Nếu không bị các nước phương Tây xâm chiếm, liệu Thanh triều có thể tồn tại được lâu hơn? Đáp án ít người nghĩ đến!

Trần Quỳnh |

Liệu số phận của Thanh triều sẽ ra sao nếu phương Tây không xâm lược Trung Quốc?

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Về sự sụp đổ của vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa là nhà Thanh, có một vài ý kiến cho rằng, nếu không có sự xâm lược của các cường quốc phương Tây, triều đại này hẳn sẽ còn gắng gượng được thêm một thời gian nữa.

Tuy nhiên theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi (Trung Quốc), trên thực tế, từ trước khi chiến tranh thuốc phiện xảy ra, Thanh triều đã bắt đầu tiến gần tới bên bờ vực diệt vong.

Cho nên ngay cả khi không có sự xâm lược từ bên ngoài, vương triều này cũng khó tránh khỏi kết cục sụp đổ, thậm chí rất có thể còn bị diệt vong sớm hơn vì các nguyên nhân dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Mâu thuẫn xã hội không được giải quyết

Nếu không bị các nước phương Tây xâm chiếm, liệu Thanh triều có thể tồn tại được lâu hơn? Đáp án ít người nghĩ đến! - Ảnh 2.

Đầu tiên, Thanh triều vốn không có cách nào giải quyết những mâu thuẫn cơ bản tồn tại xã hội thời bấy giờ.

Trải qua thời kỳ thịnh thế dưới ba triều vua là Khang Hi, Ung Chính và Càn Long, số lượng nhân khẩu của Đại Thanh khi đó đã vượt qua mốc 300 triệu người.

Mặc dù lúc bấy giờ, cương vực lãnh thổ của Thanh triều liên tục được mở rộng, việc khai khẩn cũng không ngừng được tiến hành.

Thế nhưng trên thực tế, tốc độ gia tăng của diện tích đất canh tác không thể so sánh được với tốc độ gia tăng dân số.

Trong khi đó, việc đất đai bị thôn tính vẫn là một vấn đề lớn luôn tồn tại. Thực trạng này khiến cho đại bộ phận nông dân tự canh tác mất đi đất đai.

Vì vậy, tới thời Gia Khánh – Đạo Quang tại vị, mâu thuẫn đã bắt đầu trở nên ngày càng gay gắt. Và tới cuối thời Đạo Quang, các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh đã ngày càng bùng nổ mạnh mẽ.

Nguyên nhân thứ hai: Sự nổi lên không ngừng của các cuộc khởi nghĩa, bạo loạn

Nếu không bị các nước phương Tây xâm chiếm, liệu Thanh triều có thể tồn tại được lâu hơn? Đáp án ít người nghĩ đến! - Ảnh 4.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.


Sau khi bị mất đi đất đai canh tác, nông dân dần trở thành dân lưu lạc, đại bộ phận sẽ tràn vào các thành thị để tìm kiếm cơ hội mưu sinh.

Khi những lưu dân này tràn vào thành thị, vì không có việc làm, họ dần dần bị đẩy xuống tầng lớp áp chót trong xã hội phong kiến.

Hơn nữa, theo Qulishi, tình trạng lạm phát trong nước lúc đó dần trở nên nghiêm trọng, vật giá gia tăng, cuộc sống của người dân cũng ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng này, quần chúng nhân dân thuộc tầng lớp áp chót thường sẽ lựa chọn gia nhập vào các bang hội hay các tổ chức tôn giáo như Bạch Liên giáo, Tào bang, Hồng Môn… để tìm kiếm chỗ dựa.

Một khi gặp phải ôn dịch, mất mùa, thiên tai… những lưu dân ấy sẽ bị các bang hội hoặc các tổ chức tôn giáo lôi kéo, biến thành những nhóm người chuyên cướp bóc hoặc tham gia khởi nghĩa.

Cũng vì vậy mà những cuộc khởi nghĩa, bạo loạn dưới thời Gia Khánh, Đạo Quang và Hàm Phong đã không ngừng xảy ra, tiêu biểu là khởi nghĩa Bạch Liên giáo, Thiên Lý giáo, Bát Quái giáo, khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, Niệp quân, khởi nghĩa Tiểu Đao Hội…

Nguyên nhân thứ ba: Sự mục ruỗng của triều đình nhà Thanh

Nếu không bị các nước phương Tây xâm chiếm, liệu Thanh triều có thể tồn tại được lâu hơn? Đáp án ít người nghĩ đến! - Ảnh 6.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Về phần chính quyền nhà Thanh, triều đình lúc này quan lại thối nát, cai trị lỏng lẻo, căn bản đã không còn mấy phần thực lực.

Theo quan điểm của Qulishi, Thanh triều sở dĩ có thể tồn tại được tới năm 1912 là bởi vì các cường quốc phương Tây khi xâu xé Trung Hoa cần có một chính phủ ổn định để duy trì kỷ luật và thu về lợi ích cho họ.

Cho nên Thanh triều mới có thể thông qua cuộc vận động Dương Vụ để tiếp cận kỹ thuật quân sự tiên tiến của phương Tây, thuận thế củng cố nền thống trị của mình.

Qulishi cũng cho rằng, nếu không có sự xâm lược của phương Tây, những quan lại có nguy cơ vong mạng trong các cuộc bình định khởi nghĩa hoặc phải chịu cảnh quyền lực bị hạ thấp như Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên… cũng sẽ rơi vào cảnh "bí quá hóa liều", tiến hành chiêu binh mãi mã, hình thành các thế lực địa phương, để rồi dần dần đục khoét chính quyền trung ương tập quyền của Thanh triều.

Cho nên một khi "kịch bản" nói trên xảy ra, chẳng mấy chốc hoàng quyền sẽ đổi chủ, Thanh triều thậm chí còn có nguy cơ diệt vong sớm hơn…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại