Hòn đảo xinh đẹp này chỉ cách bờ biển Brazil 40km nhưng không một ai được phép đặt chân tới, vì sao?

TAMMY |

Hòn đảo xinh đẹp chỉ cách bờ biển 40km nhưng không một du khách hay cư dân địa phương nào được phép đặt chân đến đây.

Cách bờ biển Sao Paulo, Brazil chỉ 40km là hòn đảo xinh đẹp mang tên Ilha da Queimada Grandem, tuy vị trí gần như vậy nhưng du khách hay người dân địa phương cũng không được phép và không dám mạo hiểm đặt chân đến hòn đảo này.

Ilha da Queimada Grande, hay còn gọi là Đảo Rắn, có diện tích 0,43 km vuông. Đây đang là nơi sinh sống của một số lượng lớn rắn hổ lục đầu vàng (tên khoa học: Bothrops insularis) - một trong những loài rắn độc nhất thế giới.

Chiều dài cơ thể trung bình của một con rắn hổ lục đầu vàng là 70cm, chiều dài tối đa 118cm. Chúng có đầu hình tam giác và phần bụng màu vàng nhạt hoặc màu kem.

Hòn đảo xinh đẹp này chỉ cách bờ biển Brazil 40km nhưng không một ai được phép đặt chân tới, vì sao? - Ảnh 1.

Ilha da Queimada Grande, hay còn gọi là Đảo Rắn, có diện tích 0,43 km vuông. Ảnh: Sohu

Theo Viện Smithsonian, ước tính có khoảng 2000 tới 4000 cá thể rắn hổ lục đầu vàng đang cùng sinh sống trên đảo Ilha da Queimada Grande. Chia đều trên diện tích hòn đảo, dễ thấy tại đây cứ 1 mét vuông có 1 - 5 con rắn độc. Các nhà khoa học nói vui rằng khi bạn lên đảo, bạn sẽ không cách xa cái chết quá 1 mét.

Đảo Rắn hiện tại không có người ở nhưng những truyền thuyết địa phương kể rằng đã từng có nhiều cuộc đổ bộ lên đảo nhưng kết cục đều không mấy tốt đẹp. 

Người ta đồn đại rằng có một ngư dần từng ra đảo hái chuối và bị rắn độc bám theo, khi quay lại con tàu của mình, cơ thể anh ta đã chằng chịt những vết cắn, da thịt bỏng rát và sau đó là tử vong.

Một truyền thuyết khác kể rằng từ năm 1909 đến năm 1920, một người đàn ông và gia đình đã canh gác ngọn hải đăng trên đảo với mục đích hướng dẫn hàng hải và ngăn không cho người dân đặt chân lên đảo.

Tuy nhiên, một đêm nọ, đàn rắn độc đã chui vào nhà từ cửa sổ và tấn công người đàn ông. Trong khi đó, vợ và ba người con của anh ta tuyệt vọng chạy trốn lên thuyền nhưng cũng chỉ thấy con thuyền đầy rắn độc.

Hòn đảo xinh đẹp này chỉ cách bờ biển Brazil 40km nhưng không một ai được phép đặt chân tới, vì sao? - Ảnh 3.

Ngọn hải đăng duy nhất trên đảo Ilha da Queimada Grande. Ảnh: Sohu

Không rõ thực hư truyền thuyết kia trên ra sao nhưng từ những năm 1920 tới nay, ngọn hải đăng trên đảo Ilha da Queimada Grande đã được tự động hóa.

Vì vậy, ngoại trừ hải quân Brazil đến thăm đảo để bảo dưỡng hải đăng định kỳ hàng năm và các nhà khoa học bắt rắn để làm huyết thanh, thì không một ai được đặt chân lên hòn đảo này. Ngoài ra, nếu máy bay muốn hạ cánh khẩn cấp tại đây thì bắt buộc phải có nhân viên y tế đi cùng.

Rắn độc từ đâu tới?

Một số người cho rằng những con rắn đã được đặt trên đảo bởi những tên cướp biển để bảo vệ kho báu cho chúng, tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chỉ rõ rằng quần thể rắn dày đặc trên đảo Ilha da Queimada Grande xuất hiện hoàn toàn tự nhiên và đã có hàng nghìn năm phát triển.

Khoảng 11.000 năm trước, mực nước biển dâng cao đã tách Đảo Rắn khỏi đất liền Brazil, khiến các loài rắn độc trên đảo bị "bỏ lại" và tự tiến hóa.

Hòn đảo xinh đẹp này chỉ cách bờ biển Brazil 40km nhưng không một ai được phép đặt chân tới, vì sao? - Ảnh 5.

Rắn hổ lục đầu vàng đứng đầu chuỗi thức ăn trên hòn đảo. Ảnh: Sohu

Sau khi giết rất cả các kẻ săn mồi khác, rắn hổ lục đầu vàng "bước lên" đứng đầu chuỗi thức ăn và sinh sản nhanh chóng, chiếm giữ hoàn toàn hòn đảo.

Chúng bắt đầu săn mồi trên cây, thức ăn chủ yếu các loài chim di cư lớn và hải âu. Khác với thỏ, chuột, thằn lằn, các loài chim này lớn và có thể bay đi nhanh chóng trước khi nọc độc kịp ngấm vào cơ thể nên rắn hổ lục đầu vàng trên đảo đã tiến hóa để để nọc độc của chúng phát tác nhanh và mạnh hơn rất nhiều.

Qua phân tích hóa học, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng độc tính của rắn hổ lục đầu vàng trên đảo mạnh gấp 3 đến 5 lần so với loài họ hàng gần của nó là rắn lục (tên khoa học: Bothrops jararaca). Chúng cũng đồng thời là loài có nọc độc tác dụng nhanh nhất trong toàn bộ chi Bothrops.

Hòn đảo xinh đẹp này chỉ cách bờ biển Brazil 40km nhưng không một ai được phép đặt chân tới, vì sao? - Ảnh 7.

Chúng thường ăn thịt chim di cư hoặc hải âu. Ảnh: Sohu

Vết rắn cắn sẽ sưng đau, mô cơ và da thịt tan chảy, kèm theo đó là triệu chứng nôn mửa, chảy máu đường ruột, suy thận... Hơn nữa, nọc độc có chứa thành phần độc tố thần kinh nên nhanh chóng giết chết hầu hết con mồi.

May mắn thay, loài rắn độc nguy hiểm này chỉ sống trên các hòn đảo biệt lập nên vẫn chưa có tài liệu chính thức nào về việc hổ lục đầu vàng cắn người. 

Tuy nhiên, do số người bị rắn độc cắn ở Brazil hàng năm vào loại cao trên thế giới - khoảng 30.000 người mỗi năm, nên nọc độc của rắn hổ lục đầu vàng đã được chiết xuất để làm huyết thanh chữa rắn cắn.

Theo Sách Đỏ của IUCN, rắn hổ lục đầu vàng được xếp vào loài cực kỳ nguy cấp, đã giảm gần 50% trong 15 năm qua. Một số người có thể nghĩ, sinh sống trên những hòn đảo thưa thớt và biệt lập, nơi chúng có thể ăn thịt các loài chim di cư hàng năm trong mùa di cư, tại sao chúng lại có nguy cơ tuyệt chủng?

Hòn đảo xinh đẹp này chỉ cách bờ biển Brazil 40km nhưng không một ai được phép đặt chân tới, vì sao? - Ảnh 9.

Nọc độc của rắn hổ lục đầu vàng đã được chiết xuất để sử dụng làm huyết thanh chữa rắn cắn. Ảnh: Sohu

Nguyên nhân chính là do hòn đảo Ilha de Queimada Grande quá nhỏ, lại là nơi duy nhất loài này có thể sống, nên rắn chỉ có thể phát triển mạnh với số lượng cá thể hạn chế. Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra rằng sự giao phối cận huyết của hổ lục đầu vàng đã gây ra hiện tượng đột biến khiến nhiều con rắn bị vô sinh.

Hơn nữa, nạn phá rừng ở Brazil cũng khiến số lượng chim đi qua Đảo Rắn ít hơn nên có ít thức ăn cho hổ lục.

Một trong những nguyên nhân khác cho sự suy giảm cá thể rắn chính là việc con người buôn bán chúng trên chợ đen. Một con rắn hổ lục đầu vàng hiện đang được bán với giá cao ngất ngưởng, từ 10.000 đến 30.000 USD.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại