Tục lệ hồi môn dẫn đến những cái chết thương tâm ở Ấn Độ

Trang Phan |

Tại Ấn Độ, rất nhiều nơi vẫn còn có tục lệ phụ nữ khi kết hôn phải trả cho gia đình nhà trai một khoản hồi môn lớn dù Ấn Độ đã cấm thông lệ này từ hơn 60 năm trước.

Hành vi quấy rối hoặc tống tiền để đòi của hồi môn là một hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tục lệ này vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, với quan niệm phụ nữ là gánh nặng kinh tế khi được cưới về và nhà gái cần phải bồi thường cho nhà trai. Các hãng truyền thông địa phương thường xuyên đưa tin về những cuộc tranh chấp tài sản trong hôn nhân mà kết thúc bằng những vụ án mạng.

Ba chị em gái Kalu, Kamlesh và Mamta cùng con của họ, một trẻ 4 tuổi và 2 bé còn trong bụng mẹ, được tìm thấy đã chết trong giếng ở một ngôi làng tại ngoại ô Jaipur, Ấn Độ. Trước đó, họ là nạn nhân của cuộc tranh chấp về của hồi môn. Chỉ 2 trong số 3 chị em kết hôn vào cùng một gia đình, sống chung một mái nhà. Tuy nhiên, cả 3 chị em đều bị chồng bạo hành liên tục do gia đình nhà gái không thể trả hết tiền hồi môn cho phía nhà chồng.

Ông Sardar Meena, cha của họ, một nông dân với thu nhập ít ỏi, cho biết, cuộc sống đối với các cô con gái của ông là một "địa ngục trần gian", bị chồng cấm theo đuổi con đường học vấn và liên tục bị đánh để đòi thêm tiền.

Tục lệ hồi môn dẫn đến những cái chết thương tâm ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị bạo hành về thể xác và tinh thần liên quan đến của hồi môn, thậm chí dẫn đến cái chết. (Ảnh: Ủy ban Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ)

Ông Sardar Meena, cha và ông ngoại của các nạn nhân, nói: "Chúng tôi đã đưa họ hết mọi thứ, giường, ti vi, tủ lạnh ở nhà họ đều là từ nhà chúng tôi. Tôi là cha của sáu cô gái, tiền của tôi thì có giới hạn. Nhưng ít nhất tôi đã giáo dục các con rất tốt và điều đó không phải ai cũng làm được. Bất cứ ai biết suy nghĩ sẽ không đẩy chúng tôi đến bước đường cùng".

Năm 2021, một người đàn ông ở bang Kerala đã bị án tù chung thân sau khi dùng rắn độc giết vợ để độc chiếm tài sản chung bao gồm một chiếc ô tô mới và 500.000 Rupee (gần 150 triệu đồng) do gia đình cô cung cấp làm của hồi môn. Tháng 5/2022, một người đàn ông cũng đã bị lĩnh án 10 năm tù sau khi gây sức ép đòi của hồi môn khiến vợ anh ta tự tử.

Đối với phần lớn phụ nữ Ấn Độ, ly hôn không bao giờ được coi là một lựa chọn dù bị bạo hành để duy trì phẩm giá của gia đình.

Ông Sardar Meena cho biết: "Các con gái tôi phải đối mặt với bạo lực và chúng đã bỏ về nhà mẹ đẻ nhiều lần. Nhưng rồi cuối cùng chúng vẫn quay lại nhà chồng của mình vì chúng nói rằng đó là điều phải làm".

Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia của Ấn Độ ghi nhận gần 7.000 vụ giết người liên quan đến của hồi môn vào năm 2020, tức khoảng 19 phụ nữ mỗi ngày. Ngoài ra, hơn 1.700 phụ nữ cũng đã tự sát vào năm đó vì "các vấn đề liên quan đến của hồi môn". Dù vậy, các chuyên gia cho biết, số vụ việc thực tế cao hơn nhiều. Cũng theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản là do sự chấp nhận rộng rãi của xã hội đối với bạo lực gia đình, khiến phụ nữ không đứng lên chống lại sự áp bức và hành hạ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại