Trung Quốc cho phép sinh ba con và áp lực vô cùng lớn với phụ nữ

Đăng Nguyễn |

Khi Janice Zhang đi xin việc vào tháng 3 vừa qua, mọi nhà tuyển dụng đều đặt câu hỏi với người phụ nữ 33 tuổi rằng cô đã kết hôn hay chưa.

Trung Quốc cho phép sinh ba con và áp lực vô cùng lớn với phụ nữ - Ảnh 1.

Kết hôn và sinh con là điều mà các cô gái Trung Quốc phải cân nhắc kỹ.

Zhang làm việc trong lĩnh vực nhân sự ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc. Cô rất quen thuộc với những mối quan tâm mà các nhà tuyển dụng nghĩ đến. Bởi vì chính cô cũng từng hỏi những câu như vậy.

Liệu cô có sớm mang thai hay không? Cô dự định có bao nhiêu đứa con? Cô sẽ nghỉ thai sản trong bao lâu? Liệu cô có bỏ việc sau khi trở thành mẹ không?

“Ở độ tuổi ngoài 30, những người như tôi bị các công ty coi là một mối lo ngại lớn, vì có thể kết hôn và mang thai bất cứ lúc nào”, Zhang nói với CNN.

Trong vài năm qua, những phụ nữ như Zhang đối mặt với sự phân biệt trong công việc vì tình trạng hôn nhân và đã sinh con hay chưa.

Đầu uần này, chính phủ Trung Quốc thông báo cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con. Một số phụ nữ Trung Quốc lo ngại tình trạng phân biệt vì vậy sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

“Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe tin là điều này sẽ càng khiến phụ nữ gặp khó khăn hơn khi đi xin việc”, Melody Chen, 29 tuổi, quản lý một công ty tài chính ở thành phố Quảng Châu, nói.

“Ngay cả đối với một phụ nữ đã có 2 con, nhà tuyển dụng vẫn lo ngại cô ấy sẽ có lúc muốn sinh con thứ ba”, Melody nói.

Chính sách dân số

Trung Quốc cho phép sinh ba con và áp lực vô cùng lớn với phụ nữ - Ảnh 2.

Chính sách sinh con thứ ba được cho là càng gây áp lực đối với các phụ nữ ở Trung Quốc.

Trong hàng thập kỷ, đa số các cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ được phép sinh một con. Chính sách này giúp kiểm soát dân số Trung Quốc ở mức 1,4 tỷ người. Nhưng cũng tạo ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Đối mặt với lực lượng lao động giảm sút và tình trạng dân số già, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai vào năm 2016.

Điều này tạo ra sự phân biệt, đặc biệt ở nơi công sở. Nhiều công ty Trung Quốc chưa thích nghi với chính sách mới, không muốn phải trả lương cho các phụ nữ nghỉ thai sản. Các cô gái chưa sinh con cũng bị coi là “quả bom hẹn giờ” vì có thể kết hôn và sinh con hai lần, do đó sẽ nghỉ thai sản hai lần.

Ở Trung Quốc, phụ nữ được phép nghỉ thai sản 98 ngày theo luật, với 15 ngày bổ sung nếu đã từng có con. Nhiều địa phương còn cho phép phụ nữ nghỉ thai sản từ 128 ngày cho tới một năm.

Công ty sử dụng lao động được yêu cầu đóng bảo hiểm thai sản để sau khi một nhân viên nữ sinh con, người phụ nữ này sẽ nhận được trợ cấp hàng tháng từ quỹ chính phủ thay cho tiền lương.

Tuy nhiên, khoản trợ cấp chỉ có giới hạn. Nếu lương của nhân viên vượt xa mức này, công ty sẽ phải đóng nốt số tiền còn lại tương ứng với tiền lương.

Các công ty Trung Quốc luôn lo ngại phụ nữ có một con sẽ muốn sinh hai con và những phụ nữ đã có hai con có thể giảm đáng kể hiệu quả lao động vì bận chăm con, các nhà nghiên cứu cho biết.

Tư duy lỗi thời về giới tính cũng là nguyên nhân khiến tình trạng phân biệt trở nên trầm trọng, vì phụ nữ luôn được coi là người nuôi dạy con cái.

Song song với thông báo cho phép sinh ba con, chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong lao động”. Nhưng các ý kiến chỉ trích cho rằng đây chỉ là lời hứa và đã từng thất bại khi áp dụng chính sách sinh hai con.

Bị sa thải vì mang thai

Trung Quốc cho phép sinh ba con và áp lực vô cùng lớn với phụ nữ - Ảnh 4.

Một áp phích khuyến khích sinh con thứ hai ở Trung Quốc.

Song Qiang, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của một công ty Trung Quốc, nói các nhà tuyển dụng luôn muốn tuyển nam giới. Phụ nữ thường chỉ được giao việc vặt với mức lương thấp hơn.

“90% các nhà tuyển dụng đều muốn tuyển nam giới, dù rằng phụ nữ làm được công việc tương đương”, Song nói.

Tại một số công ty, các nhân viên nữ được yêu cầu chờ đến lượt để mang thai và có thể nghỉ thai sản. Các nhân viên có thể bị sa thải nếu không tuân thủ quy định.

Một phụ nữ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, từng bị phạt 300 USD vì mang thai đứa con thứ hai sớm hơn so với thời hạn ghi trong hợp đồng.

Hợp đồng ghi rõ cô chỉ được mang thai vào năm 2020, nhưng người phụ nữ này đã mang thai năm 2016. Công ty cho rằng đây là hành động “không trung thực”.

Sau khi nhà chức trách vào cuộc điều tra, điều khoản trên của hợp đồng bị vô hiệu và số tiền phạt được bồi hoàn, theo tờ Beijing Youth Daily.

Đối với Zhang, cô luôn nói với các nhà tuyển dụng rằng đặt những câu hỏi về tình trạng hôn nhân hay vấn đề sinh con là không phù hợp với quy định, nhưng các nhà tuyển dụng vẫn đặt các câu hỏi như vậy.

“Tôi có thể hiểu tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi như vậy, vì họ phải chi trả khoản tiền khi một nữ nhân viên nghỉ thai sản”, Zhang nói.

Zhang nói chính phủ nên trợ cấp tiền thai sản cho công ty sử dụng lao động. "Sinh con không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề của cả xã hội, cần tới sự hỗ trợ của chính phủ. Nhưng chính phủ đang để các cá nhân và công ty gánh vác mọi chi phí", Zhang giải thích.

Sự thay đổi cần thiết

Trung Quốc cho phép sinh ba con và áp lực vô cùng lớn với phụ nữ - Ảnh 6.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử với phụ nữ vì sinh thêm con.

Trong những năm qua, nhà chức trách Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Các công ty bị cấm sa thải nữ nhân viên hoặc giảm lương nếu họ mang thai hoặc nghỉ thai sản.

“Có các quy định rõ ràng là điều tốt, nhưng vẫn còn tùy thuộc vào sự quyết liệt của nhà chức trách”, Yue Qian, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học British Columbia, nói.

Các nạn nhân cũng cảm thấy không đáng để theo đuổi các vụ kiện vốn rất mất thời gian. Một số công ty Trung Quốc còn kiện ngược lại nhân viên vì cho rằng bị nói xấu.

Sự thay đổi về mặt quy định pháp luật là chưa đủ, cần có sự thay đổi về mặt nhận thức. “Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm của công chúng về vấn đề sinh con, bởi điều này tạo ra lực lượng lao động trong tương lai, do đó mang lại lợi ích cho xã hội”, Yue nói.

Đây là lý do vì sao chính phủ thông báo cho phép sinh ba con, nhưng nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn trì hoãn lấy chồng và sinh con, Yue nói thêm.

Zhang là một trong số các phụ nữ như vậy. “Tôi chưa muốn kết hôn hay sinh con, để phản đối sự phân biệt giới tính như hiện nay”, Zhang nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại