Trung Quốc đánh dấu bước tiến trong việc điều trị bệnh Covid-19 bằng y học cổ truyền

Hồng Nhung |

Trung Quốc đã phê duyệt ba sản phẩm y học cổ truyền của Trung Quốc (TCM) được phép bán điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, Cục Quản lý Sản phẩm Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: CNN

Ảnh minh hoạ. Nguồn: CNN

Theo CNN, Cục Quản lý Sản phẩm Y tế quốc gia Trung Quốc đã áp dụng thủ tục phê duyệt đặc biệt "bật đèn xanh" cho ba sản phẩm y học cổ truyền có tác dụng điều trị bệnh Covid-19.

Tuyên bố nên rõ, các sản phẩm đều là thảo dược dạng hạt và có nguồn gốc từ các bài thuốc dân gian lâu đời của Trung Quốc.

Các sản phẩm được phát triển từ phương pháp y học cổ truyền từng được sử dụng ở Trung Quốc ngay từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên tại Vũ Hán, sau đó đã được sàng lọc bởi các chuyên gia và nhà nghiên cứu ở các tuyến đầu.

Tuyên bố của Cục Quản lý Sản phẩm Y tế quốc gia Trung Quốc cũng cho biết ba sản phẩm này có chức năng "làm sạch và giải độc phổi"; "giải độc và khử ẩm", "khuyếch tán và giải độc phổi".

Tính an toàn và hiệu quả của phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc liên tục được đề cập trong các hội thảo ở nước này. Một số chuyên gia bày tỏ tin tưởng nhưng một số khác lại nghi ngờ về phương pháp chữa bệnh này của Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền liên tục sử dụng trong hàng trăm năm qua nhưng các nhà chỉ trích vẫn cho rằng chưa có bằng chứng khoa học chứng thực các lợi ích mang lại của phương pháp TCM.

Trong những năm gần đây, nhiều bài thuốc cổ truyền chữa bệnh thành công ở Trung Quốc đã từng được đánh giá cao và là niềm tự hào dân tộc của người dân nước này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã lên tiếng ủng hộ phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

"Y học cổ truyền là kho báu của người dân Trung Quốc, thể hiện trí tuệ của quốc gia và người dân đất nước", Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong Hội nghị quốc gia về chủ đề y học cổ truyền vào tháng 10/2019. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần khuyến cáo các bác sĩ nên kết hợp điều trị phương pháp đông y và tây y trong quá trình khống chế dịch bệnh Covid-19.

Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết, hàng chục nghìn bệnh nhân Covid-19 đã sử dụng phương pháp điều trị bằng thảo dược kết hợp với thuốc kháng virus vào năm ngoái.

"Trong giai đoạn hồi phục cơ thể cũng như cải thiện khả năng miễn dịch, TCM có thể giúp kích thích khả năng tăng sức đề kháng và phục hồi cho bệnh nhân. Đây được xem là cách trị liệu hiệu quả", bà Yu Yanghong – Phó Cục trưởng Cục Y học cổ truyền Trung Quốc cho biết.

"Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với 102 bệnh nhân có triệu chứng mắc Covid-19 nhẹ tại Vũ Hán, các bệnh nhân được điều trị kết hợp cả đông y và tây y đang được so sánh với bệnh nhân chỉ điều trị tây y. Kết quả, tỷ lệ hồi phục trong quá trình kết hợp hai phương pháp điều trị cao hơn 33% so với việc lựa chọn chỉ một phương pháp", bà Yu nói thêm.

Vào cuối tháng Ba năm ngoái, Trung Quốc hầu hết đã kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Mặc dù nước này đã liên tục phải chịu các làn sóng bùng phát dịch bệnh thường xuyên tại nhiều vùng miền khác nhau nhưng con số lây nhiễm vẫn được kiểm soát và giữ mức thấp. Cuộc sống hàng ngày của người dân đã trở lại bình thường. Các hạn chế dỡ bỏ và người dân có thể đi lại trong nước mà không phải bắt buộc đeo khẩu trang.

Chính quyền địa phương đánh giá cao phương pháp y học cổ truyền trong điều trị các triệu chứng Covid-19 và hạn chế bùng phát dịch bệnh. Trong tháng Một năm nay, khoảng 60.000 liều thuốc đông y điều trị bệnh Covid-19 đã gửi tới các cảnh sát tuyến đầu chống dịch. Một số tỉnh, bao gồm Cát Lâm và Hà Bắc đã phát động "Kế hoạch phòng bệnh Covid-19 bằng phương pháp y học cổ truyền" vào tháng Một nhằm khuyến khích kê các đơn thuốc TCM điều trị cho bệnh nhân mắc Covid.

Hiện tại, các chính quyền địa phương đang mở rộng ngành công nghiệp này nhằm phát triển phương pháp y học cổ truyền trong việc điều trị bệnh.

Trung Quốc đặt mục tiêu đào tạo hơn 100.000 chuyên gia về y học cổ truyền trong vòng 10 năm tới và thực hiện các biện pháp, chương trình đào tạo liên quan đến TCM trong trường học.

Dự kiến, các trung tâm phục hồi chức năng liên quan đến lĩnh vực y học cổ truyền sẽ được xây dựng, trong đó có một số trung tâm nghiên cứu lâm sàng.

Truyền thông nhà nước cũng quảng bá phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc. Hãng thông tấn nhà nước – Tân Hoa Xã dẫn tin, TCM đã mang lại hy vọng cho người Mỹ gốc Hoa ở New York trong bối cảnh hệ thống y tế công cộng của thành phố dường như bị "tê liệt" trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát ở Mỹ và một số phương pháp đông y đã được người dân Kuwait áp dụng trong quá trình điều trị bệnh Covid-19.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng khuyến cáo không nên sử dụng phương pháp y học cổ truyền điều trị bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ngay sau đó trang web của WHO đã xóa nội dung này.

Một số người trong cộng đồng y sinh cho rằng WHO bảy tỏ lo ngại về các độc tính của một số loại thuốc thảo dược và thiếu căn cứ về tác dụng của các loại này trong khi những người ủng hộ quyền động vật cho rằng trị liệu bằng y học cổ truyền sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho các loài động vật quý hiếm như tê tê, gấu và tê giác được sử dụng trong điều trị bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại