Bí ẩn 3001 thanh kiếm bảo vệ lăng mộ dưới đáy hồ suốt 2000 năm: Lộ diện sự thật khi rút cạn nước hồ

Tiểu Ngọc |

Để bảo vệ lăng mộ của cha, con trai Ngô Vương đã lợi dụng địa thế để đổ nước ngập mộ, tạo thành một cái hồ.

Người xưa coi trọng cái chết như sự sống. Ai cũng muốn mình được mồ yên mả đẹp để sẵn sàng cho một cuộc đời khác ở thế giới bên kia. Chính tâm lý này đã để lại cho hậu thế rất nhiều lăng mộ đồ sộ, kèm theo đó là vô số bảo vật mang đặc trưng dấu ấn của thời đại mình.

Những kho báu ấy chính là sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại, cho chúng ta biết những câu chuyện đã bị tháng năm vùi lấp kia. Câu chuyện của hôm nay liên quan đến 3001 thanh kiếm báu được giấu trong ngôi mộ cổ có niên đại hơn 2.000 năm.

Lăng mộ Ngô Vương 

Từ lâu, "Việt Tuyệt Thư" (một cuốn sử thi ghi lại lịch sử thời Xuân Thu Chiến Quốc) đã từng đề cập: "Lăng mộ của Ngô Vương nằm ở chân núi Hổ Khâu, trong hồ rộng 60 bước, dưới nước sâu gần 2m."

Cuốn sách xuất xứ từ thời Xuân Thu Chiến Quốc này đã mô tả rất chi tiết vị trí của lăng mộ Ngô Vương. Vậy tại sao sau hàng ngàn năm lịch sử, lăng mộ này vẫn còn giữ nguyên được trạng thái ban đầu mà không bị trộm mộ ghé thăm như rất nhiều ngôi mộ xấu số khác?

Ngô Vương là vị vua thứ 24 của nước Ngô vào cuối thời Xuân Thu, ông thường được gọi với cái tên Công Tử Quang. Trong thời gian cầm quyền của mình, ông có được những trọng thần tài giỏi phù trợ như Ngũ Tử Tư (526 - 484 TCN) - tướng quốc nước Ngô và Tôn Vũ (545 TCN - 470 TCN) - một danh tướng kiệt xuất.

Bí ẩn 3001 thanh kiếm bảo vệ lăng mộ dưới đáy hồ suốt 2000 năm: Lộ diện sự thật khi rút cạn nước hồ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, khi chiến loạn xảy ra khắp nơi, Việt Quốc đánh bại nước Ngô, Ngô Vương bị thương nặng cuối cùng chết vì vết thương chảy quá nhiều máu. Con trai của ông đã kế vị ngai vàng sau đó và chôn cất cha mình tại chân núi Hổ Khâu.

Có một điều vô cùng thú vị là ban đầu Hổ Khâu chỉ có một ngôi mộ của Ngô Vương. Tuy nhiên, theo thời gian, rất nhiều đền chùa Phật giáo lần lượt được xây dựng tại đây. Dần dần nơi đây còn được gọi với cái tên "Đồi Phật", vào núi như vào chùa, nơi nơi đều tràn đầy hơi thở Phật giáo.

Cũng chính vì nguyên nhân đó, ngọn núi cũng trở thành địa điểm yêu thích của các nhà văn và nhà thơ. Vô số nhà thơ kiệt xuất đã viết nên những dòng nổi tiếng ở đây.

Nổi tiếng nhất phải kể đến hai câu thơ của Tô Thức (1037-1101) (Đông Pha cư sĩ - một nhà thơ nổi tiếng thời Tống): "Trạm Lư ai gặp lại, canh cánh thu thủy quang" (湛卢谁复见◊秋水光耿耿). Câu thơ là nỗi khát khao tránh xa chính trị trần thế, tìm lại tự do cho bản thân.

Thủy mộ 2000 năm

Vì lo lắng ngôi mộ của cha mình có thể bị trộm, sau khi xây dựng lăng mộ, con trai của Ngô Vương đã đổ vào đây một lượng lớn thủy ngân. Không chỉ như vậy, ông còn lợi dụng địa thế đổ nước ngập phía trên mộ, vậy là ngôi mộ cổ đã giấu mình trong nước.

Miền nam Trung Quốc thường xuyên có mưa nên ngôi mộ sau đó càng ngập sâu hơn. Đây cũng là nguyên nhân rất ít người có thể tìm thấy vị trí chính xác của ngôi mộ. Ngay cả khi tìm thấy địa điểm chính xác, việc khai quật ngôi mộ cũng vô cùng khó khăn.

Bí ẩn 3001 thanh kiếm bảo vệ lăng mộ dưới đáy hồ suốt 2000 năm: Lộ diện sự thật khi rút cạn nước hồ - Ảnh 3.

Khung cảnh "Hồ Kiếm". Nguồn: Sohu

Điểm đặc biệt nhất của lăng mộ này là nó được bao quanh bởi 3.000 thanh bảo kiếm, điều này được ghi chép trong lịch sử và nhiều truyền thuyết. Song, dù có hứng thú với những thanh kiếm này đến đâu thì cũng không ai có thể tìm thấy ngôi mộ, 3.000 thanh kiếm này được bảo toàn nguyên vẹn.

Liên quan đến 3.000 thanh kiếm này còn có một tình tiết vô cùng thú vị. Việt Vương Câu Tiễn (?- 465TCN) người đã đánh bại Ngô Vương Công Tử Quang đã từng đến thăm lăng mộ của đối thủ, nhưng bất ngờ có một con hổ hung dữ xuất hiện tấn công ông.

Câu Tiễn và con hổ đã chiến đấu trong một thời gian dài, cuối cùng ném cây kiếm xuống hồ để xích con hổ lại. Tại thời điểm này, trong hồ có 3001 thanh kiếm, từ đây hậu thế gọi là "Hồ Kiếm".

Rút cạn nước hồ

Bí ẩn 3001 thanh kiếm bảo vệ lăng mộ dưới đáy hồ suốt 2000 năm: Lộ diện sự thật khi rút cạn nước hồ - Ảnh 5.

Quang cảnh đáy hồ khi bị rút cạn nước. Nguồn: KKnews

Năm 1978, các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc được phép rút nước trong hồ để khai quật mộ Ngô Vương. Sau khi vét sạch lớp phù sa dưới đáy hồ, người ta đã phát hiện ra hang động hình tam giác như một đường mòn cho người đi.

Điều này có thể khẳng định vị trí ngôi mộ Ngô Vương dưới đáy hồ này là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, do ngôi mộ này đã nằm sâu 2.000 năm dưới đáy nước, trong mộ còn có thủy ngân nên các nhà khoa học chưa dám khai thác sâu hơn. Hiện 3001 thanh kiếm được nhắc tới trong sử sách cũng vẫn chỉ là truyền thuyết.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại