Điều tàu sân bay và dàn tiêm kích tới gần Đài Loan, Trung Quốc muốn gì?

Minh Thu |

Cùng một ngày, Trung Quốc điều nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và 10 máy bay quân sự xuất hiện gần đảo Đài Loan để tập trận.

Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Ảnh: chinamil.com.cn)

Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Ảnh: chinamil.com.cn)

Hôm 5/4, trong chương trình diễn tập, một nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đã tiến hành diễn tập ở phía đông đảo Đài Loan, trong khi đó ít nhất 10 chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc cũng đã xuất hiện ở phía tây đảo Đài Loan.

Động thái này đồng nghĩa với việc phía đông và phía tây đảo Đài Loan đều bị lực lượng quân sự Trung Quốc bao vây trong cuộc tập trận.

Tới ngày 6/4, các chuyên gia Trung Quốc nhận định cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc nhằm mô phỏng chiến thuật cô lập quân đội Đài Loan khỏi sự hỗ trợ từ lực lượng quân sự nước ngoài, trong trường hợp nếu không may Trung Quốc và Đài Loan xảy ra xung đột. Bởi Trung Quốc lo ngại quân đội Mỹ hoặc Nhật Bản có thể sẽ điều động lực lượng tới hỗ trợ cho quân đội Đài Loan.

Cũng theo các nhà phân tích, trong tương lai, Trung Quốc sẽ cho điều động thêm các lực lượng quân sự như tàu sân bay nội địa đầu tiên và là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tên Sơn Đông, cùng các tàu tấn công đổ bộ tham gia những cuộc diễn tập giống như trên.

Cụ thể, hôm 5/4, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan ra thông báo 10 máy bay quân sự Trung Quốc gồm 4 tiêm kích J-16, 4 J-10, 1 máy bay chống ngầm Y-8, cùng 1 máy bay cảnh báo sớm KJ-500 đã bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Trong đó, máy bay Y-8 của Trung Quốc đã bay về phía đông nam của đảo Đài Loan.

Cũng vào ngày 5/4, phát ngôn viên hải quân Trung Quốc Gao Xiucheng thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan và đây là một phần trong chương trình huấn luyện thường niên.

Điều này đồng nghĩa với việc đảo Đài Loan bị lực lượng quân sự trên mặt đất của Trung Quốc bao gồm dàn chiến đấu cơ bao vây từ phía tây, còn ở phía đông là sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.

Trước đó, hôm 3/4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã di chuyển qua vùng biển nằm giữa hai đảo Okinawa và Miyako để tiến phía nam tới Thái Bình Dương. Hoạt động di chuyển vào thời điểm đó đã phần nào ám chỉ nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ đi vào khu vực phía đông đảo Đài Loan.

“Cuộc diễn tập cho thấy, quân đội Trung Quốc có năng lực bao vây đảo Đài Loan, cô lập quân đội Đài Loan khỏi sự hỗ trợ từ các lực lượng bên ngoài, nếu không may căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan gia tăng.

Chiến thuật đánh từ mọi hướng sẽ khiến đối phương khó có thể phòng thủ, bởi họ không biết lực lượng tấn công chính sẽ xuất phát từ hướng nào”, ông Shi Hong, tổng biên tập tạp chí Shipborne Weapons nói.

Cũng theo ông Shi, mục đích khác của Trung Quốc là kiểm soát và phong tỏa toàn bộ khả năng can thiệp từ các lực lượng bên ngoài do quân đội Mỹ và Nhật Bản điều động tới từ phía đông.

Do đó, sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc ở phía đông, cùng với sự hỗ trợ từ các lực lượng phòng không trên mặt đất và lực lượng tên lửa sẽ giúp quân đội Trung Quốc ngăn chặn quân đội nước ngoài vào tiếp viện cho quân đội Đài Loan.

Ông Shi nhấn mạnh thêm, cuộc tập trận thường xuyên được Trung Quốc tiến hành với sự tham gia của dàn tàu chiến và máy bay quân sự còn nhằm thể hiện năng lực răn đe, đồng thời cảnh báo tới những người ủng hộ tư tưởng giành độc lập cho Đài Loan và quân đội nước ngoài muốn can thiệp.

Bởi lâu nay Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Trong khi đó, dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.

Ông Shi cũng cho rằng, thông qua cuộc tập trận, Trung Quốc muốn cảnh báo các nước có ý định hỗ trợ Đài Loan rằng họ sẽ gặp hậu quả, nếu như can thiệp vào vấn đề mà Bắc Kinh xem là chuyện nội bộ.

Do đó, trong tương lai, khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành thêm các cuộc diễn tập như trên và điều cả tàu sân bay Sơn Đông, tàu tấn công đổ bộ Type 075, cùng các tàu khu trục và tàu hộ vệ tối tân tới gần đảo Đài Loan, ông Shi cho hay. Trước đó, vào tháng 12/2019, tàu sân bay Sơn Đông cũng từng di chuyển qua eo biển Đài Loan.

Về phần mình, vào cuối ngày 5/4, hải quân Trung Quốc xác nhận một nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần Đài Loan và hoạt động như thế này sẽ trở nên phổ biến trong tương lai.

“Mục đích là nhằm tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự an toàn và các lợi ích phát triển. Những cuộc tập trận tương tự sẽ được tiến hành thường xuyên trong tương lai”, tuyên bố từ hải quân Trung Quốc cho hay.

Liên quan tới việc tàu sân bay Liêu Ninh được 5 tàu chiến hỗ trợ di chuyển tới khu vực tập trận, tờ Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh trong số 5 tàu chiến này có Nanchang, tàu khu trục đầu tiên trong hạm đội tàu khu trục Type 055 thế hệ mới, và vừa được đưa vào biên chế hồi năm ngoái.

“Sự kết hợp giữa các tàu sân bay và tàu khu trục cỡ lớn Type 055 sẽ trở thành mô hình tiêu chuẩn cho hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc trong tương lai”, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Trong những tháng gần đây, Đài Loan cho biết quân đội Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động quanh hòn đảo. Để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, chính quyền của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tăng cường mua vũ khí từ nước ngoài, cũng như cho ra mắt hàng loạt thiết bị quân sự mới như tàu tàng hình “diệt tàu sân bay”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại