Hacinco nơi Giám đốc mắc Covid-19 chơi golf trong giờ làm việc: Lùng nhùng kéo dài, cổ phiếu bị hủy niêm yết

Hiền Anh |

Sai phạm trong khi cổ phần hóa khiến Hacinco ở trong tình trạng không còn là công ty nhà nước nhưng cũng chẳng phải công ty cổ phần. Cổ phiếu HSC của Hacinco bị hủy niêm yết tại sàn Hà Nội từ ngày 15/12/2009.

Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) Nguyễn Văn Thanh.

Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) Nguyễn Văn Thanh.

Sau khi ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) được xác định mắc Covid-19 và vợ chồng ông có tới 157 F1, F vô vàn, Hà Nội đã ra văn bản thượng khẩn trong đêm yêu cầu xem xét xử lý ông này vì sai phạm quy định phòng chống dịch.

Tổng Giám đốc Handico Phạm Tiến Đức đã có quyết định tạm thời đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Hacinco đối với ông Nguyễn Văn Thanh để kiểm điểm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Handico, đây là trách nhiệm cá nhân chính của ông Nguyễn Văn Thanh và trách nhiệm tập thể liên quan của Ban Giám đốc Hacinco trong việc phân công điều hành công việc.

Chiều 13/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nói, nếu F0 còn tiếp tục xuất hiện trên địa bàn, ngoài xử lý hành chính ra tôi yêu cầu công an TP vào cuộc, xem xét xử lý hồ sơ này theo quy định của pháp luật, gây hậu quả vì không khai báo y tế.

Anh Nguyễn Văn Thanh còn đi chơi golf trong giờ làm việc từ 13h30. Dù đã có chỉ thị hạn chế tập trung đông người nhưng anh Thanh vẫn đi liên hoan chỗ này, họp mặt chỗ kia.

Dư luận quan tâm Hacinco đang làm ăn như thế nào?

Ngoài việc sở hữu Làng sinh viên Hacinco (số 99 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội) và khách sạn Hacinco (110 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội), công ty này còn là chủ đầu tư các dự án như Hà Nội Center Point trên phố Lê Văn Lương, dự án Cau Giay Center Point số 110 Cầu Giấy (trên nền khách sạn Cầu Giấy cũ).

Hacinco nơi Giám đốc mắc Covid-19 chơi golf trong giờ làm việc: Lùng nhùng kéo dài, cổ phiếu bị hủy niêm yết - Ảnh 1.

Bên trong khu KTX của Làng sinh viên Hacinco.

Trong đó, Làng sinh viên Hacinco được đưa vào sử dụng từ năm 2001 đến nay đã xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất. Thế nhưng, Ban lãnh đạo Hacinco dường như chỉ chú trọng đến việc kinh doanh nên một phần lớn diện tích trong khuôn viên Hacinco đã được chuyển mục đích sử dụng sang cho thuê văn phòng, hộ gia đình, và các loại hình giải trí.

Hacinco được cổ phần hóa từ năm 2005 nhưng việc cổ phần hóa nửa vời cùng với những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa khiến nhiều năm nay công ty chưa thể hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Sự việc hi hữu này dẫn tới việc quyền lợi của các cổ đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bản thân Hacinco từ đó đến nay ở trong tình trạng không còn là công ty nhà nước nhưng cũng chẳng phải công ty cổ phần.

Do những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, cổ phiếu HSC của Hacinco bị hủy niêm yết tại sàn Hà Nội từ ngày 15/12/2009. Từ đó công ty không công bố công khai kết quả kinh doanh.

Mặc dù có tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng nhưng vốn điều lệ của Hacinco chỉ vỏn vẹn 47 tỷ đồng, nguyên nhân do quá trình cổ phần hóa đang dang dở nên công ty không thể tăng vốn điều lệ.

Tại phiên IPO của Hacinco diễn ra năm 2005, có 58 nhà đầu tư trúng giá sau khi mua hơn 37 triệu cổ phần. Bên cạnh đó là các nhà đầu tư là cán bộ nhân viên công ty sau khi được mua cổ phiếu ưu đãi.

Một nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngoài công ty liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cấp để phản đối việc chuyển nợ thành vốn góp tại công ty, đồng thời nhóm cổ đông này cho rằng Hacinco đã bán cổ phần ưu đãi cho CBNV không đúng quy định.

Do đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân này kiến nghị điều chỉnh vốn điều lệ của Hacinco từ 47 tỷ đồng xuống 28 tỷ đồng. Nếu được điều chỉnh, nhóm cổ đông này sẽ nghiễm nhiên nắm giữ trên 55% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định giữ nguyên kết quả đại hội cổ đông lần đầu, không làm thay đổi giá trị phần vốn của nhà nước và các cổ đông khác, chấp nhận việc chuyển nợ thành cổ phần vốn góp.

Trong đó, vốn góp nhà nước chiếm 9,65%, vốn cổ đông mua đấu giá tại phiên IPO 78,5%, còn lại là vốn cổ phần ưu đãi cho CBNV. Cho đến nay, quyết định này vẫn là quyết định cuối cùng về số phận của Hacinco.

Trước đó, Công an TP Hà Nội báo cáo tại công văn số 440 BC-CAHN-PC15 ngày 18/4/2006 và Công văn số 07/CV-CAHN (PC15) ngày 16/10/2007 trong đó đã nêu rõ sai phạm của việc chuyển nợ thành vốn góp khi mua cổ phần tại Hacinco.

Công an TP Hà Nội khẳng định, Hacinco bán cổ phần ưu đãi cho CBNV không đúng chính sách, chế độ, có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi.

Về việc thực hiện chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán kết quả đấu giá, Công an TP Hà Nội khẳng định: Vì việc chuyển nợ thành vốn góp không đúng nên đã có 21 nhà đầu tư không đủ tư cách tham gia đại hội cổ đông.

Đồng thời, việc doanh nghiệp liên tục lỗ, cụ thể năm 2004 lỗ 1,9 tỷ; năm 2005 lỗ 7,4 tỷ đồng, đây là trách nhiệm của Giám đốc Công ty. Một số người nhà thân quen của Giám đốc Công ty mua gom cổ phiếu ưu đãi và góp vốn khống gây bức xúc dư luận với các nhà đầu tư.

Trong một lần trả lời báo chí về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Hacinco - khẳng định: “Đây là vấn đề tồn tại từ trước, chúng tôi là những người kế thừa và đang cố gắng tập trung giải quyết trên cơ sở chỉ đạo từ UBND TP Hà Nội”.

Ông Thanh tiếp quản vị trí Giám đốc công ty kể từ năm 2013, ông cho biết do chưa chuyển đổi được thành công ty cổ phần nên công ty vừa phải treo tài khoản riêng, hàng năm lại phải trích một phần lợi nhuận để riêng ra trả lãi cho khoản tiền này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại