Phóng to bức họa mùa thu, thấy 8 chữ khắc trên thân cây, hậu thế truy ngay ra lai lịch bức tranh: Có 1 vụ bê bối chấn động Tống triều

Trần Quỳnh |

Ẩn sau dòng chữ được viết một cách kín đáo ấy hóa ra lại là một câu chuyện bi thương liên quan tới những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa.

Có ai đó đã từng nói rằng, những bức tranh cổ thường mang tới cho người xem cảm giác như được tìm về kiếp trước. Bởi mỗi khi nhìn vào chúng, từng câu chuyện, từng cuộc đời của cổ nhân tựa như được sống lại trước mắt chúng ta.

Điều thú vị, ly kỳ hơn còn nằm ở chỗ, có đôi khi những họa phẩm hàng ngàn, hàng trăm năm tuổi ấy lại ẩn chứa một vài bí mật khiến hậu thế không khỏi chấn động khi phát hiện ra. 

Và bức họa cổ nằm trong Viện bảo tàng Cố cung Đài Bắc dưới đây chính là một trong số này.

Sau khi phóng to tác phẩm lên gấp 3,14 lần, người ta đã tìm ra 8 chữ Hán được viết giấu một cách rất kín đáo. Ít ai có thể tưởng tượng rằng, phía sau 8 chữ ấy còn ẩn chứa cả một câu chuyện bi thương liên quan tới những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa.

Từ dòng chữ bí ẩn được tìm thấy trên bức tranh từng không rõ tác giả...

Phóng to bức họa mùa thu, thấy 8 chữ khắc trên thân cây, hậu thế truy ngay ra lai lịch bức tranh: Có 1 vụ bê bối chấn động Tống triều - Ảnh 2.

Bức tranh "Song Hỷ Đồ" của Thôi Bạch. (Ảnh: Nguồn Sohu).

Bức tranh này vốn có tên là "Tống nhân song hỷ đồ", sau được đổi thành "Song Hỷ đồ". Tác phẩm có chiều dài 193,7cm, chiều rộng là 103,4cm, nội dung chủ yếu là vẽ lại cảnh vật mùa thu.

Ban đầu, người ta vẫn cho rằng đây là họa phẩm do một cổ nhân ẩn danh sống vào thời nhà Tống vẽ.

Tuy nhiên đến thế kỷ 20, có người đã phóng to bức họa này lên 3,14 lần và phát hiện ra một bí mật vô cùng tinh túy.

Hóa ra, trên thân cây trong bức tranh có ẩn chứa một dòng chỉ vẻn vẹn 8 chữ Hán:

"Gia Hựu Tân Sửu niên Thôi Bạch bút".

Chính nhờ dòng chữ này, cuối cùng hậu thế cũng đã tìm ra lai lịch, xuất xứ cũng như bối cảnh, ý nghĩa của bức tranh này. Hóa ra, đây chính là một tác phẩm của danh họa trứ danh thời nhà Tống là Thôi Bạch.

Phóng to bức họa mùa thu, thấy 8 chữ khắc trên thân cây, hậu thế truy ngay ra lai lịch bức tranh: Có 1 vụ bê bối chấn động Tống triều - Ảnh 4.

Dòng chữ được viết kín đáo trên thân cây trong bức tranh. (Ảnh: Nguồn Sohu).

Bức họa được vẽ vào năm Tân Sửu, thời Gia Hựu, tức là vào năm 1061 dưới thời vua Tống Nhân Tông.

Như vậy, có thể xác định được bức tranh nói trên là tác phẩm được Thôi Bạch vẽ khi đã lớn tuổi, lúc này phong cách hội họa của ông đã hết sức thành thục.

Thế nhưng vì sao họa sĩ nổi tiếng này lại phải đề tên mình một cách kín đáo lên thân cây trong bức vẽ như vậy?

Đó là bởi bức tranh của Thôi Bạch còn ẩn chứa một bí mật khác mà hoàng gia nhà Tống lúc bấy giờ không muốn hậu thế biết được.

... cho đến chuyện tình ngang trái từng bị xem như vụ tai tiếng chấn động một thời của hoàng tộc nhà Tống

Phóng to bức họa mùa thu, thấy 8 chữ khắc trên thân cây, hậu thế truy ngay ra lai lịch bức tranh: Có 1 vụ bê bối chấn động Tống triều - Ảnh 6.

Đôi chim hỷ tước trong bức tranh. (Ảnh: Nguồn Sohu).

Nhìn kỹ vào bức tranh "Song Hỷ đồ" của Thôi Bạch, có thể dễ dàng nhận thấy nội dung chủ yếu là miêu tả cảnh vật cuối thu bị bao trùm trong cái lạnh tiêu điều và bầu không khí ảm đạm, thê lương.

Bức vẽ còn có 2 con chim hỷ tước và 1 con thỏ. Đôi chim này xuất hiện trên góc phải của tác phẩm, trong đó một con đang đứng trên cành cây và nhìn xuống dưới, con còn lại thì đang giương cánh, ngược gió để bay vào. Dáng vẻ của chúng đều trông hết sức chật vật, khổ sở.

Trong khi đó, dưới gốc cây lại có một con thỏ như thể vừa mới từ đây chạy tới. Nó quay lại và ngẩng đầu nhìn chằm chằm lên đôi chim hỷ tước với dáng vẻ có phần đề phòng.

Phóng to bức họa mùa thu, thấy 8 chữ khắc trên thân cây, hậu thế truy ngay ra lai lịch bức tranh: Có 1 vụ bê bối chấn động Tống triều - Ảnh 8.

Con thỏ được vẽ trong bức tranh. (Ảnh: Nguồn Sohu).

Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng đây chỉ là một bức tranh bình thường. Không ngờ sau khi tìm ra 8 chữ được Thôi Bạch viết giấu trong thân cây, hậu thế rốt cục cũng đã biết được ẩn ý và câu chuyện bi thương phía sau đó.

Hóa ra, đôi chim hỷ tước và con thỏ này là hình tượng ẩn dụ cho 3 nhân vật lịch sử có thật thời bấy giờ. Đó là Phúc Khang Công chúa, Phò mã Lý Vĩ và hoạn quan Lương Hoài Cát.

Sử cũ ghi lại, vào năm 1059, hoàng gia nhà Tống đã xảy ra một vụ việc gây tai tiếng không nhỏ. Bấy giờ, trưởng nữ của Tống Nhân Tông là Phúc Khang Công chúa được gả cho Phò mã Lý Vĩ.

Tuy nhiên vì hôn nhân không hạnh phúc, mà Công chúa lại đem lòng yêu viên hoạn quan hầu cận tên Lương Hoài Cát, nên nàng đã xin nhà vua được từ hôn với phu quân để đến với người mà mình yêu thương.

Thế nhưng Hoàng đế đương nhiên không muốn hoàng gia có tai tiếng nên đương nhiên không đồng ý.

Một lần nọ, Công chúa tư tình với hoạn quan họ Lương nhưng bị mẹ chồng phát hiện, nàng liền đánh nhau với mẹ chồng và phò mã rồi bỏ về cung.

Dưới sức ép của triều thần, Tống Nhân Tông đã phải trừng phạt con gái bằng cách giam cầm công chúa trong cung, đồng thời đầy hoạn quan Lương Hoài Cát đi làm lao dịch ở Hoàng Lăng và giáng chức cả Phò mã.

Về sau, Công chúa dọa sẽ tự tử và thiêu rụi cung điện nếu hoạn quan họ Lương bị xử tội, vì vậy cả Lương Hoài Cát cùng Phò mã Lý Vĩ đều được tha bổng.

Phóng to bức họa mùa thu, thấy 8 chữ khắc trên thân cây, hậu thế truy ngay ra lai lịch bức tranh: Có 1 vụ bê bối chấn động Tống triều - Ảnh 10.

Chuyện tình của Phúc Khang Công chúa và hoạn quan Lương Hoài Cát từng được dựng thành phim truyền hình. (Ảnh: Nguồn Internet)

Thế nhưng dù cho Lương Hoài Cát được trở về cung thì cuộc hôn nhân của Công chúa và Phò mã cũng không thể chấm dứt.

Vì không đến được với người mình yêu, Công chúa thậm chí đã hóa điên. Sau cùng nàng đã qua đời trong u sầu khi chỉ mới 33 tuổi...

Bởi vậy cho nên đôi chim hỷ tước với dáng vẻ chật vật trong bức tranh của Thôi Bạch chính là ẩn dụ cho Phúc Khang Công chúa và hoạn quan Lương Hoài Cát – hai người dù yêu nhau nhưng trải qua bao phong ba vẫn không đến được với nhau.

Còn con thỏ chạy tới gốc cây và nhìn chằm chằm vào đôi chim kia được cho là ẩn dụ chỉ Phò mã Lý Vĩ – người xen vào cuộc tình của Công chúa cùng Hoài Cát để rồi phải trải qua cuộc sống hôn nhân chẳng có lấy chút êm đềm, hạnh phúc nào.

Có lẽ Thôi Bạch đã được nghe về câu chuyện tình bi thảm ấy, để rồi vì cảm thông với Phúc Khang công chúa nên đã vẽ bức họa kia.

Thế nhưng vì đây là một bê bối có liên quan tới hoàng tộc, Hoàng đế khẳng định không muốn việc này bị hậu thế biết được.

Vì vậy dù cho rất đồng cảm với Phúc Khang công chúa, Thôi Bạch cũng chỉ có thể đề tên của mình một cách kín đáo bằng cách viết vào thân cây trong bức tranh mà thôi.

Chỉ có như vậy, bức tranh "Song hỷ đồ" mới có thể được lưu truyền tới ngày nay, để rồi hậu thế mới có dịp được chiêm ngưỡng một họa phẩm đặc sắc, đồng thời không khỏi cảm thán trước câu chuyện tình bi thương, ngang trái ẩn giấu phía sau đó…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại