Quyên góp từ thiện 1,8 tỷ USD nhưng lại để con trai 'phú nhị đại' làm công nhân: Cách dạy con nghiêm khắc của ông vua ngành kính Trung Quốc, không phải cha mẹ nào cũng dám 'xuống tay'

Linh Hân |

Nuôi dạy con cái cũng giống như làm kinh doanh, tất cả đều phải dựa vào chiến lược hợp lý.

"Phú nhị đại" là thuật ngữ dùng để chỉ tầng lớp giàu có thứ hai tại Trung Quốc. Họ vốn là công tử, tiểu thư xuất thân từ tầng lớp doanh nhân giàu có. Trong khi cha mẹ phải lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, họ sinh ra đã "ngậm thìa bạc", có sẵn sản nghiệp của gia đình để kế thừa.

Người ta thường nói, mọi con đường đều dẫn tới thành Rome. Có một số người sinh ra đã ở sẵn thành Rome, giống như Vương Tư Thông. Anh là con trai duy nhất của tỷ phú Vương Kiện Lâm, nổi tiếng là công tử ăn chơi ngông cuồng, dám bỏ tiền ra mua 2 chiếc iWatch cho cún cưng đeo.

Thế nhưng, cũng có những người sinh ra ở Rome, nhưng bị đẩy ra ngoài đường, phải tự tìm đường về lại Rome. Đó chính là con trai của tỷ phú Tào Đức Vượng - ông vua ngành kính Trung Quốc.

***

Tào Đức Vượng là người sáng lập kiêm chủ tịch của tập đoàn Fuyao Group - đứng đầu Trung Quốc và đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực chế tạo kính ô tô. Ông từng nhận giải thưởng "Doanh nhân của năm" do Ernst & Young trao tặng.

Vị tỷ phú này cũng xuất hiện trong bộ phim tài liệu "American Factory". Tác phẩm do vợ chồng cựu Tổng thống Obama sản xuất, đã đoạt giải Oscar 2020 cho hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất".

Không chỉ là một doanh nhân xuất sắc, Tào Đức Vượng còn khiến người đời ngưỡng mộ bởi cách dạy con nghiêm khắc nhưng hiệu quả. Ông luôn đề cao ba đức tính: chịu được gian khổ, cần cù và dũng cảm phấn đấu.

Cựu Tổng thống Obama từng chia sẻ: "Là cha của hai cô con gái, tôi hiểu rằng làm cha là công việc trọng yếu nhất của mỗi người đàn ông". Dưới góc nhìn của một doanh nhân, khoản đầu tư thành công nhất của Tào Đức Vượng chính là việc giáo dục con cái nên người.

Quyên góp từ thiện 1,8 tỷ USD nhưng lại để con trai phú nhị đại làm công nhân: Cách dạy con nghiêm khắc của ông vua ngành kính Trung Quốc, không phải cha mẹ nào cũng dám xuống tay - Ảnh 1.

Tỷ phú Tào Đức Vượng - người được mệnh danh là "ông vua ngành kính" Trung Quốc.

Muốn con chạm được đến hạnh phúc, phải cho con chịu khổ

Tào Đức Vượng có một người con trai tên là Tào Huy, sinh năm 1970. Vị thiếu gia này không sở hữu bằng cấp cao, nhưng dựa vào thân phận con trai cả của mình, anh hoàn toàn có thể tham gia bộ máy lãnh đạo, rồi trở thành người đứng đầu công ty gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tào Đức Vượng đã cho con trai bắt đầu sự nghiệp từ vị trí thấp nhất trong công xưởng của mình. Tào Huy cũng không phản đối sự bố trí của cha, làm việc đủ 3 ca/ngày trong xưởng, cùng ăn cùng ở với các công nhân khác.

Nhiều người thắc mắc: Tào Đức Vượng không thương con mình sao? Không phải như vậy.

Để trở thành tỷ phú như ngày hôm nay, bản thân Tào Đức Vượng đã phải trải qua rất nhiều gian khổ. Ông hiểu rằng cách tốt nhất để giáo dục con là cho con mình chịu khổ. Khổ luyện sẽ tạo nên ý chí kiên cường, khó khăn sẽ gọt giũa nhân phẩm.

Chính vì vậy, sau khi Tào Huy tốt nghiệp trung học, vị tỷ phú này để yêu cầu con trai đến xưởng làm công nhân, thử chịu cực khổ.

Tào Huy đã không làm cha mình thất vọng. Sau một thời gian dài làm đủ thứ công việc chân tay trong xưởng, anh chuyển sang thực tập tại trụ sở doanh nghiệp, tiếp đến trở thành Tổng giám đốc Fuyao chi nhánh Bắc Mỹ. Nhờ hiểu rõ phương thức quản lý và cơ chế điều hành nhà máy của gia đình, anh đã giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng gấp nhiều lần.

Có một câu nói như thế này: "Nếu cha mẹ không dám để con cái chịu khổ, cuộc đời sẽ khiến chúng khổ".

Thời còn đi học, trong lớp chúng ta luôn có vài người xuất thân từ gia đình giàu có. Không ít đứa trẻ thuộc nhóm đó bị bố mẹ bỏ bê, không dạy dỗ mấy do họ còn bận đi kiếm tiền.

Có trường hợp khi bị phê bình trước lớp liền không ngần ngại nói: "Cha em bảo rằng việc học tập quá cực khổ. Cố lấy được tấm bằng để sau đi làm ăn với cha là được rồi. Cha em đã không quản, cô cũng đừng quản".

Về sau, người này đang du học nước ngoài thì gia tộc lâm vào cảnh phá sản, buộc phải trở về nước. Hiện tại, anh ta đang làm thuê cho một xí nghiệp nhỏ, suốt ngày than thở rằng hồi đi học cha mình ngạo mạn, không ép học hành, nên giờ mình mới phải chịu khổ như vậy.

Do đó, nếu cha mẹ thực sự thương yêu con thì phải để chúng chịu đựng gian khổ. Từ đó, chúng mới có thể trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với mọi giông bão của cuộc sống.

Quyên góp từ thiện 1,8 tỷ USD nhưng lại để con trai phú nhị đại làm công nhân: Cách dạy con nghiêm khắc của ông vua ngành kính Trung Quốc, không phải cha mẹ nào cũng dám xuống tay - Ảnh 2.

Tỷ phú Tào Đức Vượng (phải) và con trai Tào Huy (trái)

Một người mạnh mẽ chỉ có thể được tạo ra trong môi trường gian khổ

Tào Đức Vượng còn là một nhà hảo tâm lớn tại Trung Quốc. Trong suốt 30 năm, ông đã trích ra 1,8 tỷ USD - khoảng 50% khối tài sản hiện tại của mình - cho các hoạt động thiện nguyện.

Tuy nhiên, rất ít người biết đến nhà từ thiện giấu mặt này. Bởi lẽ, ông ghét sự ồn ào, khoe mẽ, mà đề cao bản tính khiêm nhường.

Quyên góp nhiều tiền như vậy nhưng Tào Đức Vượng vẫn coi đó là những việc nhỏ nhặt. Ông cảm thấy chẳng qua mình có khả năng, trong khi đất nước và xã hội lại đang cần. Đây là điều một doanh nhân nên làm, giống như người bình thường phải ăn phải ngủ, là điều hết sức bình thường.

Sở hữu khối tài sản trị giá gần 4 tỷ USD nhưng vị doanh nhân 74 tuổi này vẫn trung thành với chiếc Mercedes-Benz cũ kỹ. Ông thường tự mình lái xe đến quán ăn đối diện nhà máy để thưởng thức món chân giò.

Sự khiêm nhường này còn được thể hiện trong cách ông giáo dục con cái mình. Khác với nhiều phú nhị đại khác chỉ biết ngửa tay xin tiền cha mẹ, chơi bời quậy phá, những đứa trẻ nhà Tào Đức Vượng lại mộc mạc không khác gì người thường.

Trong 8 năm làm việc tại Tập đoàn Fuyao, con trai cả Tào Huy chỉ mặc mãi một bộ đồ. Anh sống trong ký túc xá cùng công nhân, lái xe cũ của cha mình, đi công tác cũng chỉ ngồi hạng phổ thông.

Cậu con trai út Tào Đại Đằng, khi mua chiếc xe đầu tiên ở bên Mỹ, cũng chỉ dám mua hàng đã qua sử dụng với giá vỏn vẹn 1.600 USD. Xét về gia thế, anh hoàn toàn có thể tậu về siêu xe hàng triệu USD, nhưng lại không làm vậy.

Nhiều người cười chê rằng họ đúng là những tên ngốc sinh ra trong nhà hào môn. Những vị thiếu gia ấy giàu có đến thế, nhưng lại không nỡ tiêu tiền chăng?

Chắc chắn là không phải.

Đối với những người giàu có thực sự như Tào Đức Vượng và các con, họ chẳng còn thiếu cái gì nên cũng không có nhu cầu phải khoe mẽ, không cần dùng vật chất để chứng minh với ai. Kiếm được nhiều tiền đâu có gì ghê gớm; kiếm được nhiều tiền mà vẫn sinh hoạt bình dị, đấy mới là điều đáng khen.

Quyên góp từ thiện 1,8 tỷ USD nhưng lại để con trai phú nhị đại làm công nhân: Cách dạy con nghiêm khắc của ông vua ngành kính Trung Quốc, không phải cha mẹ nào cũng dám xuống tay - Ảnh 4.

Dân chủ mà không mất đi sự uy nghiêm - phương thức cao nhất để giáo dục con cái

"Con nhà người ta" là một cụm từ không mấy xa lạ. Phần lớn cư dân mạng đều nói, họ đã nghe đến phát mệt những lời khen ngợi "con nhà người ta" từ cha mẹ mình.

Theo khảo sát của Nhật báo Thanh niên Trung Quốc, hơn 80% phụ huynh từng so sánh con mình với con của các gia đình khác. Họ cho rằng việc này sự so sánh này sẽ là động lực để con cái tiến bộ.

Tuy nhiên, đối với trẻ con, áp lực trong lòng chúng ít nhiều sẽ tăng lên mỗi khi phải nghe những lời như thế. Dần dần, trẻ sẽ càng trở nên xa rời, tạo khoảng cách với cha mẹ.

Giáo dục bằng cách so sánh không thể nuôi dạy nên những đứa trẻ tự tin.

Tào Đức Vượng cũng hiểu rõ điều này. Mỗi khi nhắc đến các con, vị tỷ phú này luôn thể hiện sự tự hào và trân trọng: "Các con trai của tôi khác với con của những nhà tài phiệt khác. Chúng đều là những đứa con ngoan, chịu khó và làm việc chăm chỉ".

Trong mắt ông, những đứa trẻ ấy đều là độc nhất vô nhị, mang những giá trị của riêng mình.

Quyên góp từ thiện 1,8 tỷ USD nhưng lại để con trai phú nhị đại làm công nhân: Cách dạy con nghiêm khắc của ông vua ngành kính Trung Quốc, không phải cha mẹ nào cũng dám xuống tay - Ảnh 5.

Khi được hỏi về năng lực của con trai cả, Tào Đức Vượng tự tin trả lời: "Tào Huy có thể không tài năng như những người khác, nhưng mặc kệ, đây vẫn là con tôi". Phụ huynh tốt sẽ chẳng bao giờ chê con mình không bằng người ta, mà luôn coi con là độc nhất vô nhị.

Người đời thường có câu: "Thương cho roi cho vọt". Tào Đức Vượng chia sẻ rằng hồi còn bé, ông hay bị cha phạt đòn nặng mỗi khi mắc lỗi. Tuy nhiên, ông không bao giờ áp dụng cách này với con mình.

Trẻ em vào người lớn giống nhau, đều đáng được tôn trọng.

Dù chưa bao giờ dùng đến đòn roi, vị tỷ phú này vẫn giữ được sự uy nghiêm với con mình. Khi ông đang nói chuyện, các con đều không dám xen vào.

Mỗi đứa trẻ đều mang theo mình những giấc mơ đẹp nhất. Chúng xứng đáng nhận được sự quan tâm, chăm sóc dịu dàng từ cha mẹ mình.

Người may mắn, cả đời dựa vào tuổi thơ để an ủi; kẻ bất hạnh, cả đời tìm cách an ủi tuổi thơ.

Cha là điểm tựa lúc con sợ hãi, là ngọn đèn soi sáng. Một người cha tốt bằng 100 người thầy giỏi. Cha có tốt, con mới có thể bay cao.

Nhà tâm lý học Pierre Nicolas Gerdy từng nói: "Người cha có vai trò vô cùng quan trọng, có quyền năng đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái".

Cách Tào Đức Vượng dạy con đã cho ta thấy đâu mới là tình thương chân thành nhất của người cha. Đây mới là người cha thật sự để cho các con tin tưởng dựa vào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại