Giáng đòn đầu tiên trừng phạt Nga: Biden đã sẵn sàng “không nương tay” với Moscow?

Kiều Anh |

Việc Tổng thống Mỹ Biden giáng đòn trừng phạt đầu tiên với Nga liên quan đến vụ Navalny phải chăng chỉ là khởi đầu cho một loạt hành động cứng rắn sắp tới của chính quyền mới?

Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times

Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times

Đòn trừng phạt đầu tiên với Nga của chính quyền Biden

Chính quyền Tổng thống Biden hôm 2/3 đã thông báo áp các lệnh trừng phạt với một số nhân vật cấp cao trong chính phủ Nga sau vụ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc. Động thái này có thể là khởi đầu cho một loạt hành động nhằm cho thấy hướng tiếp cận cứng rắn với Moscow của ông Biden so với cựu Tổng thống Donald Trump.

Các lệnh trừng phạt này ngăn cản việc tiếp cận tài chính và các tài sản khác ở Mỹ đối với 7 nhân vật cấp cao thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mặc dù không bao gồm ông Putin. Mỹ cũng nhiều lần nhắc lại yêu cầu Nga thả ông Navalny.

Mặc dù các lệnh trừng phạt này chủ yếu mang tính biểu tượng, song đây là hành động cứng rắn đầu tiên của chính quyền ông Biden với Nga. Các quan chức Mỹ cũng nhận định rằng điều đó cho thấy ông Biden sẽ đối xử với Nga khác biệt so với người tiền nhiệm.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi việc truy tố và bắt giữ lãnh đạo đối lập Navalny là "mang động cơ chính trị" và khẳng định chính phủ Nga phải thả ông Navalny ngay lập tức.

Tổng thống Biden khẳng định ông sẽ đối đầu với ông Putin trước những động thái có thể gây tổn hại cho Mỹ hoặc các đồng minh của nước này, đồng thời tìm cách hợp tác với Moscow về kiểm soát vũ trang, biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác. Mỹ đã đổ lỗi cho Nga về việc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu, thúc đẩy các chiến dịch làm sai lệch thông tin, các cuộc tấn công mạng, cũng như đe dọa đến các nước láng giềng như Ukraine.

Các lệnh trừng phạt này đặc biệt đáng chú ý bởi đây là những động thái đầu tiên của ông Biden với Nga kể từ khi ông nhậm chức. Trong khi hầu hết các Tổng thống khi nhậm chức đều tuyên bố sẽ tìm cách điều chỉnh quan hệ với Nga thì ông đã làm điều ngược lại.

"Lệnh trừng phạt không phải một 'viên đạn bạc" cũng như không thể chấm dứt những khó khăn trong quan hệ với Nga. Chúng tôi cho rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục là thách thức trong thời gian tới. Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó, chúng tôi không tìm cách điều chỉnh lại quan hệ với Nga nhưng cũng không muốn làm leo thang căng thẳng", người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.

Bình luận này cho thấy chính quyền Tổng thống Biden sẽ không đi theo con đường của các chính quyền tiền nhiệm, bao gồm cả chính quyền Tổng thống Barack Obama, vốn cam kết điều chỉnh lại quan hệ giữa Mỹ và Nga song những nỗ lực này đã thất bại.

Nga phủ nhận vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Navalny, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 2/3 đã gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là "cuộc tấn công chống Nga mang tính thù địch", cảnh báo Mỹ không nên "đùa với lửa", cũng như khẳng định rằng Moscow sẽ đáp trả. Trước đó, Nga đã phản ứng theo cách "ăn miếng trả miếng" với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Lệnh trừng phạt Nga của Mỹ nhận được sự hưởng ứng từ Liên minh châu Âu (EU) khi khối này cũng thông báo trừng phạt 4 quan chức Nga liên quan đến vụ Navalny hôm 2/3. Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden, việc hợp tác với các đồng minh quan trọng của Mỹ như EU và Anh khiến cho các "lệnh trừng phạt mạnh mẽ và hiệu quả hơn, đặc biệt khi đối phó với Nga".

Lời cảnh báo tới Đức?

Một số quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết các lệnh trừng phạt này cũng bao gồm quy định kiểm soát xuất khẩu với 14 bên trong đó có 9 bên của Nga, 3 bên của Đức, và 1 bên của Thụy Sĩ, cùng với 3 tổ chức nghiên cứu của chính phủ Nga, hầu hết đều bị cáo buộc liên quan đến việc sản xuất chất độc sinh học và hóa học.

Các lệnh trừng phạt này không thay đổi cục diện hiện nay nhưng theo nhà phân tích Tom Rogan nhận định trên Washington Examiner, việc đưa các công ty Đức vào danh sách trừng phạt là một lời cảnh báo với Berlin.

Chính quyền ông Biden dường như muốn nói với Thủ tướng Đức Merkel rằng Mỹ không hài lòng về chính sách của bà với Nga. Sự không hài lòng này đến từ nhiều vấn đề, từ việc Đức vẫn chưa đáp ứng cam kết đóng góp ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP cho NATO cho tới việc Berlin tham gia vào dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga. Mỹ cho rằng dự án này là mối đe dọa với châu Âu khi nó có thể gia tăng ảnh hưởng trong nhiều thế hệ của Nga với nguồn cung năng lượng Tây Âu.

Chưa đủ mạnh tay?

Trước đó, các nghị sĩ từ lưỡng đảng Mỹ đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden sau khi hoãn trừng phạt các thực thể Đức liên quan đến việc thi công Dòng chảy phương bắc 2, bất chấp cảnh báo rằng dự án này làm suy yếu an ninh châu Âu.

Một số người cũng cho rằng ông Biden "nói lời không giữ lời". Sau khi cho rằng Tổng thống Trump không hành động mạnh mẽ trước Nga, họ đánh giá các động thái của chính quyền ông Biden trước Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Putin cũng không tương xứng với lời nói.

"Họ nói rằng ông Trump yếu đuối trước Nga và họ nói rằng họ sẽ cứng rắn nhưng họ lại đang làm điều tương tự. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Mỹ mới sẽ hành động một cách thực tế như thế nào?", James Carafano, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Quỹ Di sản ở Washington cho hay.

Phe chỉ trích cho rằng các lệnh trừng phạt Nga hôm 2/3 nhằm hạn chế đi lại và đóng băng tài sản của một số quan chức cấp cao Nga không tạo ra ảnh hưởng to lớn bởi những người này hầu như không tới Mỹ hoặc không có tài sản ở Mỹ.

Sự đoàn kết khi Mỹ và EU cùng trừng phạt Nga đã gửi đi một thông điệp tới Moscow song được cho là vẫn không thể thay đổi những tính toán của Tổng thống Putin. Một số quan chức hối thúc Mỹ và các đồng minh châu Âu nên đẩy vụ Navalny đi xa hơn nhưng dường như ông Biden không muốn để mối quan hệ với Nga lao dốc ngoài tầm kiểm soát./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại