Đại sứ Myanmar kêu cứu sau 'cuộc đảo chính' tại đại sứ quán ở London

Minh Hạnh |

Đại sứ Myanmar Kyaw Zwar Minn đã kêu cứu chính phủ Anh sau khi ông bất ngờ bị cấm tiếp cận tòa nhà đại sứ quán ở London.

Theo Reuters, ông Minn bị cấp phó cấm cửa, không cho vào đại sứ quán hôm thứ Tư (7/4) theo lệnh của quân đội Myanmar. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Minn gọi đây là "một cuộc đảo chính khác".

“Đại sứ Minn đã bị chính quyền quân sự Myanmar triệu hồi, vì ông ấy đã không còn tuân theo chỉ thị từ Bộ Ngoại giao Myanmar”, phát ngôn viên của ông Minn cho biết.

“Đại sứ tin rằng chính phủ Anh sẽ không ủng hộ những người làm việc cho quân đội Myanmar. Và ông cũng thúc giục chính phủ Anh buộc những người này trở về Myanmar.”

Phát ngôn viên khẳng định Đại sứ Minn “hoàn toàn tin tưởng rằng chính phủ Anh sẽ tiếp tục chứng minh sự phản đối của họ đối với chính quyền quân sự bất hợp pháp”.

Đại sứ “đang cố gắng để thật khách quan, nhưng chúng ta có thể rõ ràng thấy đâu là lẽ phải: quân đội Myanmar đã làm gần 600 người thiệt mạng, trong đó có 48 trẻ em”.

Cùng lúc đó, trong lá thư gửi Bộ Ngoại giao Anh từ Đại sứ quán Myanmar, lực lượng kiểm soát tòa nhà đại sứ quán cho biết Phó Đại sứ Chit Win đã đảm nhận nhiệm vụ của Đại sứ Minn từ ngày 7/4 vì ông Minn bị triệu hồi vào ngày 9/3.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Đại sứ Minn kêu gọi chính phủ Anh từ chối hợp tác với ông Chit Win, hoặc bất cứ đại sứ nào khác mà quân đội đề cử trong tương lai.

Trước đó, quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân sự vào ngày 1/2 trong một cuộc đảo chính gây rúng động.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp cả nước. Một số nhà ngoại giao Myanmar ở nước ngoài cũng đã lên tiếng phản đối.

Tháng trước, Đại sứ Kyaw Zwar Minn đã đưa ra tuyên bố kêu gọi trả tự do cho cựu Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, và cam kết tiếp tục mở cửa đại sứ quán sau cuộc gọi với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.

Quân đội đã phản ứng bằng cách triệu hồi Đại sứ Kyaw Zwar Minn.

Trước đó, các lãnh đạo quân đội Myanmar từng cố gắng cách chức Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun vào tháng Ba, sau khi ông kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng "tất cả các phương tiện cần thiết" để giúp khôi phục quyền lãnh đạo dân sự của đất nước.

Tuy nhiên, ông Tun đã từ chối từ chức. Và quyết định này được Liên Hợp Quốc ủng hộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại