Rosatom phản ứng khi bị Séc loại ra khỏi cuộc đấu thầu mở rộng nhà máy điện hạt nhân

Anh Tú |

Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom đã ra thông báo, trong đó nêu rõ, việc loại doanh nghiệp này khỏi cuộc đấu thầu mở rộng nhà máy điện hạt nhân Dukovany ở Cộng hòa Séc là một quyết định phi thị trường và thiên vị về mặt chính trị. Vụ việc xảy ra sau khi chính quyền Séc trục xuất 18 nhà ngoại giao.

Công ty TVEL thử nghiệm thành công nhiên liệu hỗn hợp cho lò nghiên cứu neutron nhanh làm mát bằng chì. Ảnh: Sputnik

Công ty TVEL thử nghiệm thành công nhiên liệu hỗn hợp cho lò nghiên cứu neutron nhanh làm mát bằng chì. Ảnh: Sputnik

Trong thông báo của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Nga nhấn mạnh rằng, “việc loại Rosatom khỏi đấu thầu mở rộng nhà máy điện hạt nhân Dukovany ở Cộng hòa Séc là một quyết định phi thị trường, thiên lệch về mặt chính trị và không góp phần vào sự phát triển hợp tác cùng có lợi trong ngành công nghiệp hạt nhân giữa các nước”. Rosatom lấy làm tiếc về quyết định này của chính quyền Séc.

Theo Tập đoàn này, "các tổ hợp công nghiệp - hạt nhân của Séc có triển vọng phát triển quan hệ đối tác cùng có lợi không chỉ ở Séc, mà còn trong khuôn khổ hợp tác chung ở các nước thứ ba".

Rosatom lưu ý rằng, đề xuất của Nga về việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân Dukovany ngụ ý có sự tham gia của hàng trăm công ty của Séc và châu Âu vào dự án, "trong đó các hợp đồng có thể được ký kết với giá hàng tỷ euro." “Do đó, bằng cách loại Rosatom khỏi hồ sơ dự thầu, các nhà chức trách Séc trước hết loại trừ ngành công nghiệp quốc gia của họ”.

Trước đó, cũng trong hôm qua, Chính phủ Séc đã quyết định loại Rosatom khỏi danh sách các nhà thầu xây dựng một tổ máy điện mới tại nhà máy điện hạt nhân Dukovany ở phía đông nước cộng hòa.

Điều này được đưa ra trước tuyên bố của Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrei Babis về việc loại bỏ Rosatom khỏi cuộc đấu thầu sắp tới để xây dựng một tổ máy tại nhà máy điện hạt nhân Dukovany, sau khi làm rõ hoàn cảnh của các vụ nổ tại kho đạn ở làng Vrbetice gần thị trấn Zlin ở phía đông nước cộng hòa vào năm 2014, nơi mà như chính quyền Séc khẳng định, có sự tham gia của các cơ quan đặc nhiệm Nga.

Trước đó, có thông tin cho rằng vào ngày 29 tháng 3, Chính phủ Séc, theo gợi ý của Bộ Công Thương, đã đưa Rosatom, Westinghouse-công ty Mỹ, EDF-Pháp, KHNP-Hàn quốc vào trong số các ứng cử viên tham gia đấu thầu. Nhưng ngày 19 tháng 4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc Karel Gavlicek đã nói với các phóng viên rằng, các công ty từ Pháp, Hàn Quốc và Mỹ sẽ được mời tham gia đấu thầu, nhưng không phải Rosatom.

Liên quan vấn đề này, phó trưởng khoa Kinh tế thế giới và các vấn đề quốc tế của trường Kinh tế cao cấp, nhà khoa học chính trị Nga Andrei Suzdaltsev cho rằng, giả thuyết về vụ nổ trong nhà kho vũ khí do lực lượng đặc nhiệm Nga dàn dựng không thuyết phục.

Theo chuyên gia, câu trả lời cho vụ việc tai tiếng này, chính là loại bỏ Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom trong tham gia đấu thầu xây dựng tổ máy mới của nhà máy điện hạt nhân Séc Dukovany, từng được tạo ra với sự hỗ trợ của Liên Xô. Đây là một cuộc đấu tranh hoàn toàn mang tính cạnh tranh - công ty Mỹ Westinghouse đã đặt mục tiêu vào nhà máy này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại