Vương quốc từng độc quyền kiểm soát vàng ở một châu lục, dân không cần làm vẫn có ăn

Đăng Nguyễn |

Vào thời Trung Cổ, câu chuyện truyền tai từ người này sang người kia về một vùng đất vàng ở châu Phi lan tỏa khắp châu Âu. Các thương nhân Ả Rập nói về một vương quốc tên là Wagadu.

Vương quốc từng độc quyền kiểm soát vàng ở một châu lục, dân không cần làm vẫn có ăn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ vua của người Wagadu.

Vương quốc Wagadu là nơi sản xuất vàng lớn nhất châu Phi thời cổ đại. Tất cả số vàng khai thác được đều thuộc về nhà vua. Từng cục vàng nặng 25 gram trở lên đều do nhà vua kiểm soát.

Vương quốc cũng được gọi là đế chế Ghana, nhưng vị trí địa lý của đế chế này ở châu Phi hoàn toàn không liên quan đến quốc gia Ghana ngày nay.

Vương quốc Wagadu bao quanh khu vực rộng lớn, nay là Mauritania, Senegal và Mali.

Vương quốc độc quyền sản xuất vàng

Vương quốc Wagadu tồn tại trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 11. Nhà vua có tước hiệu là ghana (nghĩa là chiến binh). Đó là lý do các thương nhân Ả Rập còn gọi vương quốc là đế chế Ghana.

Mỗi ngày, nhà vua ban phát 10.000 suất ăn cho người dân. Mỗi sáng, nhà vua ngồi xe đi dạo quanh thủ đô để thị sát và giải quyết các mâu thuẫn cá nhân giữa người dân.

Vương quốc từng độc quyền kiểm soát vàng ở một châu lục, dân không cần làm vẫn có ăn - Ảnh 2.

Vị trí của vương quốc Wagadu và các tuyến đường giao thương.

Kinh đô của vương quốc được gọi là Koumbi Saleh, có 15.000 người sinh sống, chia làm hai khu vực. Khu vực trung tâm là nơi người Wagadu bản địa sinh sống. Khu vực lân cận là nơi có cộng đồng thương nhân người Ả Rập và các tộc người khác.

Người Wagadu còn biết chế tạo vũ khí và công cụ làm từ sắt. Các thợ rèn được ví như “pháp sư” vì khả năng biến quặng sắt và lửa thành vũ khí sắc bén, giúp chiếm ưu thế trước kẻ thù.

Ở giai đoạn đỉnh cao vào khoảng năm 1.000, vương quốc Wagadu có đội quân 20 vạn người, bao gồm 4 vạn cung thủ.

Độc quyền giao thương bằng vàng và muối

Vương quốc từng độc quyền kiểm soát vàng ở một châu lục, dân không cần làm vẫn có ăn - Ảnh 3.

Vương quốc Wagadu từng độc quyền sản xuất vàng ở châu Phi.

Wagadu là vương quốc thiết lập mạng lưới giao thương đầu tiên ở Tây Phi. Hoạt động giao thương qua sa mạc rất khó khăn trước thời lạc đà nên các thương nhân ưu tiên di chuyển qua sông. Các con sông chảy qua Wagadu bao gồm sông Gambia, sông Senegal và sông Niger.

Wagadu trở thành trung tâm của hoạt động giao thương ở châu Phi. Các thương nhân Ả Rập đem muối từ phía bắc xuống. Từ phía nam, các thương nhân đem vàng và ngà voi lên.

Do rào cản ngôn ngữ, người Wagadu giao dịch với thương nhân bằng cử chỉ và ám hiệu. Hàng hoá được trao đổi tại điểm hẹn, chỉ khi nào hai bên đồng ý với lượng hàng mình nhận được, họ mới rời đi và cuộc giao dịch kết thúc.

Hai bên không được phép chạm tay vào vàng hay hàng hoá mà bên kia mang đến giao dịch, trừ khi đã đồng ý

Sự sụp đổ tất yếu

Vương quốc từng độc quyền kiểm soát vàng ở một châu lục, dân không cần làm vẫn có ăn - Ảnh 5.

Nơi từng là kinh đô của vương quốc Wagadu.

Có một số yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của vương quốc Wagadu. Các tuyến đường thương mại theo thời gian cũng dần được mở rộng, vươn xa hơn về phía đông. Ngoài ra, ở vùng đất thuộc Guinea thời hiện đại, các mỏ vàng mới và có trữ lượng lớn bắt đầu xuất hiện, khiến cho vương quốc Wagadu mất dần quyền kiểm soát thương mại và giá vàng.

Bất ổn trong nội bộ vương quốc ngày càng gia tăng. Gia súc bị chăn thả quá mức khiến cho đồng cỏ biến thành sa mạc. Dân số quá đông dẫn đến khan hiếm tài nguyên nước, thiếu đất canh tác, tình trạng thiếu lương thực diễn ra đặc biệt nghiêm trọng bởi những đợt hạn hán kéo dài trong thế kỷ 11.

Năm 1076, nhà Almoravid nắm quyền kiểm soát đế chế Berber ở phương bắc tràn xuống xâm lược. Vương quốc Wagadu sụp đổ, dẫn đến sự xuất hiện của Hồi giáo ở vùng cận Sahara.

Đến năm 1240, toàn bộ vùng đất từng thuộc về vương quốc Wagadu, nay chuyển thành lãnh thổ của đế chế Mali nổi tiếng.

Có thể nói, trong các giai đoạn lịch sử, châu Phi cũng từng có thời kỳ phát triển rực rỡ. Vào thời Trung Cổ, vùng Tây Phi thậm chí còn phát triển hơn các quốc gia châu Âu. Vua Mansa Musa nổi tiếng (sinh năm 1280-1337) là hoàng đế thứ 10 của đế chế Mali.

Ông được coi là người giàu nhất lịch sử thế giới, kế thừa kho vàng khổng lồ từ thời vương quốc Wagadu và tiếp tục mở rộng đế chế trên khắp lãnh thổ châu Phi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại