến đứa trẻ cảm thấy mình luôn “độc nhất” và hơn người khác một bậc. Chính thói quen tưởng chừng yêu thương con này lại khiến đứa trẻ quen với việc mình luôn đặc biệt và hơn người. Từ đó hình thành tính cách ích kỷ, hiếu thắng, luôn muốn những gì tốt đẹp nhất đều phải thuộc về mình.

Cách khắc phục: Cha mẹ cần hiểu rằng ranh giới giữa việc yêu chiều con có chừng mực và nuông chiều con thái quá rất mỏng manh, mong rằng các bậc phụ huynh cần cân nhắc và đặc biệt lưu ý vấn đề này.

    6. Cha mẹ có thói quen thất hứa với con

Bất kể là từ lý do chủ quan hay khách quan, việc cha mẹ thường xuyên thất hứa sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn những gì mà chúng ta vẫn nghĩa.

Cha mẹ thường xuyên thất hứa với con sẽ khiến con cảm thấy bản thân không được cha mẹ trân trọng yêu thương, các con sẽ cho rằng cha mẹ không coi trọng mình và mất dần niềm tin vào cha mẹ, từ đó khiến các con cho rằng cha mẹ là những “kẻ nói dối” và học theo. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của trẻ, do đó, một khi đã hứa với con bất kể điều gì dù là nhỏ nhất. Cha mẹ cũng cần giữ đúng lời hứa và hoàn thành những gì mình đã nói.

Cách khắc phục: Luôn chắc chắn về việc mình có thể thực hiện được những gì mình nói ra, trong trường hợp có vấn đề bất ngờ không giữ lời hứa được thì cần trực tiếp trao đổi với con. Hạn chế tối đa việc thất hứa hoặc hứa vui lúc đó và không thực hiện.

Trên đây là 6 thói quen thường gặp, tưởng chừng vô hại nhưng lại có ảnh hưởng không tốt tới các con. Các bậc phụ huynh nếu có một trong những thói quen này thì nên lưu ý và thay đổi sớm nhất có thể.

Dạy con là cả quá trình vất vả và khó khăn, đôi khi chúng ta mới chỉ làm tốt được phần "nuôi" còn phần "dạy" vẫn còn rất nhiều điều cần học tập thêm và sửa đổi. Mong rằng qua bài viết này có thể giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào quá trình nuôi dạy con thật khéo léo và phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại