Đàm phán hạt nhân Iran xuất hiện khó khăn mới: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thế khó xử

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mặc dù khó khăn, nhưng thực tế cho thấy tất cả các bên, đặc biệt là Mỹ và Iran đều không muốn các cuộc đàm phán Vienna đổ vỡ và căng thẳng leo thẳng trở lại.

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) tại Vienna kéo dài từ tháng 4/2021 đang bước vào giai đoạn cuối cùng.

Tất cả các bên tham gia đàm phán, trong đó có Mỹ và Iran đều cho rằng các cuộc đàm phán đã đạt được tiến bộ quan trọng.

Mỹ và Iran đã nhất trí về những nội dung cơ bản của một thỏa thuận, xác định trách nhiệm của mỗi bên nhằm quay trở lại thỏa thuận JCPOA năm 2015 mà chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump rút khỏi tháng 5/2018.

Một không khí lạc quan bao trùm lên tiến trình đàm phán ở Vienna. Tuy nhiên, đến nay một thỏa thuận mới vẫn chưa được ký kết. Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran ở Vienna đã ngừng từ 11/3/2022 đến nay vẫn chưa có ngày cụ thể nối lại.

Các cuộc đàm phán đứng trước những khó khăn mới

Trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc đạt được thỏa thuận là việc Tehran yêu cầu Washington loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố và xác định vai trò tương lai của Iran ở Trung Đông.

Phía Mỹ cho rằng, nếu Iran tiếp tục theo đuổi chính sách chống Mỹ thì không thể nói về ký kết thỏa thuận.

Cùng với việc Iran đòi dỡ bỏ IRGC khỏi danh sách khủng bố như một trong những điều kiện để hồi sinh thỏa thuận JCPOA, vụ Mỹ ám sát tư lệnh các lực lượng Quds trực thuộc IRGC Qassem Soleimani, được coi là "chướng ngại vật cuối cùng" để hồi sinh JCPOA.

Tướng Q. Soleimani là nhà chỉ huy quân sự quyền lực nhất Iran, chỉ huy các hoạt động của Tehran trên khắp Trung Đông bị quân Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump giết tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq tháng 1/2020.

Đàm phán hạt nhân Iran xuất hiện khó khăn mới: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thế khó xử - Ảnh 1.

Về phần mình, Mỹ yêu cầu Tehran phải đình chỉ điều tra vụ ám sát Q. Soleimani, coi đó là một trong những điều kiện chính của để loại bỏ IRGC khỏi danh sách khủng bố.

Các cơ quan an ninh Mỹ cho biết, Iran có kế hoạch trả thù nhằm vào một số cựu quan chức chính phủ Mỹ bị cáo buộc liên quan đến vụ ám sát Q. Soleimani. Washington cho rằng, trong hoàn cảnh như vậy, không thể chấp nhận yêu cầu của Iran loại bỏ IRGC khỏi danh sách khủng bố.

Trong khi đó, tư lệnh các lực lượng bộ binh của IRGC Mohamad Bakpour nói: "Ngay cả khi tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ bị giết cũng sẽ không đủ để trả thù cho cái chết của Q. Soleimani".

Ngoài các vấn đề trên, việc Mỹ đảm bảo không rút khỏi bất kỳ thỏa thuận mới nào trong tương lai và kiểm chứng việc Mỹ có thực sự dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hay không vẫn là một trong những đòi hỏi hàng đầu của Iran.

Kamal Kharazi, cố vấn của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng việc dỡ bỏ IRGC khỏi danh sách khủng bố là "lằn ranh đỏ", là điều kiện để đạt được thỏa thuận và điều này cần một quyết định chính trị từ phía Mỹ.

Ông Kharazi nói: "IRGC là quân đội quốc gia của Iran, việc coi quân đội quốc gia của một nước là một nhóm khủng bố là không thể chấp nhận được."

Ngoại trưởng Iran, Amir Abdollahian, lần đầu tiên cũng đã thừa nhận việc loại bỏ IRGC khỏi danh sách khủng bố vẫn là một trong số ít những vấn đề cản trở việc đạt được đồng thuận.

Trong khi đó, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Robert Malley, đặc phái viên của Mỹ về Iran khẳng định các lệnh trừng phạt chống lại IRGC vẫn sẽ được duy trì và Washington sẽ không loại bỏ lực lượng này khỏi danh sách khủng bố bất kể các cuộc đàm phán với Tehran có đi tới thỏa thuận hay không.

Mỹ cáo buộc IRGC đã giết hàng trăm người Mỹ và tham gia vào các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran, đồng thời có liên quan đến các vi phạm nhân quyền. Lực lượng Quds trực thuộc IRGC đã cung cấp vũ khí và ủng hộ các lực lượng thân Iran ở Trung Đông.

Đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas Greenfield, không loại trừ khả năng không đạt được thỏa thuận với Iran. Bà nói "Nếu ngoại giao thất bại, chúng tôi sẽ hành động, sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Iran bằng mọi cách".

Đàm phán hạt nhân Iran xuất hiện khó khăn mới: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thế khó xử - Ảnh 3.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo là ai?

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolutionary Guard Corps-IRGC) là một nhánh của Quân đội Iran được thành lập ngày 22/4/1979 sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran theo lệnh của đại giáo chủ Ayatollah Rohollah Khomeini.

Theo hiến pháp Iran, Quân đội có nghĩa vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, còn nhiệm vụ của IRGC là bảo vệ hệ thống chính trị Hồi giáo, ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài cũng như các âm mưu đảo chính lật đổ chế độ.

IRGC có khoảng 125,000 quân gồm các binh chủng lục quân, hải quân, không quân. Lực lượng hải quân của IRGC hiện là lực lượng chính được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh của Vùng Vịnh. IRGC cũng kiểm soát lực lượng dân quân Basij bán quân sự có khoảng 90,000 thành viên.

Là lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ ý thức hệ, IRGC đóng vai trò to lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Iran.

Vai trò xã hội, chính trị, quân sự và kinh tế của IRGC được mở rộng dưới thời chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2009 và cuộc đàn áp sau đó đã khiến nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng quyền lực chính trị của tổ chức này đã vượt lên trên cả hệ thống giáo sĩ Shia của Iran.

Tư lệnh IRGC từ năm 2019 là Hossein Salami. IRGC bị chính quyền một số nước, trong đó có Mỹ, Bahrain, Saudi Arabia coi là khủng bố.

IRGC không chỉ hoạt động như một lực lượng vũ trang mà còn mở rộng sang hoạt động kinh tế, thương mại.

Hiện nay, IRGC không chỉ giám sát chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran, mà còn là một tập đoàn kinh tế có doanh thu lên tới hàng tỷ USD hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực.

Theo một số thông tin, IRGC có quan hệ với hơn một trăm công ty, với doanh thu hàng năm vượt quá 12 tỷ USD trong lĩnh vực thương mại và xây dựng. IRGC được giao thực hiện nhiều dự án trong ngành dầu khí và hóa dầu, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng lớn trị giá hàng tỷ USD.

Lý do làm cho lập trường Iran trở nên cứng rắn hơn

Mỹ và các đồng minh phương Tây đổ lỗi cho Iran có lập trường cứng rắn đối với một số vấn đề quan trọng. Trong khi đó, Tehran tuyên bố, không có gì phải vội vàng trong việc ký kết thỏa thuận.

Với chiến thắng của Ibrahim Raisi, đại diện của phe bảo thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 8/2021, lập trường của Tehran trong đàm phán trở nên cứng rắn hơn.

Iran yêu cầu khôi phục JCPOA ở phiên bản gốc của nó mà không có bất kỳ sự bổ sung hoặc thay đổi nào. Họ đòi Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà chính quyền D. Trump áp đặt chống Iran, trong đó có việc loại IRGC khỏi danh sách khủng bố và Mỹ phải đảm bảo bằng văn bản sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa.

Cuộc chiến ở Ukraine có tác động nhất định đến các cuộc đàm phán ở Vienna. Việc Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga đang làm cho cuộc khủng hoảng nhiên liệu ở Mỹ và châu Âu trở nên tồi tệ hơn.

Đặc biệt, trong khi Mỹ và châu Âu đang chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, thái độ Iran tỏ ra cứng rắn hơn.

Washington và Brussels lúc này rất cần dầu của Iran để thay thế nguồn cũng cấp từ Nga, đã tỏ ra mềm mỏng hơn trong quan hệ với Tehran. Về phần mình, Iran đang được hưởng lợi do giá dầu tăng nên họ không tỏ ra vội vàng kết thúc đàm phán và ký kết thỏa thuận với Mỹ.

Đàm phán hạt nhân Iran xuất hiện khó khăn mới: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thế khó xử - Ảnh 5.

Các bên đều không muốn đàm phán thất bại

Mặc dù khó khăn, nhưng thực tế cho thấy tất cả các bên, đặc biệt là Mỹ và Iran đều không muốn các cuộc đàm phán Vienna đổ vỡ và căng thẳng leo thẳng trở lại một khi trong hơn một năm qua đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Cả Washington và Tehran đều hiểu rằng họ sẽ không thể nào đạt được các mục tiêu tối đa của mình.

Ngày 1/5/2022, phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Bahadori Jahromi tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục đàm phán nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho đến khi quyền lợi của Iran được bảo đảm toàn diện và đầy đủ. Ông cho biết, các cuộc đàm phán về việc gia hạn JCPOA là một trong những ưu tiên hàng đầu của Iran.

Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken cho biết: "Cách duy nhất để có thể xóa IRGC khỏi danh sách khủng bố là Iran từ bỏ cam kết trả thù những nhân vật trong chính quyền Mỹ liên quan đến vụ ám sát tướng Q.Soleimani tháng 1/2020."

Đàm phán hạt nhân Iran xuất hiện khó khăn mới: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở thế khó xử - Ảnh 6.

Tổng thống Mỹ J. Biden đang ở trong tình trạng khó xử. Một mặt, lo ngại việc loại bỏ IRGC khỏi danh sách khủng bố sẽ vấp phải sự phản đối trong nội bộ nước Mỹ, kể cả đảng Dân chủ và Cộng hoà. Mặt khác, nếu không đạt được thỏa thuận khôi phục lại JCPOA có nghĩa là không thực hiện cam kết của mình đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2021 sẽ ảnh hưởng tới kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2022 tới.

Các nước châu Âu đang tìm cách thỏa hiệp bằng cách coi IRGC như một tổ chức quân sự và chính trị, tương tự như một số quốc gia châu Âu trước đây không coi Hamas và Hezbollah là khủng bố.

Cuối tháng 3/2022, Enrique Mora, điều phối viên của Liên minh châu Âu về các cuộc đàm phán Vienna đã đến Tehran nhằm tháo gỡ bế tắc, tìm cách thuyết phục Iran ký thỏa thuận, còn vấn đề liên quan đến IRGC sẽ để lại đàm phán sau.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong tình hình như vậy cần có các thỏa thuận tạm thời để duy trì JCPOA và các cuộc đàm phán vẫn sẽ tiếp tục để tìm ra giải pháp lâu dài hơn. Đây là giải pháp khả dĩ nhất. Các bên đàm phán vẫn hy vọng Iran và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận như trên trong các vòng đàm phán tiếp theo./.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại