Nội dung "Môi trường an toàn” có gì đặc biệt?

KIÊN CƯỜNG (từ Korla, Tân Cương, Trung Quốc) |

Hội thao Quân sự quốc tế (gọi tắt là Army Games) là sự kiện thể thao quân sự thường niên do Liên bang (LB) Nga chủ trì tổ chức từ năm 2015. Hội thao liên tục có sự mở rộng về quy mô, nội dung cũng như số nước đăng cai và tham gia thi đấu qua từng lần tổ chức.

Nếu như lần tổ chức đầu tiên chỉ có 13 môn thi được tổ chức tại LB Nga, thì đến Army Games 2021, Hội thao quân sự quốc tế được tổ chức lần thứ 7 với 34 môn thi, tổ chức tại 12 quốc gia, quy tụ sự có mặt của 277 đội từ 41 quốc gia, chưa bao gồm các quốc gia cử quan sát viên.

Với quy mô như vậy, một số tờ báo quốc tế đã đặt cho sự kiện này cái tên không chính thức là “Olympic của các lực lượng vũ trang”.

Môi trường an toàn” (Безопасная среда – Safe Environment) là nội dung dành cho các lực lượng phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, bao gồm các loại vũ khí hóa học (Chemical – C), sinh học (Biological – B), hạt nhân (Nuclear – N), viết tắt là NBC.

Mặc dù ít nhận được sự chú ý của giới truyền thông như các nội dung như “Xe tăng hành tiến”, “Mũi tên không quân”, “Pháo thủ giỏi”, việc “Môi trường an toàn” nằm trong danh sách các môn thi chính thức kể từ lần đầu tiên Hội thao Quân sự quốc tế được tổ chức cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga đối với vai trò của lực lượng phòng hóa trong chiến lược phát triển của lực lượng vũ trang LB Nga.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Xe trinh sát NBC sử dụng trong hội thao tại Trung Quốc 2019.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Xe bọc thép trinh sát NBC BTR-80 sử dụng trong hội thao tại Nga 2020.

Từ năm 2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho Binh chủng Hóa học thành lập đội tuyển, tổ chức huấn luyện, luyện tập và tham gia thi đấu nội dung này.

Ngay trong lần đầu tiên tham dự, Đội tuyển Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam đã gây bất ngờ lớn khi vượt qua các đội tuyển có nhiều kinh nghiệm để xuất sắc giành Huy chương Đồng chung cuộc, sau nước chủ nhà Trung Quốc và Nga.

Các bài thi của nội dung “Môi trường an toàn” được thiết kế nhằm thử thách bản lĩnh của người chiến sĩ phòng hóa về khả năng tác chiến trong điều kiện chiến trường mô phỏng thực tế bị đối phương tập kích vũ khí hủy diệt lớn, trong đó đánh giá toàn diện các vận động viên cả về tốc độ, tính chính xác, khả năng tư duy suy luận nhanh dưới áp lực lớn.

Đặc biệt hơn, giống như trên chiến trường thực tế, ngoài việc mang đeo đầy đủ vũ khí trang bị theo biên chế, các vận động viên phải thực hiện các nhiệm vụ trong bộ khí tài phòng da và mặt nạ phòng hô hấp.

Chính vì thế, môn thi “Môi trường an toàn” được ví như một chiếc máy nghiền có khả năng vắt kiệt sức lực của các vận động viên. Thực tế qua các năm, môn thi được tổ chức, có những vận động viên của các quốc gia hầu như không thể đứng vững sau khi về đích hoặc không đủ khả năng hoàn thành bài thi.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Tuyển thủ Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam thực hiện nội dung thi "Môi trường an toàn” tại Army Games được tổ chức ở Trung Quốc năm 2019.


Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Luyện tập trinh sát chất độc tại Nga năm 2020.

Kể từ năm 2017, nội dung “Môi trường an toàn” được luân phiên tổ chức tại 2 quốc gia là LB Nga và Trung Quốc. Theo quy định của Hội thao Quân sự quốc tế, nước đăng cai có quyền điều chỉnh quy chế bài thi trong giới hạn cho phép để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm tổ chức.

Nếu tại LB Nga, “Môi trường an toàn” được tổ chức tại thao trường Pesochnoye của Học viện Quân sự phòng, chống vũ khí NBC mang tên Nguyên soái Timoshenko thì ở Trung Quốc, nước chủ nhà chọn địa điểm đăng cai nội dung này tại căn cứ quân sự Korla, Tân Cương.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 5.

Luyện tập vượt vật cản tường lưới tại Trung Quốc 2019.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 6.

Luyện tập đi qua vật cản dây cáp tại Nga 2020.


Phương thức trao quyền luân phiên tổ chức tại các địa điểm khác nhau ngoài ý nghĩa hợp tác đối ngoại, thì mục đích quan trọng khác là giúp môn thi đa dạng hơn, toàn diện hơn cả về điều kiện địa hình, khí hậu, vũ khí trang bị.

Cụ thể, trong khi đặc trưng nổi bật nhất của thi đấu tại LB Nga là sử dụng xe bọc thép BTR-80 trinh sát NBC với thử thách lội qua vật cản nước, điều kiện thi đấu tại Trung Quốc là địa hình cao nguyên cận sa mạc khô, nóng với không khí loãng.

Như vậy, các tuyển thủ “Môi trường an toàn” cứ mỗi năm phải dịch chuyển giữa 2 thái cực về điều kiện địa hình, khí hậu và thời tiết để thi đấu.

Tuy nhiên, về tổng thể thì nội dung trọng tâm của “Môi trường an toàn” được thực hiện trên thao trường thi đấu gồm 3 tổ hợp chính: Khu vực vật cản cho xe, khu vực vật cản thể lực cho cá nhân và các điểm thực hiện nội dung chuyên ngành phòng hóa. Mỗi đội sẽ cử 2 kíp xe trinh sát gồm 3 người tham gia thi đấu chính thức.

Khu vực vật cản xe bao gồm 12 vật cản lớn, một số vật cản khá quen thuộc như vượt dốc cao, chạy zig zag, dừng xe và khởi động giữa dốc cho đến những nội dung đặc thù quân sự như vượt bãi mìn, tránh hố bom, hào chống tăng và lội nước.

Bên cạnh đó, ban tổ chức có thể bố trí ngẫu nhiên và không giới hạn số lượng các điểm dừng xe đột ngột. Tại mỗi vật cản đều có camera giám sát và trọng tài hiện trường, sẵn sàng phạt điểm bất kỳ đội nào chạm phải cọc tiêu giới hạn.

Trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế, nhiệt độ cao và sức ép về thời gian cũng như bom đạn và khói lửa mô phỏng chiến trường thực, vượt qua khu vực vật cản cho xe với thời gian tối thiểu và độ chính xác tối đa không phải là nhiệm vụ bất kỳ tay lái yếu bản lĩnh có thể hoàn thành.

Ngoài ra, sức ép về tâm lý có thể khiến lái xe phạm phải lỗi “chí tử” là chạy nhầm lộ trình quy định, khiến toàn đội gần như mất cơ hội cạnh tranh thứ hạng cao.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 7.

Các xe trinh sát NBC chuẩn bị xuất phát thi đấu tại Trung Quốc 2019.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 8.

Các xe bọc thép trinh sát NBC BTR-80 tại vị trí chuẩn bị xuất phát.


Dọc trên đường vượt các vật cản của xe trinh sát, Ban tổ chức sẽ bố trí các điểm thực hiện kỹ thuật chuyên môn phòng hóa.

Tùy vào từng năm, sẽ có ít nhất 4 nội dung được lựa chọn trong các nội dung sau: Trinh sát chất độc, dò tìm nguồn phóng xạ, dập lửa, tạo màn khói ngụy trang, tiêu tẩy cho mục tiêu bằng xe tiêu tẩy cỡ lớn hoặc thiết bị cá nhân, lấy mẫu phân tích môi trường…

Khi xe chạy đến từng điểm quy định, thành viên kíp xe độc lập hoặc phối hợp cùng nhau triển khai khí tài chuyên dụng để thực hiện chính xác yêu cầu của bài thi trong thời gian ngắn nhất. Các nội dung chuyên ngành cũng có những quy định rất khắt khe để phạt điểm vận động viên nếu vi phạm.

Ngoài các lỗi nặng như trinh sát phát hiện nhầm tác nhân, không tìm được nguồn phóng xạ, các lỗi như để rơi vũ khí trang bị, vỡ ống trị độc hoặc để bất kỳ phần nào của cơ thể vào mục tiêu trinh sát dò tìm cũng đều có khung điểm phạt quy định chi tiết.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 9.

Luyện tập triển khai phương tiện Ttêu tẩy tại Trung Quốc 2019.


Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 10.

Luyện tập dò tìm nguồn phóng xạ tại Nga 2020.


Kết thúc khu vực vật cản cho xe trinh sát và nhiệm vụ chuyên ngành, các thành viên của kíp xe cơ động vào khu vực vật cản cá nhân. Đây chính là điểm nhấn thử thách các vận động viên “Môi trường an toàn” cả về sức mạnh và sức bền.

Bãi vật cản cá nhân gồm 12 chướng ngại vật mô phỏng địa hình chiến trường mà người chiến sĩ phải cơ động khi thực hiện nhiệm vụ, như: Tường cao, giao thông hào, cầu treo thăng bằng, tòa nhà đổ, hàng rào thép gai… và chướng ngại vật đặc trưng nhất của môn thi “Môi trường an toàn” là đi qua dây cáp treo dài 50m.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 11.

Bên trong khoang lái xe bọc thép trinh sát NBC BTR-80.


Nhiệm vụ của các vận động viên là độc lập vượt qua toàn bộ các vật cản an toàn không được phép nhận sự hỗ trợ từ đồng đội trong thời gian ngắn nhất và hạn chế tối đa lỗi phạt.

Nếu có một cá nhân không thể vượt qua bất kỳ vật cản nào, toàn đội sẽ chịu phạt điểm rất nặng, kéo tụt thành tích chung của cả đội tuyển.Tại Trung Quốc, khu vực vật cản thể lực cá nhân được nâng lên một mức độ cao hơn về độ khó. Với điều kiện không khí khô, nhiệt độ bề mặt thao trường có lúc lên tới 500C và nồng độ oxy trong không khí loãng do yếu tố cao nguyên của Tân Cương, kết hợp với việc các vận động viên phải thở qua một lớp hộp lọc mặt nạ phòng độc có trở lực lớn, để hoàn thành được 12 vật cản thể lực đòi hỏi khả năng chịu đựng cực lớn của các vận động viên.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Trung Quốc cũng khéo léo bố trí lại các vật cản theo cách hiểm hóc hơn đã khiến không ít vận động viên gặp khó khăn.

Nội dung Môi trường an toàn” có gì đặc biệt? - Ảnh 12.

Triển khai xe bọc thép trinh sát NBC BTR-80.


Bước vào Army Games 2021, Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam có lợi thế là lần thứ 2 đối mặt với những thách thức tại Korla nên phần nào đã có kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện, luyện tập và thi đấu.

Tuy nhiên, tất cả đối thủ của Đội tuyển năm nay đều là những đội tuyển rất mạnh, dày dạn kinh nghiệm và đã có nhiều lần dành thứ hạng cao trong nội dung “Môi trường an toàn” những năm trước.

Cuộc thi năm nay hứa hẹn những màn so tài nghẹt thở trên thao trường giữa người lính hóa học Việt Nam với những cá nhân xuất sắc nhất trong lực lượng phòng chống NBC của các quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại