Điệp viên nghỉ hưu kể chuyện nghề: Hóa ra những gì chúng ta xem trên phim lâu nay thực sự tồn tại, thậm chí đôi khi còn thú vị hơn thế

CHI CHI |

Điệp viên chắc chắn là một trong những nghề thú vị, đặc biệt, nguy hiểm và khiến mọi người tò mò bậc nhất thế giới.

Điệp viên là đề tài làm phim không bao giờ lỗi thời trong mọi nền điện ảnh. Những bộ phim điệp viên huyền thoại đều khắc họa các nhân vật cực "ngầu" với nhiệm vụ đi làm gián điệp tại tổ chức tội phạm hay chính phủ. Vậy thực tế nghề nghiệp này có nguy hiểm và đặc sắc như vậy không?

Annie Machon, một cựu điệp viên 52 tuổi đã trả lời thắc mắc này trong cuộc phỏng vấn với tờ Fabulous mới đây. Cô đã làm việc hàng chục năm cho Cơ quan An ninh tình báo MI5 - "FBI của Anh" và có những trải nghiệm chắc chắn người thường không bao giờ có được.

Điệp viên nghỉ hưu kể chuyện nghề: Hóa ra những gì chúng ta xem trên phim lâu nay thực sự tồn tại, thậm chí đôi khi còn thú vị hơn thế - Ảnh 1.

Annie Machon - nữ điệp viên kỳ cựu một thời của MI5 Anh Quốc

Yêu cầu của một điệp viên

Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge danh tiếng vào năm 1989, Annie cũng như nhiều tân cử nhân khác ấp ủ dự định tìm một công việc văn phòng. Cô muốn trở thành một nhà ngoại giao và đã nộp đơn ứng tuyển vào văn phòng Bộ ngoại giao.

Bỗng nhiên một ngày, Annie nhận được một bức thư lạ từ Bộ Quốc phòng với nội dung "Có thể sẽ có một công việc khác thú vị hơn dành cho bạn" cùng một số điện thoại.

Ngay lập tức, cô gái trẻ đã có linh cảm đó có thể là MI5. Annie cảm thấy hơi băn khoăn và sợ hãi. Nhưng với sự động viên của cha, cô đã gọi điện và đúng như những gì cô nghĩ, MI5 mời Annie đến ứng tuyển.

Để trở thành một điệp viên không hề dễ. Annie đã phải trải qua quá trình 10 tháng ròng rã với hàng chục bài kiểm tra đặc biệt và đào tạo nghiêm ngặt.

"Họ tìm người phải đáp ứng đủ mọi tố chất khắt khe: phải giỏi giao tiếp đủ để trình bày với các Bộ trưởng, đủ tài trí để thâm nhập và đánh bại các tổ chức khủng bố, đủ nhanh nhẹn và giỏi làm việc nhóm để kết hợp với các đặc vụ khắp mọi nơi. Và quan trọng nhất, bạn phải đủ bình tĩnh và cực kỳ dũng cảm vì công việc sẽ có những nhiệm vụ như gỡ bom mìn, cứu mạng người xảy ra thường xuyên."

Ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên, Annie đã bị "hỏi cung" 3 tiếng về toàn bộ cuộc đời mình từ ngày nhỏ. Sau đó cô phải thực hiện các bài kiểm tra tâm lý đặc thù. Chưa hết, họ cũng cử người đến nhà và khu vực Annie sống để điều tra về cô, thu thập thông tin bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm như đời sống tình dục, đến mức cô gái đã cảm thấy khó chịu vì giống như mình là tội phạm bị vạch trần tất cả.

Điệp viên nghỉ hưu kể chuyện nghề: Hóa ra những gì chúng ta xem trên phim lâu nay thực sự tồn tại, thậm chí đôi khi còn thú vị hơn thế - Ảnh 2.

Làm nghề điệp viên đòi hỏi tố chất và khả năng "trên trời" chỉ số ít đáp ứng được

Điệp viên đời thực và trong phim vừa giống vừa khác nhau

Công việc của các điệp viên chính là hóa thân vào các danh tính, thân phận khác nhau. 2 năm một lần, Annie sẽ có một cái tên mới, nghề nghiệp mới và sinh sống ở một đất nước mới. Trước khi "đổi vai", mỗi người chỉ có 2 tuần để học tập và nghiên cứu nhân vật mình sắp "diễn". Và họ được yêu cầu phải hóa thân đến mức xuất sắc vì mỗi một sơ hở đều đem đến nguy hiểm khôn lường.

Với Annie, cô từng có lúc làm nhân viên Chính phủ, có lúc trà trộn làm tội phạm. Nhiệm vụ cũng rất đa dạng, ví dụ như: Tìm hiểu nghiên cứu quan điểm chính trị của người dân, phát hiện và bắt các tổ chức tội phạm hay khám phá các thông tin chính trị mật từ đối thủ.

Trong phim Hollywood, các điệp viên phải đối mặt với những tình tiết như thực sự phải yêu đương, hẹn hò, kết hôn với các tội phạm hay nhân vật quan trọng để phục vụ cho công việc nội gián. Annie cho biết cô chưa từng phải nhận yêu cầu đặc biệt đó. Nhưng có thể cũng có nhân viên ở cục khác thực sự làm như vậy, đây là điều bí mật đến mức chính cô cũng không được biết.

Các tình báo viên cũng được cho là có mức lương rất cao vì yêu cầu nghề nghiệp quá phức tạp. Nhưng thực tế lại ngược lại.

Cựu điệp viên khẳng định không ai làm nghề này vì tiền. Khi mới bắt đầu công việc vào thập niên 90, lương của cô còn thấp hơn bạn bè mới tốt nghiệp làm các ngành nghề khác. Ngay cả đến bây giờ, cô nghe nói mức lương đã tăng nhưng cũng không phải quá nhiều.

Điệp viên nghỉ hưu kể chuyện nghề: Hóa ra những gì chúng ta xem trên phim lâu nay thực sự tồn tại, thậm chí đôi khi còn thú vị hơn thế - Ảnh 3.

Người phụ nữ nhỏ bé này đã sống hàng chục "cuộc đời" khác nhau trong cuộc đời mình

Khi được hỏi liệu thân phận đặc biệt của điệp viên có phải bí mật tuyệt mật như mọi người tưởng tượng, Annie trả lời các điệp viên ở MI5 trong thời gian cô làm việc được phép cho người thân, bạn thân và người yêu hoặc vợ chồng mình biết về nghề nghiệp của mình. Còn với những người quen khác, họ sẽ được tạo một vỏ bọc xuyên suốt gọi chung là làm nhân viên Bộ Quốc phòng. Đôi khi cô cũng cảm thấy lạc lõng giữa mọi người vì trong các cuộc chuyện trò không biết phải kể gì về công việc thường ngày của mình, tất cả đều phải giấu kín.

Công việc tình báo vô cùng căng thẳng, áp lực đè nặng mỗi ngày. Trong nhiều năm làm nghề, Annie đã gặp không ít đồng nghiệp không trụ được và bị mắc bệnh tâm thần. Còn việc giải tỏa bằng cách uống rượu hay dùng chất kích thích là rất phổ biến.

Tuy vậy, cựu điệp viên MI5 vẫn tự hào tuyên bố: "Đây là một công việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Nếu có ai đó hỏi tôi có nên làm nghề này không, tất nhiên tôi vẫn sẽ ủng hộ họ. Được làm một điệp viên là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ và tuyệt vời trong cuộc đời tôi."

Nguồn: The Sun


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại