Hết MiG lại đến Su, Tu, Yak: Vì sao Nga hay đặt tên máy bay một cách "kỳ cục" như vậy?

Mạnh Kiên |

Chúng ta thường nghe đến những máy bay Su-35, MiG-29, Tu-160 v.v... của Nga. Nhưng hiếm ai biết lý do vì sao chúng lại được đặt tên một cách khá kỳ cục như vậy.

Những chiếc máy bay nổi tiếng của Nga thường có những cái tên khá ngắn gọn, thậm chí là kỳ lạ. Những cái tên này bắt nguồn từ đâu?

MiG

MiG là dòng tiêm kích đã quá quen mặt trên thế giới, từng đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong số này người ta thường nhắc đến MiG-29, một trong những máy bay tốt nhất từng được Liên Xô sản xuất.

MiG cũng xuất hiện trong văn hóa đại chúng - bao gồm cả trong các bộ phim như 'Top Gun' (1984) và 'Firefox' (1982) - một bằng chứng cho thấy tầm ảnh hưởng toàn cầu của cái tên này.

Hết MiG lại đến Su, Tu, Yak: Vì sao Nga hay đặt tên máy bay một cách kỳ cục như vậy? - Ảnh 1.

Trên thực tế, máy bay MiG bắt nguồn từ tên của hai kỹ sư trưởng Artem Mikoyan và Mikhail Gurevich.

Hai tài năng thiết kế máy bay đã gặp nhau tại Phòng thiết kế Polikarpov ở Moscow và cùng nhau thành lập phòng thiết kế của riêng họ, đặt tên là phòng thiết kế 'Mikoyan-Gurevich'. Năm 1942, phòng được đổi tên thành MiG, cái tên sau đó đã trình làng hàng loạt những cỗ máy trên không tối tân.

Sau khi Mikhail Gurevich qua đời năm 1976, phòng được đổi tên thành Mikoyan. Tuy nhiên, ký hiệu thường được sử dụng cho các máy bay chiến đấu đi ra khỏi căn phòng này vẫn là MiG.

Su

Su cũng huyền thoại không kém MiG. Những chiếc máy bay chiến đấu có tiền tố Su đằng trước chiếm phần lớn trong lực lượng hàng không tuyến đầu của Nga. Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới - bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ - cũng có phi đội Su là rường cột của lực lượng không quân.

Một số màn nhào lộn trên không đầu tiên cũng được thực hiện bằng máy bay Su. Nổi tiếng trong đó là động tác nhào lộn hổ mang bành có tính thử thách cao.

Hết MiG lại đến Su, Tu, Yak: Vì sao Nga hay đặt tên máy bay một cách kỳ cục như vậy? - Ảnh 2.

Tuyệt kỹ này đòi hỏi một chiếc máy bay phải cực kỳ linh động, cứng cáp và phản ứng nhanh. Su-27 đã chứng tỏ một chiếc máy bay hoàn hảo để đi tiên phong trong các hoạt động đòi hỏi tính cơ động như vậy.

Cũng giống như MiG, máy bay Su được đặt theo tên của nhà thiết kế chính, Pavel Sukhoi. Sinh năm 1895 tại Đế quốc Nga, Sukhoi là một trong những người đàn ông đầu tiên trên thế giới đi tiên phong trong lĩnh vực hàng không.

Con đường thành công của Sukhoi rất chông gai, khi ông trải qua nhiều thời kỳ, từ Thế chiến I, Cách mạng Nga và sau đó là Nội chiến để sau này thành lập xưởng của riêng mình có tên là Phòng thiết kế Sukhoi.

Tu

Máy bay ném bom dòng Tu đã đóng một vai trò quan trọng trong Thế chiến II và trở thành trụ cột của hàng không tầm xa Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Những chiếc máy bay này cũng được đặt tên theo người sáng tạo ra chúng, Andrei Tupolev.

Hết MiG lại đến Su, Tu, Yak: Vì sao Nga hay đặt tên máy bay một cách kỳ cục như vậy? - Ảnh 3.

Tupolev học về kỹ thuật hàng không dưới sự hướng dẫn của Nikolai Zhukovsky, cha đẻ của ngành hàng không và thủy động lực học hiện đại.

Khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, Tupolev bắt đầu sản xuất các cỗ máy chiến đấu cho Hồng quân. Năm 1941, một máy bay ném bom tiền tuyến tốc độ cao hai động cơ tên là Tu-2 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Chiếc máy bay này sau đó đã đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cho Liên Xô chiến thắng trong Thế chiến II. Khi thế giới chuyển sang Chiến tranh Lạnh, máy bay ném bom tầm xa do Tupolev thiết kế đã trở thành một đặc điểm nổi bật của không quân Liên Xô.

Yak

Yak được đặt tên theo nhà thiết kế Yakovlev. Trong Thế chiến II, gần 2/3 tổng số máy bay chiến đấu của Liên Xô là máy bay Yakovlev.

Hết MiG lại đến Su, Tu, Yak: Vì sao Nga hay đặt tên máy bay một cách kỳ cục như vậy? - Ảnh 4.

Nhà thiết kế máy bay người Nga Alexander Yakovlev bước vào sự nghiệp máy bay từ năm 18 tuổi và 3 năm sau đó, ông đã trình làng chiếc máy bay hoàn thiện đầu tiên của mình, chiếc AIR-1.

Kể từ đó, nhà thiết kế tài năng bắt đầu phát triển sự nghiệp nhanh chóng và trở thành thứ trưởng Bộ Công nghiệp Hàng không Liên Xô khi Thế chiến II nổ ra.

Sau khi làm quan chức trong sáu năm, Yakovlev đề nghị lãnh đạo cho phép rời bỏ chức vụ quản lý để tập trung vào việc thiết kế máy bay. Sau đó, Yakovlev đứng đầu một phòng thiết kế cùng tên cho đến năm 1984. Dưới thời Yakovlev, phòng thiết kế đã sản xuất hơn 200 loại máy bay.

Il

Trong Thế chiến II, máy bay cường kích Il-2 đã trở thành một trong những biểu tượng sức mạnh của quân đội Liên Xô. Với sản lượng đạt hơn 36.000 chiếc, Il-2 là máy bay quân sự được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử. Theo cách nói của nhà lãnh đạo Stalin, Il-2 "thiết yếu đối với Hồng quân chẳng khác gì không khí và bánh mì".

Hết MiG lại đến Su, Tu, Yak: Vì sao Nga hay đặt tên máy bay một cách kỳ cục như vậy? - Ảnh 6.

Bộ óc đằng sau chiếc máy bay mang tính biểu tượng này là Sergei Ilyushin.

Là con út trong gia đình nông dân nghèo, Ilyushin mưu sinh từ năm 15 tuổi. Ilyushin nhập ngũ và đủ tiêu chuẩn trở thành phi công vào năm 1917.

Sau khi rời quân ngũ và lấy bằng kỹ sư năm 1926, Ilyushin nhanh chóng củng cố sự nghiệp của mình trong vai trò một trong những nhà thiết kế hàng không tài năng nhất Liên Xô.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Ilyushin tiếp tục thiết kế một số máy bay thương mại - bao gồm Il-18 và Il-62 - được Aeroflot sử dụng rộng rãi trên khắp Liên Xô.\

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại