Tàu V630 Hải quân VN 2 lần trườn qua "sát thủ tàng hình": Chuyến đi vô tiền khoáng hậu

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Ngày 24.4, tàu V630 đến cảng đầu tiên, bỗng 1 chiếc ca nô đánh tín hiệu: Chú ý! Nguy hiểm! Nghe thông báo, thuyền trưởng Viên thấy bàng hoàng và lạnh toát cả người.

Ảnh minh họa. Nguồn: Phim Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Phim Đường Hồ Chí Minh trên biển.

LTS: Tháng 4.1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bên cạnh 5 cánh quân áp sát chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, còn có những mũi tiến công khác không phải ai cũng biết. Trong đó có chuyến hải hành đơn độc của tàu V630.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài đặc biệt về hồi ức do chính Thuyền trưởng tàu V630 Hải quân VN kể lại qua ghi chép của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.

--------

Kỳ 1: Không kế hoạch, không hỗ trợ, hai lần trườn qua sát thủ tàng hình

Chuyến hải hành đơn thương độc mã

Một ngày hạ tuần tháng 4 năm 1975, Thiếu úy Hoàng Sinh Viên - thuyền trưởng tàu V630 của Tiểu đoàn 135, Trung đoàn 172, Quân chủng Hải Quân đang nghỉ phép tại gia đình thì được gọi về đơn vị.

Vừa có mặt tại đơn vị thì nhận lệnh: Đưa tàu V630 tách đoàn, đến cảng K20 của Đoàn 125 đi làm nhiệm vụ.

Tàu V630 Hải quân VN 2 lần trườn qua sát thủ tàng hình: Chuyến đi vô tiền khoáng hậu - Ảnh 1.

Tàu vừa cập cảng, một chiếc xe con đã chờ sẵn đón thuyền trưởng về Bộ Tư lệnh Hải Quân tại 38 Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Tại đây, Tư lệnh quân chủng Hải Quân Đoàn Bá Khánh trực tiếp giao nhiệm vụ cho thuyền trưởng V630.

Theo đó, tàu V630 có nhiệm vụ vận chuyển một số trang bị cho sở chỉ huy Trung đoàn 172 tại cảng Thuận An; vận chuyển trang thiết bị của một phân đội thông tin hữu tuyến và lực lượng bảo quản số trang thiết bị này.

Đồng thời, đưa một số cán bộ các cấp đến một số cảng sẽ chỉ định sau. Số cán bộ này đã được Bộ Tư lệnh Hải Quân giao nhiệm vụ riêng.

Kể từ giờ phút này, tàu V630 sẽ thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Hải Quân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ tàu phải độc lập, tự chủ hành động. Trên đường làm nhiệm vụ chỉ duy trì liên lạc với Bộ Tư lệnh. Thời gian thực hiện nhiệm vụ: Càng nhanh càng tốt!

Là một thuyền trưởng có kinh nghiệm nhiều năm, đã từng trực tiếp đối đầu với tàu chiến Mỹ tại vịnh Bắc Bộ, song thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên không khỏi lo lắng với nhiệm vụ được giao.

Tàu V630 Hải quân VN 2 lần trườn qua sát thủ tàng hình: Chuyến đi vô tiền khoáng hậu - Ảnh 2.

Thuyền trưởng tàu V630 Hoàng Sinh Viên

Thứ nhất, từ xưa đến nay dù đi làm nhiệm vụ gì các tàu hải quân thường hình thành biên đội, có chỉ huy các cấp thường xuyên theo dõi cung cấp tình hình và chỉ đạo thường xuyên. Chí ít thì cũng có Kế hoạch hàng hải được cấp trên phê duyệt.

Còn chuyến này, tàu V630 ra khơi đơn thương độc mã, "trên không chằng, dưới không rễ", cũng chẳng có ai phê chuẩn kế hoạch hàng hải, tự mình phải giải quyết mọi việc theo kiểu "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến".

Thứ hai, mặc dù đã là cuối tháng 4 năm 1975, quân ta đã làm chủ phần lớn miền Nam và đang chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định song đối với vùng biển phía Nam, ta chưa thực sự làm chủ trong khi Hải quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) còn khá mạnh. Ngoài ra, các tàu chiến của Hạm đội 7 Hoa Kỳ vẫn thường xuất hiện trong khu vực.

Trong khi đó, tàu V630 là loại tàu vận tải, mặc dù công suất khá lớn và tốc độ khá cao (gần 30 hải lý/giờ) song trang bị vũ khí thì rất "hẻo". Trên tàu chỉ có 1 khẩu 14,5 ly 2 nòng, 1 khẩu DKZ82, 2 khẩu 12,7 ly và vũ khí cá nhân. Súng ống đều có chụp che giấu chứ không để công khai.

Biên chế tàu lúc đó cũng không đủ, chỉ có chưa đầy 20 người, không có chính trị viên, không có chi bộ... Nếu bất ngờ đụng nhau với tàu địch thì cũng khá gay go.

Khi thuyền trưởng Viên về đến cảng K20, thuyền phó Nguyễn Văn Dân báo cáo: "Toàn bộ trang bị của Sở chỉ huy Trung đoàn 172 và trang bị của đơn vị thông tin đã được đưa xuống tàu. Các cán bộ chiến sĩ (hành khách) mà tàu có nhiệm vụ vận chuyển đã có mặt đủ".

Lúc này, Hoàng Sinh Viên thấy trên boong tàu lố nhố đầy người và trang bị. Liếc qua vạch mớn nước, anh biết tàu đã ở trạng thái quá tải khá nhiều. Tuy nhiên, nhiệm vụ Bộ Tư lệnh đã giao rồi, không thể bỏ lại gì cả.

Điểm mặt các sĩ quan trên tàu, Viên nhận ra khá nhiều người quen: 3 cán bộ của Trung đoàn 171, 1 cán bộ Trung đoàn 172, 3 cán bộ Trung đoàn 128 và một số sĩ quan các cơ quan Bộ Tư lệnh Hải Quân. Về cấp chức, họ đều cao hơn Hoàng Sinh Viên nhưng vào lúc này, tất cả bọn họ được đặt dưới sự chỉ huy của anh.

Trong số này, thuyền trưởng Viên nhận ra mấy sĩ quan quen biết nên mạnh dạn đề nghị họ làm "thuyền phó tạm thời" giúp đỡ anh trong chuyến đi. Thấu hiểu khó khăn của đồng nghiệp, họ đều vui vẻ nhận lời.

Hoàng Sinh Viên cho tiếp tục tiến hành công tác chuẩn bị. Sau khi kiểm tra lại một lượt thấy đã ổn, anh ra lệnh "Xuất phát!". Lúc đó là 8 giờ 30 phút ngày 23.4.1975. Theo lệnh thuyền trưởng, tàu V630 rời cảng hướng ra phao số 0.

Hơn 9 giờ, tàu ra đến phao số 0 luồng Nam Triệu cảng Hải Phòng. Thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên lệnh cho tàu chuyển hướng về phía Nam.

Dường như trời cũng chiều người nên sóng yên, biển lặng. Mặc dù quá tải song con tàu V630 vẫn phăm phăm đè sóng lướt tới. Khoảng 2 giờ sáng ngày 24.4, tàu đến ngang đảo Cồn Cỏ. Phía trước đã là vĩ tuyến 17 - giới tuyến phân chia hai miền đã mấy chục năm.

Mặc dù đã là thuyền trưởng mấy năm song chưa bao giờ Hoàng Sinh Viên vượt qua vĩ tuyến 17, cộng với quan sát thấy trời khá nhiều sương mù, tầm nhìn hạn chế.

Bên cạnh đó, anh biết rằng đại quân của Trung đoàn 172 với các tàu tên lửa và tầu tuần tiễu 100 còn đang án binh chờ thời cơ trong sông Gianh nên Viên không cho phép mình liều. Sau khi tranh thủ ý kiến các "thuyền phó" và " thượng khách", Viên quyết định cho tàu ghé vào đảo Cồn Cỏ thả neo chờ trời sáng.

Tàu V630 Hải quân VN 2 lần trườn qua sát thủ tàng hình: Chuyến đi vô tiền khoáng hậu - Ảnh 4.

Tàu V630 của Hải quân Việt Nam

Nín thở trườn qua "sát thủ tàng hình"

Trời vừa sáng tầu V630 lập tức lên đường. Khi qua vĩ tuyến 17 nhìn vào Cửa Tùng tuy không thấy bến bờ nhưng trong lòng cán bộ, chiến sĩ đều trào dâng một niềm xúc động. Tất cả họ đều lần đầu tiên vượt qua giới tuyến này.

Đúng 8 giờ 30 ngày 24.4, tàu V630 đã đến cảng đích đầu tiên là Thuận An. Thuyền trưởng Viên chỉ huy tàu vào cửa Thuận An, hướng mũi về phía hàng phao dẫn luồng. Bỗng 1 chiếc ca nô nhỏ có cắm cờ nửa xanh, nửa đỏ từ phía bờ chạy ra liên tục đánh tín hiệu "Chú ý! Nguy hiểm".

Thuyền trưởng Viên cho tàu giảm tốc độ để ca-nô cặp mạn. Trên ca nô cũng là một bạn đồng môn của anh, hiện đang ở K5 đặc công nước. Gặp nhau, anh bạn đồng môn thông báo riêng với Viên:

"Để ngăn chặn tàu địch rút chạy, đặc công nước đã thả 2 quả thủy lôi AMD 2 ở 2 đầu luồng; hiện chưa thấy nổ! Vì vậy, tàu vào phải đi theo ca nô dẫn đường".

Nghe thông báo xong, thuyền trưởng Viên thấy bàng hoàng và lạnh toát cả người. AMD2 là loại thủy lôi có uy lực rất mạnh, với 500 kg thuốc nổ nó có thể dễ dàng đánh chìm tàu lớn hàng vạn tấn.

Đặc biệt, nó có nhiều chế độ gây nổ như: chạm nổ, từ trường, áp suất âm thanh và một khi đã đã thả xuống nước thì không thể trục vớt lên... nên có biệt danh là "Sát thủ tàng hình". Vậy mà bây giờ V630 lại phải đi qua!

Trước yêu càu cấp thiết của mặt trận, không thể không thực hiện mệnh lệnh. Hoàng Sinh Viên cho tàu giảm tốc độ bám sát chiếc ca nô nhỏ một cách thận trọng.

Đã từng đối mặt với tàu khu trục, tuần dương của Mỹ, đã từng trải qua nhiều trận đánh với không quân Mỹ nhưng chưa bao giờ Hoàng Sinh Viên có cảm giác như lúc đó. Thật sự là các anh đang trườn qua những "sát thủ tàng hình".

Cuối cùng, tàu V630 cũng cập được cảng an toàn. Hầu hết cán bộ - kể cả 4 thuyền phó bất đắc dĩ của anh cũng rời tàu. Trong vòng hơn 1 giờ, toàn bộ trang bị tăng cường của sở chỉ huy Trung đoàn 172 được bốc dỡ hết lên bãi cảng.

Thời gian quá ít để tham quan cảng. Hoàng Sinh Viên và thuyền bộ chỉ kịp nhìn thấy bên phải cảng là một bãi xe ngổn ngang hàng trăm chiếc đủ loại, từ xe tăng, xe thiết giáp tới xe ô tô, xe xích kéo pháo v.v... Hỏi ra thì biết đó là các phương tiện mà lính Việt Nam Cộng hòa khi chạy đến đây bỏ lại.

Bốc hàng xong, tàu V630 lại tranh thủ lên đường. Lại một lần thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên lo lắng đến thót tim. Nhưng dường như thần may mắn đã mỉm cười với anh. Không có chuyện gì xảy ra cả và cũng không một ai trên tàu biết rằng mình vừa trườn qua ngay bên cạnh "sát thủ tàng hình".

Cảng đích tiếp theo của V630 là Đà Nẵng.

(Còn tiếp)

(Nguyễn Khắc Nguyệt ghi theo lời kể của Trung tá Hoàng Sinh Viên, nguyên Thuyền trưởng tàu V630 tháng 4 năm 1975)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại