Nhà thần kinh học khuyên: ''Có 4 cụm từ cha mẹ phải NGỪNG nói với con trẻ, có vậy trẻ mới kỉ luật, tự giác, thành công''

Thiên Vy |

Phạt con trẻ có thể giúp bạn cảm thấy mình có cảm giác kiểm soát, nhưng nghiên cứu cho thấy điều đó không chỉ làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với con mà còn là một công cụ không hiệu quả trong thay đổi hành vi.

Những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái thường có một khởi đầu khá tốt đẹp - nhưng sau đó, ở một nơi nào đó, bằng cách nào đó, mọi thứ lại đi sai hướng.

Hoặc là con trẻ trở nên hoàn toàn im lặng, hoặc là một bất đồng nhỏ biến thành một cuộc chiến lớn… Chuyện gì đã xảy ra?

Với tư cách là chuyên gia nuôi dạy con cái và là tác giả của "The Self-Driven Child" (Tạm dịch: Đứa trẻ tự định hướng), chúng tôi có tổng cộng 65 năm nghiên cứu và kinh nghiệm làm việc với trẻ em. Chúng tôi nhận thấy rằng có những cụm từ sau mà cha mẹ nói, dù là có ý tốt, nhưng lại không có tác dụng trong việc dạy con tính tự giác và dưới đây là lý do tại sao:

1. "Nếu giờ con không chăm chỉ, sau này con sẽ phải hối tiếc"

Khơi dậy nỗi sợ hãi là một trong những cách kém hiệu quả nhất để khơi dậy động lực nội tại ở trẻ. Trên thực tế, điều đó có thể gây bất lợi cho con trẻ, khiến mỗi khi chúng được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc nên làm gì đó tốt hơn, chúng sẽ trở nên căng thẳng hơn và đôi khi là tránh né.

Một lý do khác khiến những cụm từ như thế này không có tác dụng là bởi ngữ cảnh của nó nằm ngoài khả năng hiểu của trẻ. Cố gắng để một học sinh lớp bảy thích môn bơi lội vì nó sẽ là một điểm cộng trong hồ sơ đăng ký đại học, chẳng khác nào đang nói với trẻ rằng "Bây giờ con đang học trung học, và chúng ta cần nói về kế hoạch nghỉ hưu của con", những thứ quá xa vời như vậy sẽ rất khó để trẻ hấp thu.

Trẻ em không có khả năng suy nghĩ lâu dài hay sâu xa như người lớn. Đó là thứ phân biệt những đứa trẻ và người lớn.

Thay vào đó, các bậc cha mẹ thành công làm gì/nói gì:

Hãy khuyến khích chúng: "Con vẫn chưa thành thạo (trong việc làm gì đó) nhưng con có thể tiến bộ hơn. Hãy nhìn xem con đã đi được bao xa rồi!"

Giúp con thấy được những mặt tích cực: "Đúng, (làm việc gì đó) rất khó. Nhưng nếu con tiếp tục luyện tập, con sẽ có thêm tự tin để có thể đối mặt với những thử thách như thế này trong tương lai."

Liên hệ với hoạt động mà con yêu thích: "Ba/mẹ biết [lớp X] rất khó khăn, nhưng ba/mẹ rất vui vì con đang chăm chỉ chơi bóng rổ, ba/mẹ tin là nếu con có thể học hành chăm chỉ như cách con chơi bóng rổ thì con hoàn toàn có thể thu được kết quả tốt."

Nhà thần kinh học khuyên: Có 4 cụm từ cha mẹ phải NGỪNG nói với con trẻ, có vậy trẻ mới kỉ luật, tự giác, thành công - Ảnh 2.

2. "Giữ con an toàn là việc của ba/mẹ"

Khi trẻ lớn hơn và đến trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, việc giữ an toàn cho chúng là công việc mà chúng ta không thể thực hiện 100% bằng bất kỳ biện pháp nào. Chúng ra không ở bên chúng mọi lúc và cũng không thể theo dõi mọi hành động của con trẻ.

Khi những đứa trẻ nghĩ rằng việc giữ chúng an toàn là nhiệm vụ của cha mẹ chứ không phải của chúng, chúng có xu hướng cư xử liều lĩnh hơn, nghĩ rằng luôn có một "hậu phương" an toàn trong khi thực tế thì không.

Điều này không có nghĩa là bạn nên im lặng không đưa ra bất cứ ý kiến gì, có những lúc bạn cần phải nói không và nói rõ về những rủi ro mà bạn cảm thấy không thoải mái khi con bạn tiếp xúc.

Thay vào đó, cha mẹ thành công làm gì/nói gì:

Bình tĩnh giải thích mối bận tâm của bạn: "Ba/mẹ không cảm thấy thoải mái với điều này và đây là lý do tại sao..."

Cho phép con mắc sai lầm, để con bạn tự học một bài học và sau đó nói chuyện với chúng, việc trải qua thực tế sẽ giúp chúng có cái nhìn sâu sắc hơn.

Cùng nhau thảo luận về những nguy hiểm đã nhận thấy: "Ba/mẹ có một số lo ngại về [X], nhưng ba/mẹ cũng biết là con có suy nghĩ khác về vấn đề đó. Con có thể cho ba/mẹ biết con sẽ xử lý mọi việc như thế nào nếu [X] trở nên tồi tệ, để cả hai chúng ta đều cảm thấy thoải mái và hiểu nhau hơn có được không?"

Nhà thần kinh học khuyên: Có 4 cụm từ cha mẹ phải NGỪNG nói với con trẻ, có vậy trẻ mới kỉ luật, tự giác, thành công - Ảnh 4.

3. "Mẹ phạt con vì con phải biết rằng hành vi này là không thể chấp nhận được"

Phạt con trẻ có thể giúp bạn cảm thấy mình có cảm giác kiểm soát, nhưng nghiên cứu cho thấy điều đó không chỉ làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với con mà còn là một công cụ không hiệu quả trong thay đổi hành vi.

Mặc dù nó có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng trong một thời gian ngắn, nhưng nó không truyền cảm hứng cho hành vi tích cực hay dạy trẻ em phải làm gì. Thêm vào đó, cha mẹ càng đe dọa, trẻ càng nói dối và che giấu những vấn đề mà chúng có thể cần giúp đỡ.

Thay vào đó, cha mẹ thành công làm gì/nói gì:

Nếu con không muốn nghe ý kiến ​​của bạn, đừng ép buộc chúng. Mục đích là giảng dạy, và điều này chỉ xảy ra khi con bạn thực sự lắng nghe. Nếu bạn giao tiếp một cách tôn trọng, chúng sẽ có nhiều khả năng tìm đến với bạn vào lúc khác: "Ba/mẹ thấy rất buồn về những gì vừa xảy ra và ba/mẹ nghĩ con cũng có cảm giác như vậy. Chúng ta có thể nói chuyện về việc làm thế nào để có được một kết quả tốt hơn nếu điều này xảy ra một lần nữa sau đó được không?"

Nói chuyện với chúng, chứ không phải mắng mỏ: "Ba/mẹ cần con biết rằng ba/mẹ cảm thấy không vui với những gì con đã làm, nhưng ba/mẹ thực sự muốn biết lý do vì sao con làm như vậy?"

Nhà thần kinh học khuyên: Có 4 cụm từ cha mẹ phải NGỪNG nói với con trẻ, có vậy trẻ mới kỉ luật, tự giác, thành công - Ảnh 6.

4. "Con dành quá nhiều thời gian cho điện thoại của mình của mình rồi đấy!"

Vấn đề với câu nói này là nó không tôn trọng cách một đứa trẻ sống trong thế giới xã hội của chúng - một thế giới khác nhiều so với thế giới của chúng ta.

Phương tiện truyền thông xã hội (social media) và trò chơi (game) là một phiên bản của thư từ và máy chơi game dùng tiền xu, những thứ rất quan trọng đối với tuổi trẻ của chúng ta, và chúng ta chắc chắn sẽ không chấp nhận một người nào đó nói rằng chúng ta nên cắt bỏ phần đó ra khỏi cuộc sống của mình.

Thay vào đó, cha mẹ thành công làm gì/nói gì:

Tăng ảnh hưởng của bạn bằng cách thể hiện sự hứng thú đến những gì chúng quan tâm. Hỏi về các trò chơi chúng chơi, những người chúng theo dõi, các chương trình chúng xem, sách chúng đọc - và dành ra một khoảng thời gian dù rất ít để tham gia với chúng. Những cuộc tranh giành quyền lực lâu dài thường không có người chiến thắng.

Cho con trẻ lý do để chúng tắt điện thoại: "Ba/mẹ thấy là con không dành thời gian với ba/mẹ kể từ lúc con đi học về. Con có muốn đến thư viện và chọn một vài cuốn sách mới với ba/mẹ không?"

Cố vấn nhiều hơn là giám sát: "Con cần thêm bao nhiêu thời gian để xong việc mình đang làm? Ba/mẹ không muốn gián đoạn việc con đang làm, nhưng ba/mẹ cũng muốn con sử dụng điện thoại theo cách cân bằng hơn."

Nhà thần kinh học khuyên: Có 4 cụm từ cha mẹ phải NGỪNG nói với con trẻ, có vậy trẻ mới kỉ luật, tự giác, thành công - Ảnh 7.

Tác giả của bài viết là William Stixrud và Ned Johnson, đồng tác giả của cuốn sách có tên "What Do You Say? How to Talk with Kids to Build Motivation, Stress Tolerance, and a Happy Home." (Tạm dịch: "Bạn nói gì? Cách Trò chuyện với Trẻ em để Xây dựng Động lực, Khả năng Chịu đựng Căng thẳng và Một Ngôi nhà Hạnh phúc.") William là một nhà khoa học thần kinh lâm sàng và là giáo sư tâm thần học và nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học George Washington. Ned là người sáng lập PrepMatters và là tác giả của cuốn sách "Conquering the SAT: How Parents Can Help Teens Overcome the Pressure and Succeed." (Tạm dịch: "Chinh phục kỳ thi SAT: Cách Cha Mẹ có thể Giúp Thanh thiếu niên Vượt qua Áp lực và Thành công"). William và Ned có 60 năm kinh nghiệm làm việc với các bậc cha mẹ và trẻ em.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại