Tên lửa hành trình siêu thanh của Nga 'chọc mù' các hệ thống radar

Hữu Dương |

3M22 Zircon là một trong những tên lửa hành trình siêu thanh của Nga có tốc độ cao, đường bay thấp, có thể “xuyên thủng” các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.

Tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon có thể "qua mặt" các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Ảnh: TASS

Tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon có thể "qua mặt" các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Ảnh: TASS

Tháng 10 vừa qua, từ khu vực Bạch Hải, Khu trục hạm Đô đốc Gorshkov của Nga lần đầu tiên bắn thử tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon, tiêu diệt thành công mục tiêu trên biển Barents cách xa 450 km.

Zircon là tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh có tốc độ bay đạt Mach 6 (gấp 6 lần vận tốc âm thanh) và có đường bay thấp. Với tốc độ và đường bay như vậy, các hệ thống cảnh báo sớm hiện nay gần như không thể phát hiện được tên lửa Zircon sau khi được phóng đi.

Bên cạnh tốc độ và đường bay, sở dĩ Zircon có thể “chọc mù” các hệ thống radar còn do tốc độ Mach 6 khiến cho áp suất không khí phía trước đầu đạn bị nén thành một đám mây plasma, có tác dụng hấp thụ sóng vô tuyến, khiến nó trên thực tế trở nên “vô hình”.

Trong khi đó, thời gian tối thiểu để hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS hiện đại của Mỹ phản ứng và triển khai tên lửa đánh chặn là từ 8-10 giây. Trong khoảng thời gian từ 8-10 giây đó, tên lửa Zircon đã bay được 20km và tên lửa đánh chặn không thể đạt vận tốc Mach 6 để có thể đuổi kịp Zircon.

Theo Popular Mechanics, ngay cả khi tàu bị tấn công phát hiện tên lửa Zircon từ khoảng cách 100km, nó cũng sẽ chỉ có 1 phút để đưa ra phương án phản ứng.

Để tiêu diệt được tên lửa Zircon của Nga, đối phương phải đánh chặn ngay từ khi nó rời bệ phóng hoặc phóng một vật thể khác (có thể là tên lửa) chen vào cắt đứt đường bay của nó.

Trong khi đó, tên lửa hành trình hoàn toàn có thể thay đổi đường bay trong hành trình tìm đến mục tiêu. Một khó khăn nữa đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa là Zircon sử dụng nhiên liệu kiểu mới, cho phép nó đạt tầm bắn lên tới 1.000km.

Sau khi thử nghiệm hoàn tất, một chiếc tàu hộ tống lớp Buyan của Nga có thể mang tới 25 tên lửa Zircon, trong khi chỉ cần khoảng 12 quả tên lửa loại này là đủ để đánh chìm ngay cả tàu sân bay hiện đại nhất.

Do vậy, việc phát triển những loại tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh có tốc độ bay cao và đường bay thấp như Zircon về lâu dài sẽ khiến nhiều nước phải xem xét lại vai trò của tàu sân bay trong tương lai.

Theo TASS, ngày 3/11 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố việc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zircon đang đi vào giai đoạn hoàn thiện và Nga sẽ bắt đầu trang bị Zircon cho hải quân nước này từ năm 2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại